Phông chữ

Bộ Tư pháp và Viện KAS mới phối hợp tổ chức Hội nghị điều phối lần thứ 4 Chương trình hợp tác trong lĩnh vực hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và CHLB Đức giai đoạn 2009 – 2011, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Carsten Meyer Wiefhausen cho biết: Từ khi thực hiện Chương trình hợp tác đến nay, hai Bên đã tổ chức được hơn 120 hội thảo, các cuộc trao đổi chuyên môn và các chuyến đi khảo sát cho các chuyên gia pháp luật Việt Nam sang Đức và tại Việt Nam. Cũng trong thời gian qua, hơn 60 cơ quan của Đức và Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ đối thoại Nhà nước pháp quyền và đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Theo đánh giá của Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) Đặng Hoàng Oanh, đây là Chương trình hợp tác lớn bao gồm 11 lĩnh vực hoạt động với 44 chủ đề hợp tác, phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Việt Nam.

Các hình thức hợp tác trong Chương trình hết sức phong phú và linh hoạt như tọa đàm, trao đổi tài liệu, ấn phẩm, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật… Còn đại diện TANDTC và VKSNDTC đều nhận định, việc triển khai Chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả trên các lĩnh vực hợp tác theo quy định của Chương trình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cả hai ngành và đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp.

Riêng đối với kế hoạch thực hiện Chương trình trong năm nay, thời gian tới, TANDTC mong muốn được phía Đức chia sẻ kinh nghiệm, thông tin vào thực tiễn xét xử các vụ án hành chính và trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, thương mại.

VKSNDTC đề nghị được ưu tiên các hoạt động liên quan đến tăng cường năng lực xây dựng và thực thi pháp luật; kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, kiểm sát viên. Bên cạnh đó, VKSNDTC cam kết tiếp tục chú trọng các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành đồng thời tăng cường các hoạt động hợp tác có tính chất phối hợp liên ngành.

Tuy nhiên, với tư cách đại diện cho cơ quan đầu mối phía Việt Nam, bà Oanh cho biết, mới có 8 hoạt động đã hoàn thành, trong khi còn một khối lượng công việc khá nhiều – lên tới 38 hoạt động cần phải được tiến hành trong thời gian từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, trong quá trình triển khai Chương trình, phía Việt Nam gặp khó khăn về kinh phí, khiến cho nhiều hoạt động không thực hiện được. Vì vậy, bà Oanh đề xuất nên cắt giảm một số hoạt động để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch và kiến nghị Chính phủ Đức xem xét chuyển kinh phí hỗ trợ hợp tác thành nguồn ODA.

  • Hoàng Thư, PLVN