Phông chữ
http://farm5.static.flickr.com/4017/4624079544_2cb052291c_o.jpgTrong khuôn khổ chương trình “Năm Đức ở Việt Nam”, kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam - Đức, cuối tháng 10 vừa qua, một đoàn doanh nghiệp Đức đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và kỹ thuật, đồng thời giới thiệu về tiềm năng đầu tư vào vùng Đông Đức cũ.

Tìm cơ hội

Có cảm giác như ông Wilfried Eisenberg, Giám đốc điều hành Công ty RSAG, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và cơ sở hạ tầng có lịch sử 130 năm ở Đức, hơi “ngoại giao” khi dùng những lời lẽ tốt đẹp cho Việt Nam khi mới qua thăm lần đầu. Tuy nhiên, đối với ông, chuyện hợp tác, đầu tư là nghiêm túc, và ông nhất quyết tìm cơ hội ở Việt Nam.

Sau thời gian ngắn tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam, điều đã níu chân ông ở lại đây là “người Việt Nam nghĩ rằng sẽ cùng người Đức làm ăn nghiêm túc, lâu dài, chứ không phải liên doanh rồi tìm cách sao chép hay đánh cắp công nghệ”. Ông cho biết trong tháng 2-2011, các quan chức Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam sẽ sang Đức để tìm giải pháp công nghệ cho các thành phố nhỏ và vừa, trong đó công ty ông cũng sẽ trình bày các dự án và giải pháp của mình. Nếu được chấp nhận thì đó sẽ là một cơ hội hợp tác tốt. Hơn nữa, quan hệ tốt đẹp trong quá khứ của người Đông Đức cũ và người Việt Nam cũng cho ông một cảm giác tin tưởng và yên tâm.

Ông Cao Thái Luận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp in - Bao bì Linsky, mới có chuyến công tác ở Đức để ký hợp đồng mua một chiếc máy in, trị giá 1,5 triệu euro. Dù có đôi chút phàn nàn về việc đô la Mỹ xuống giá so với đồng tiền chung châu Âu euro khiến cho hàng hoá của Đức trở nên đắt hơn, nhưng ông không hề giấu giếm ý định dành những lời khen cho sản phẩm máy móc của Đức. “Về máy móc thì Đức đúng là số 1”, ông nói.Những cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước vẫn chỉ dừng lại ở sự thăm dò và tìm hiểu, chưa thể có những vụ đầu tư lớn. Tuy nhiên, ông Trương Quang Kiệt, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn, cho rằng các bên đã tìm được nhiều điểm chung, mấu chốt quan trọng để đi đến hợp tác. Một bên cần công nghệ, mà Đức là quốc gia có thế mạnh, một bên cần thị trường. Dường như đã có sự gặp gỡ giữa cung và cầu trong giới doanh nghiệp Đức và Việt Nam. Điểm tương đồng đó được ông Wilfried Eisenberg khẳng định khi đề cao bản chất chăm chỉ và ham học hỏi của hai dân tộc.

Ông Michael Pfeiffer, Tổng giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức, nhận định Việt Nam là một mảnh đất tốt để các doanh nghiệp công nghệ cao của Đức tìm đến đầu tư. Ông dẫn chứng về trường hợp hãng thời trang hàng đầu thế giới của Đức, Van Laack, và một số dự án của các doanh nghiệp khác đã đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. “Một thương hiệu nổi tiếng như Van Laack là ví dụ điển hình về một thị trường hấp dẫn. Những nhà máy sản xuất turbine điện gió, những chiếc ô tô của Đức, cùng các công nghệ xanh, công nghệ mới là những minh chứng rõ ràng về sự hiện diện của nhà đầu tư Đức ở Việt Nam”, ông nói.

Theo ông, ở châu Âu, Đức là đối tác quan trọng nhất, nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như may mặc, thực phẩm, cà phê, thuốc lá… Đức xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm máy móc, nhưng “tiềm năng vẫn còn rất lớn vì những mặt hàng Đức nhập khẩu nhiều thì Việt Nam chưa tham gia bao nhiêu”.

Ông Pfeiffer cho rằng một lý do khiến các doanh nghiệp Đức muốn đầu tư ở Việt Nam hơn là việc các doanh nghiệp ở đây tuân thủ các quy tắc quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ. Theo ông, người Đức rất ý thức đến chuyện này vì họ đầu tư rất nhiều tiền của vào công nghệ nên không thể đầu tư vào một nơi mà người ta dễ dàng đánh cắp bí quyết hay sao chép bất hợp pháp. “Đó là lý do khiến chúng tôi rất thận trọng trong việc ký kết các hiệp định, hợp đồng. Chúng tôi biết rằng các công ty ở đây tuân thủ những quy tắc đó, vì thế việc hợp tác làm ăn sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông nói.

Cũng chính vì một thị trường hấp dẫn như thế, ở góc độ tư vấn và quản lý, ông Pfeiffer khuyên các doanh nghiệp Đức cần vượt qua những trở ngại về thủ tục ban đầu, đừng từ bỏ vì các doanh nghiệp đầu tư ở đây đều rất thành công. “Tôi nghĩ Việt Nam cũng cần phải tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, ông nói.

Và nhiệm vụ đặc biệt

Chuyến đi của ông Pfeiffer, ngoài việc dẫn đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, còn có một nhiệm vụ đặc biệt là kêu gọi các công ty Việt Nam đầu tư vào Đức, đặc biệt là vùng Đông Đức.

Vùng Đông Đức cũ, vốn chiếm 20% diện tích của nước Đức sau hai mươi năm thống nhất vẫn còn “tụt hậu” so với vùng Tây Đức cũ.

Ông Klaus Dornbusch, Trưởng cơ quan Phát triển kinh tế, Xúc tiến đầu tư và Hạ tầng thuộc Uỷ ban phụ trách các bang mới (vùng Đông Đức) của Chính phủ liên bang Đức, cho biết Chính phủ Đức đã đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng như xây dựng, giao thông vận tải, nên các doanh nghiệp Đông Đức đã vươn lên mạnh mẽ, có kinh nghiệm và kiến thức cùng công nghệ tiên tiến. Việc kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đông Đức không nằm ngoài mục tiêu đưa vùng đất này phát triển ngang bằng với cả nước.

“Vì thế tôi nghĩ có cơ sở vững chắc cho vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp Đức và Việt Nam, kể cả các quan chức, trong việc trao đổi kiến thức, trao đổi công nghệ để phát triển cơ sở hạ tầng. Tôi nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc hợp tác làm ăn với các đối tác Đức”, ông Dornbusch nói.

Ông cho biết thêm rằng riêng ở Berlin, đã có khoảng 1.800 công ty do người Việt thành lập và quản lý, một con số không hề nhỏ.

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, trong một buổi tiệc chiêu đãi, giao lưu giữa đại diện doanh nghiệp hai nước, Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM cùng phu nhân đã để qua một bên những nghi thức ngoại giao để nhường chỗ cho những điệu nhảy sôi động. Cứ kết thúc một điệu nhảy, ông bà Tổng lãnh sự lại cùng với các quan chức của Đức bước lên sân khấu, căng tấm băng rôn in hình ảnh người mẫu Claudia Schiffer quyến rũ với dòng chữ: “Invest in Germany, boys” (Hỡi các chàng trai, xin hãy đầu tư vào Đức).