Phông chữ

Hai tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel, một đoàn gồm 16 doanh nghiệp Đức đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư, bắt đầu từ Hà Nội vào ngày 24 và kết thúc vào ngày 28 tại TPHCM. Nhân dịp này, TBKTSG Online có cuộc trò chuyện với ông Michael Pfeiffer, Giám đốc Tổ chức Thương mại và Đầu tư Đức và ông cho rằng, thương mại và đầu tư Việt - Đức sắp tới sẽ nhảy vọt..

- Năm ngoái, ông cũng là người dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp Đức đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác tại Việt Nam, vậy xin ông cho biết đôi điều về kết quả của chuyến xúc tiến đó?

Ông Michael Pfeiffer: Với chuyến đi năm ngoái, chúng tôi gặt hái được nhiều thành công với một loạt các hợp đồng mà các doanh nghiệp hai nước ký kết và được thực hiện sau đó, ngay cả trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp Đức tham gia cũng hết sức vui mừng khi phát triển được thêm các quan hệ với các đối tác Việt Nam ở đây. Mối quan hệ này còn được duy trì, không chỉ trong kinh doanh. Chính tôi còn gặp tất cả họ ở ngay đại sứ quán Việt Nam tại Berlin nữa.

- Chuyến đi này và chuyến đi trước có gì khác nhau không, thưa ông?

Năm nay lại còn thành công hơn nữa, khi mà mới hai tuần trước, bà Thủ tướng Merkel đã có chuyến thăm Việt Nam, và ký kết một hiệp định ở đây nhằm thúc đẩy hợp tác và thương mại giữa hai nước. Hiệp định này đề cập đến một số vấn đề như đầu tư song phương, hợp tác thương mại, và có đề cập đến Tổ chức Thương mại và Đầu tư Đức là nơi phải hợp tác giới doanh nghiệp hai nước. Trong chuyến đi này, hai ngày trước, chúng tôi cũng đã có cuộc bàn thảo với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở Hà Nội, và nhận thấy rằng cơ hội đầu tư là rất lớn. Và nếu nhìn vào số lượng, thì năm nay, với 16 doanh nghiệp đến đây, con số này là gấp đôi năm ngoái.

Ở Hà Nội, chúng tôi gặp phải một vấn đề “nan giải”, đó là có quá nhiều doanh nghiệp đến tìm cơ hội hợp tác. Điều này cũng giống như ở TPHCM, số lượng công ty đăng ký vượt sự mong đợi. May là chúng tôi cũng giải quyết được. Nhưng vì thế, tôi cho rằng sắp tới hai nước sẽ có những bước phát triển nhảy vọt hơn nữa.

- Bà Thủ tướng Merkel thúc giục Việt Nam cần phải xuất siêu sang Đức nhiều hơn nữa, dù Việt Nam xuất siêu sang Đức khoảng 1,5 tỉ euro. Ông nghĩ gì về điều này?

Đức là một quốc gia rất mạnh về xuất khẩu, nhưng chúng tôi rất vui vì Việt Nam lại xuất hàng sang Đức nhiều gấp đôi chiều ngược lại. Hàng hóa của Việt Nam xuất sang chúng tôi là các mặt hàng truyền thống. Ngày nay, khi nói về cơ cấu xuất khẩu hàng truyền thống như vậy, người ta có cảm giác rằng cần phải xuất các mặt hàng về công nghệ. Tôi không cho là vậy. Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải trở thành số một trong một thế giới cạnh tranh gay gắt hiện nay. Chẳng hạn, với dệt may, Việt Nam đang là quốc gia có thế mạnh, nên đừng bao giờ từ bỏ thế mạnh của mình cả. Các công ty dệt may hàng đầu của Đức đã có mặt và sản xuất tại đây, như Van Laack chẳng hạn. Tại sao vậy? Lý do là ở đây có một ngành thời trang truyền thống rất có chất lượng. Vì thế tôi cho rằng Việt Nam cần phải tự hào về điều này, vì các bạn rất thành công trong một lĩnh vực hết sức cạnh tranh. Chất lượng là yếu tố rất quan trọng.

- Hàng Việt được nhìn nhận như thế nào ở thị trường Đức, thưa ông?

Người tiêu dùng Đức biết rất ít về Việt Nam. Thông thường khi mua cà phê, hay tiêu thì phải có nhãn hiệu thật to, ấn tượng, đại loại ghi rằng sản phẩm này sản xuất ở Việt Nam, của người Việt Nam, thế nhưng thực tế không phải vậy. Đối với các mặt hàng cao cấp, như thời trang chẳng hạn, thì họ mua Van Laack chứ không mua hàng Việt Nam, vì họ không biết. Vì thế, tho tôi, chúng ta cần phải cải thiện chuyện này bằng cách cung cấp thông tin nhiều hơn nữa về Việt Nam cho người Đức.

- Nhưng cũng đã có rất nhiều người Việt ở Đức? Vậy ông nhận xét gì về cộng đồng này?

Cộng đồng người Việt ở Đức khá đông đảo, hiện có gần 100.000 người, cùng với khoảng gần 50.000 kỹ sư đã được đào tạo ở Đức. Người Việt rất được kính trọng ở Đức. Sinh viên người Việt thuộc về nhóm hàng đầu trong các trường học, với số điểm thuộc hàng cao nhất. Và cứ ở đâu có người Việt là họ lại lọt vào nhóm hàng tốp đầu. Người Việt học và làm việc với đủ ngành nghề, từ bác sĩ, giáo sư đến kinh doanh và họ hòa nhập rất tốt vào cộng đồng Đức. Đó là lý do mà ở Đức chúng tôi luôn có một cảm giác tích cực khi nói về Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội, vì nhiều người Việt đã nắm được bí quyết của người Đức, hiểu người Đức.

Nhiều doanh nghiệp Đức đã đến Việt Nam, nhưng dường như vẫn “chưa xứng với tiềm năng", khi Đức chỉ đứng thứ 24 trong tổng số 95 quốc gia và nền kinh tế đầu tư vào đây?

Khi nói đến đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, chúng ta nói đến đầu tư vào những quốc gia từ 50-60 năm nay, như Thái Lan, Singapore chẳng hạn. Đây là những quốc gia đã mở cửa từ rất lâu rồi, vì thế, dĩ nhiên, nếu so sánh, thì đầu tư của Đức ở các nước này cao hơn ở Việt Nam. Lý do là Việt Nam mới mở cửa gần đây.

Các công ty Đức khi đầu tư, là họ tìm kiếm thị trường. Thị trường càng lớn thì đầu tư càng nhiều. Tôi cho rằng một vấn đề quan trọng trong phát triển của Việt Nam đó chính là thị trường ASEAN. Người Đức rất thích đầu tư vào khu vực này, và khi tìm đến thị trường châu Á, thì Việt Nam bỗng nhiên là một địa chỉ quan trọng.

- Xin cảm ơn ông!

  • Theo TBKTSG Online