Phông chữ

Ngày 23/9, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ông S. Pushpanathan và Giám đốc Quốc gia Hội hợp tác quốc tế của Đức (GIZ) Sabine Markert đã ký Thỏa thuận thực hiện “Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ASEAN-Đức trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp và các ngành liên quan” (GAP-CC).

Thỏa thuận này nhằm giải quyết các vấn đề an ninh lương thực và tác động của biến đổi khí hậu ở các nước thành viên ASEAN.

Thông báo của Ban Thư ký ASEAN cho biết, phát biểu tại lễ ký, Giám đốc Marker khẳng định với tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay, Đức và ASEAN có cùng mối quan tâm giải quyết tác động xấu của hiện tượng này đối với an ninh lương thực.

Phó Tổng Thư ký ASEAN Pushpanathan đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Đức cho ASEAN trong nhiều lĩnh vực, như xây dựng năng lực cho Ban Thư ký ASEAN, chính sách cạnh tranh và pháp luật, phát triển cảng bền vững, không khí sạch cho thành phố nhỏ và Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, trong đó ASEAN và Đức cùng làm việc.

Ông Pushpanathan cho biết tại Hội nghị các quan chức cấp cao và Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 32 (SOM-AMAF 32) hồi tháng 10/2010, ASEAN và Đức đã thống nhất trên nguyên tắc về GAP-CC, do GIZ (khi đó được gọi là GTZ) đề xuất.

Chương trình này nhằm tăng cường năng lực của ASEAN trong việc thực hiện các chính sách, chiến lược khu vực giữa các nước thành viên, đóng góp vào nền an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong nông lâm nghiệp.

Trước đó, Hội nghị AMAF 31, diễn ra hồi tháng 11/2009, đã nhất trí cho rằng ASEAN có nhu cầu khẩn cấp tìm giải pháp đối phó với tác động xấu ngày càng tăng của biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, và thông qua khuôn khổ chung đa ngành về tác động của biến đổi khí hậu trong nông lâm nghiệp đối với an ninh lương thực (AFCC).

AFCC là một phần trong những nỗ lực tổng thể theo Sáng kiến ASEAN về biến đổi khí hậu (ACCI), nhằm mục tiêu đóng góp vào an ninh lương thực, thông qua việc sử dụng bền vững, hữu ích và hiệu quả tài nguyên đất, rừng, nước và thủy sản.

Tại Hội nghị ASOF lần thứ 13 hồi tháng 7/2010, Đức đã cam kết hỗ trợ 3 triệu euro để thực hiện AFCC trong ba năm (2011-2013)./.

  • (TTXVN/Vietnam+)