Phông chữ
“Tác phẩm của ông ấy đơn giản, nhưng rất đẹp. Bởi ông không đơn thuần chụp chân dung người VN, mà chụp tâm hồn của họ.
 
Dường như giữa tâm hồn của ông và người được chụp đồng cảm với nhau", nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính nổi tiếng với bức hình Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị, đã nói vậy khi xem triển lãm của Jochen Voigt.
 

Jochen Voigt đến VN vào năm 1967 và trở lại sau đó một năm, với tư cách là phóng viên ảnh theo đoàn y tế cứu trợ chiến tranh của Đức khi vừa tròn 20 tuổi. Mãi tới năm 2003, Jochen Voigt mới quyết định quay lại VN. Và kể từ đó, người đàn ông đã qua tuổi 60 này cứ rong ruổi dọc chiều dài đất nước VN bằng xe máy, để gom đầy cho mình những cung bậc cảm xúc!

Sau triển lãm ảnh đầu tiên được tổ chức ở TP.HCM hồi tháng 11.2009, với những bức ảnh theo từng chủ đề, thể hiện nhiều góc cạnh khác nhau trong cuộc sống của người VN, Jochen Voigt sẽ tiếp tục triển lãm tại Hội An vào tháng 4 tới. Câu chuyện mà ông kể cho tôi dưới đây diễn ra trong một buổi sáng đầy nắng của Sài Gòn, giữa một mê cung âm thanh ầm ĩ của bao loại động cơ, nhưng vẫn dễ dàng khiến lòng người xao động.

Ám ảnh

Lần quay lại VN sau 37 năm, hầu như tôi không chuẩn bị gì cả. Tôi cố tình làm vậy để mọi thứ tự đến và cho tôi biết, tình yêu của tôi đối với đất nước này có còn giống ngày xưa không. Nhưng thật kinh khủng, kể từ khi bước chân lên máy bay tôi không phút nào là không hồi hộp. Cảm xúc chờ đợi tràn ngập. Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, chạy qua những lô cốt còn nguyên vẹn của thời chiến tranh. Tim tôi đập dữ dội. Và tôi khóc. 37 năm sao mà trôi qua nhanh dữ vậy? Rồi tôi ra Đà Nẵng, ở khách sạn Bạch Đằng. Chỗ này ngày xưa tôi từng ở, nhìn qua bên kia sông Hàn, có cây cầu thật đẹp. Nhiều thứ thay đổi nhưng vẫn còn rất quen thuộc. Tôi tới Bệnh viện Hội An, tháp nước, di tích cũ vẫn còn… Thật sự, tôi phải kiểm soát cảm xúc và thận trọng với chính bản thân mình. Tôi sợ bị cảm xúc cuốn trôi.

 
Người   đàn ông Đức đi dọc VN   Nhân vật trong các tác phẩm của Jochen Voigt là con người VN trong thời kỳ chiến tranh và trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của VN ở thời hoà bình. Đó là những bức ảnh đầy ấn tượng về con người VN, dù đã từng trải qua nhiều đau khổ, vẫn toát lên sự tươi sáng và rạng rỡ hạnh phúc.
Người đàn ông Đức đi   dọc VN 
 

Conrad Cappell, Tổng lãnh sự CHLB Đức tại TP.HCM

Kể từ đó, những tấm hình, thước  phim tôi chụp ngày xưa dần dần sống lại. 37 năm qua, chúng luôn hiện diện trước mắt tôi, nhưng tôi không muốn mở ra. Những cuộn phim được tôi đóng lại trong các tập hồ sơ để trên giá sách trong phòng làm việc. Hằng ngày tôi nhìn thấy chúng. Cho đến bây giờ, tôi mới mang qua VN rửa để làm triển lãm. Tôi muốn nói rằng, Jochen Voigt đến đây với tư cách cá nhân, một người rất yêu quý VN, chứ không phải là người trải qua chiến tranh. Tôi không kể về chiến tranh, không nói gì lớn lao, chỉ đơn giản là muốn các bạn biết một người từng có thời gian ở VN và yêu quý đất nước VN tươi đẹp này.

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn còn hỏi điều gì đã thúc giục tôi tới VN hồi năm 1967. Tôi đến, trước hết vì tò mò về cuộc chiến mà bên ngoài người ta nói Mỹ đang giúp đỡ VN. Lúc đó tôi vừa xong khoá đào tạo phóng viên ảnh, kinh nghiệm không nhiều. Tôi ký hợp đồng theo đoàn y tế cứu trợ chiến tranh, vay tiền mua chiếc máy ảnh hiệu Leica và phim để làm hành trang. Nhưng mọi chuyện lại khác hoàn toàn. Sân bay Tân Sơn Nhất ngày ấy sôi động gấp hai lần sân bay Bangkok, với rất nhiều máy bay quân sự. Tại Sài Gòn, một số địa điểm cánh nhà báo tập trung ngồi xem truyền hình đưa tin chiến sự. Đó không phải là đời sống thực, khi mọi chuyện đều diễn biến trong một khuôn khổ. Tôi tới Quảng Nam, chính là nơi tôi tác nghiệp, "cái rốn" của cuộc chiến. Tôi ở nhiều ngày trong bệnh viện và nhận thấy hằng ngày có tới 2/3 bệnh nhân đưa vào là bố mẹ đi kèm trẻ em. Có nhiều bức hình, tôi phải chụp một tay, còn tay kia giúp đỡ bệnh nhân.

Đó trở thành nỗi ám ảnh. Trong suốt 37 năm dài tôi chưa hề đặt ra cho mình câu hỏi là phải quay lại VN. Tôi muốn quá khứ ngủ yên, sợ phải khơi gợi để nó thức dậy. Tôi còn thậm chí không đến nước nào ở châu Á. Tôi muốn xem ký ức đối với VN như một lát cắt trong cuộc đời mình. Chiến tranh với tôi là quá dữ dội.

