Phông chữ

Dự kiến tháng 6/2012, trung tâm giới thiệu hàng Việt (Viet-Mart) sẽ được khai trương tại Berlin nhằm quảng bá và đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Đức.

Viet-Mart được ví như ngôi nhà Việt Nam giữa lòng Berlin với nhiều phân khu chức năng: khu vực trưng bày, bán sản phẩm, khu làm việc của các đại diện thương mại, phòng họp, nhà hàng, khách sạn... Đây cũng là trung tâm hàng Việt đầu tiên tại Đức có quy mô lớn và nhiều chức năng.

Ngoài việc trưng bày, giới thiệu hàng Việt tại Đức, trung tâm này còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Đức và châu Âu, cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu.

Theo Công ty cổ phần Nhà Việt, chủ đầu tư dự án, trong năm 2012 sẽ tổ chức 3 sự kiện lớn: lễ hội trà, cà phê Việt Nam, ngày Việt Nam và hội sách Việt Nam tại đây, để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm hiểu nhu cầu thị trường.

Ẩm thực Việt Nam được giới thiệu mang đậm màu sắc văn hóa. Trong ảnh là gánh bún riêu đậm tình quê. Ảnh: VietHaus

Trao đổi với báo chí ngày 27/12, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương và Cục xúc tiến thương mại đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Đức.

Tuy nhiên, theo ông Hải, để vào thị trường khó tính này hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản. Khó khăn thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa nên thiếu thông tin về thị trường, đây được xem là điểm quan trọng nhất. "Dù hiện nay có rất nhiều cơ quan cung cấp thông tin về thị trường Đức nhưng chi tiết từng ngành hàng cụ thể thì vẫn thiếu", ông Hải nói.

Khó khăn thứ hai là tiềm lực kinh tế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém, đặc biệt là thiếu vốn và nhân sự. Thông thường khi xâm nhập thị trường mới khó tính thì doanh nghiệp phải có quy mô lớn và hoạt động bài bản với chiến lược lâu dài. Đối với các doanh nghiệp chỉ tham gia vài ba tháng không thấy kết quả lại bỏ ngang thì chương trình xúc tiến đầu tư cũng không hiệu quả.

Thứ ba, hiện nay tại châu Âu nói chung và Đức nói riêng, các mặt hàng Việt Nam đang bị cạnh tranh rất lớn bởi Trung Quốc, Thái Lan, vì giá thành của họ rẻ hơn và tiềm lực lớn hơn. Điều Việt Nam còn thiếu chính là sự am hiểu về thị hiếu của khách hàng Đức.

Gian hàng ẩm thực của nhà hàng Sen tại tuần lễ văn hóa Việt tại Đức. Ảnh: VietHaus

Ông Hải cho hay, Cục sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin, tổ chức thêm nhiều hoạt động quảng bá hàng Việt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tham gia vào những hội chợ lớn của Đức và châu Âu để quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm. "Việc xâm nhập thị trường Đức và EU của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012 sẽ không dễ dàng. Kinh doanh sản xuất trong nước còn phải lo thiếu vốn thì việc tìm kiếm thị trường bên ngoài càng thêm khó", ông dự báo.

Tính đến năm 2011, Đức có 161 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 800 triệu USD, đứng thứ 22 trên tổng số 91 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng tại TP HCM Đức có 61 dự án với vốn đầu tư trên 340 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có tổng số vốn đầu tư sang Đức là 25 triệu USD, trong đó Công ty cổ phần nhà Việt (VietHaus) có vốn đầu tư là 10 triệu USD.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức tăng trung bình 15% mỗi năm, từ mức 1,1 tỷ USD năm 2000 tăng lên 4,1 tỷ USD trong năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 17,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 49,1% so với 6 tháng đầu năm 2010.

  • Vũ Lê, VNE