Nhưng tôi không thể mãi giấu quá khứ trong ngăn kéo tủ. Tôi thật sự muốn tìm lại những người quen cũ ở VN. Đó là tâm ước của tôi. Lúc làm triển lãm ảnh ở TP.HCM, tôi gặp lại ông Thái Tế Thông, chủ hiệu ảnh Diệp Đồng Nguyên Vĩnh Tân ở Hội An. Nơi này ngày trước tôi thường rửa hình gửi về Đức. Hiệu ảnh vẫn còn chỗ cũ. Chuyện nữa, cho tới giờ tôi vẫn không quên một cô bé người Hội An, tên Liên, lúc đó 12 tuổi. Tôi muốn chụp hình cô nhưng mỗi lần đưa máy lên là Liên chạy trốn. Nên tôi núp vào một chỗ và chụp lén được tới 36 kiểu ảnh. Cô bé này có một ý nghĩa đặc biệt với tôi vì đã cứu mạng sống của tôi. Nhiều người nói với tôi, nếu cô ấy còn sống thì khoảng 55 tuổi và chắc chắn sẽ tìm được. Hồi đó, tôi ra chỗ đám trẻ đang chơi trên một cái sân, giữa cái sân có một cái giếng, để chụp hình. Một cậu bé chạy tới đưa cho tôi một cái gì đó. Ngay lập tức cô bé Liên la lớn "không không" bằng tiếng Anh. Tôi nhìn vào tay mình, thì đó là trái lựu đạn đã bị rút chốt, nếu thả ra sẽ nổ trong vòng 6 giây. Tôi định vứt xuống giếng. Cũng may có một bác sĩ quân y trong đoàn tới xử lý giúp, chứ tôi hoàn toàn không biết phải làm gì.

Người đàn ông Đức đi dọc VN 

Người đàn ông Đức đi dọc VN 
Chân dung con người VN luôn xuất hiện trước ống kính của Jochen Voigt - Ảnh: Jochen Voigt

Tôi thiện cảm với giới trẻ VN

Nhân năm Đức ở VN 2010, trước mắt tôi sẽ chuẩn bị triển lãm tại Hội An và sau đó sẽ là một số địa phương khác. Còn tại Đức là chắc chắn. Nhưng sẽ mở rộng hơn, cũng có con đường quá khứ, con đường tương lai và sẽ nhấn mạnh đến du lịch. Tôi chắc rằng hiệu ứng ở Đức sẽ rất tuyệt vời và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Anh đừng ngạc nhiên. Nhiều người Đức hiện đang rất quan tâm tới VN, đặc biệt là thế hệ cỡ tuổi tôi, những người ngày xưa xuống đường biểu tình phản chiến. Một số hình ảnh tôi chụp VN những năm 1967 - 1968, cùng nhiều tác phẩm của các nhà báo khác đăng tải trên báo chí ở Đức đã góp phần tạo nên phong trào đó. Họ là những người bạn của VN. Họ thực sự quan tâm đến những gì đang diễn ra ở VN.

Bên cạnh triển lãm ảnh, năm nay tôi sẽ xuất bản một cuốn sách về VN, bao gồm hình ảnh và những bài viết cảm nhận… Trong đó, tôi dành hẳn một chương kể chuyện về cô bé tên Liên. Dự án tiếp theo là làm một cuốn phim tài liệu về giới trẻ VN. Chúng tôi chuyển tải góc nhìn của những người trẻ nước ngoài về giới trẻ VN và ngược lại. Đó là cuộc đối thoại giữa nhà làm phim với giới trẻ VN và thế giới. Quay phim ở VN sẽ là người Đức và quay phim ở Đức sẽ là người VN. Những câu hỏi giống nhau được sử dụng để khán giả có thể nhìn thấy quan điểm khác hoặc giống nhau giữa đông và tây. Tôi có thiện cảm đặc biệt với giới trẻ VN. Họ thường xuyên đặt câu hỏi vì họ thực sự ham hiểu biết. Họ lập tức hiểu ra ngay những gì người khác muốn nói. Nhiều người trẻ tâm sự với tôi, họ muốn sang Mỹ, sang Pháp… để học, để lấy thêm kiến thức. Nhưng họ khẳng định là muốn sinh sống ở VN, chứ không phải nước khác. Tôi cũng thấy rõ ràng giới trẻ VN có quan hệ mật thiết với Tổ quốc. Đối với tôi, khó nói câu tôi tự hào về đất nước tôi. Nhưng ở VN, tôi học được ở giới trẻ lòng tự hào về đất nước. Tất nhiên không có nơi nào là thiên đường. Nhưng giới trẻ sẽ chính là những người tạo dựng thiên đường.

Ở đây, tôi thích cái vỗ vai thân tình, chia sẻ, cảm thông của người Việt. Tôi ở VN, đi xe máy từ Q.2 vào trung tâm TP.HCM. Giao thông trên đường thực sự không quá nguy hiểm, nếu quan sát kỹ. Có một luật gì đó mà người không tham gia giao thông không thể hiểu, chỉ người trong cuộc mới biết. Tôi không dám nhận mình là người hiểu VN, bởi mỗi lần tới đây lại nhận thấy thêm những điều khác lạ. Nhưng có người quen kiểu khái quát hoá và rồi nhận định hình ảnh không tốt về VN khi gặp điều gì đó không hay ở đây, như đi taxi. Chuyện này cũng có thể gặp ở Hamburg, taxi thấy bạn là người lạ từ xa tới sẽ chạy lòng vòng để kiếm được nhiều tiền. Vậy đấy!