Phông chữ

Đàn voi của Sở thú Leipzig ở CHLB Đức vừa chính thức đón thêm thành viên mới – Bảo Ngọc, con thứ hai của bố Voi Nam, có cả bố và mẹ đều sinh ra tại Việt Nam và được Thành phố Hồ Chí Minh tặng Leipzig năm 1984 và 1985.


Foto: Voi con Bảo Ngọc thực hiện nghi thức tắm sau lễ đặt tên.


Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bảo Ngọc sinh ngày 20/12/2022, nhưng phải sau gần 5 tuần, Sở thú Leipzig mới chính thức tổ chức lễ đặt tên cho thành viên nhỏ nhất này. Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh và Phu nhân Nguyễn Minh Hạnh đã tham dự lễ đặt tên và trở thành người đỡ đầu của voi Bảo Ngọc. Theo Đại sứ, Bảo Ngọc cũng là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Đức.

Trước đó, Sở thú Leipzig đã trưng cầu ý kiến những người yêu voi để tìm ra một cái tên thích hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên những tên mang nguồn gốc Việt. Nhờ sự trợ giúp của chị Nguyễn Thu Thủy, đại diện cho những người bảo trợ và yêu động vật tại thành phố, Đại sứ Vũ Quang Minh và lãnh đạo sở thú đã lựa chọn cái tên cuối cùng mang ý nghĩa của “viên ngọc quý” này.

Một trong những điều kỳ diệu nhất là Bảo Ngọc là con thứ hai trong đàn voi 4 anh em cùng bố Voi Nam thuần chủng Việt. Voi bố này sinh năm 2002, lần đầu tiên làm bố sau 20 năm ra đời tại Sở thú Leipzig. Cùng với anh Akito, em gái Bảo Ngọc, 2 em út, dự kiến sẽ chào đời trong vài tuần tới, đều là con của các mẹ voi đến từ các nước châu Á.

Hơn 20 năm trước, việc Voi Nam ra đời đã ở thành một sự kiện lớn, vì sau 66 năm, kể từ năm 1936, đàn voi ở Sở thú Leipzig lần đầu tiên đón thêm một thành viên mới. Khi mới chào đời, Voi Nam đã nặng 120 kg và cao 95 cm.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Đức, ông Thomas Guenther, Giám đốc phụ trách các loài châu Á, cho biết việc bảo tồn các loài, đặc biệt các loài có nguy cơ tuyệt chủng, là nhiệm vụ quan trọng. Tại một số nước nhiệt đới, voi rừng đã được xếp vào sách đỏ, đồng thời cũng là một trong những loài động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Việc phối giống voi nguồn gốc Việt với những con đến từ các nước có cùng hệ sinh thái vừa là biện pháp duy trì nòi giống, vừa đảm bảo việc nuôi dưỡng tốt.

Theo ông Guenther, việc nuôi dưỡng voi Việt Nam nói riêng và voi từ các nước châu Á nói chung không gặp quá nhiều khó khăn, bởi chúng dễ thích nghi với môi trường, sức chịu đựng cao, dễ thuần hóa hơn so với voi châu Phi. Đặc biệt voi châu Á có bộ da dày có thể thích nghi khi sống trong môi trường lạnh vì nhiệt độ cơ thể nhìn chung là cao và chịu lạnh tốt.

Ngoài nỗ lực trong việc gây dựng và phát triển đàn voi như hiện nay, những quản tượng phải duy trì được tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong đàn. Voi Nam, có sức khỏe tốt, đang ở tuổi sung sức, hiện đã là bố của 2 voi con và sắp tới sẽ có thêm 2 con nữa.

Sở thú Leipzig có quy mô lớn thứ hai tại châu Âu, được xây dựng từ thế kỷ 19, với tổng diện tích là 26,3 ha. Hiện sở thú này có gần 600 loài động vật đến từ khắp các châu lục trên thế giới.

Ngoài việc phát triển và bảo tồn động vật quý hiếm, Sở thú Leipzig còn đang triển khai các dự án giúp Vườn Quốc gia Cúc Phương và Cát Bà tại Việt Nam chăm sóc, duy trì và  bảo tồn những loài động vật hiếm. Đặc biệt ở Cát Bà còn 75 con voọc, 180 linh trưởng thuộc 13 chủng loại quý hiếm, trong đó có loại voọc quần đùi trắng cũng như một số loài động vật hiếm khác đang bị đe dọa diệt chủng, tất cả cần được chăm sóc bảo vệ.

Từ năm 2019, Sở thú Leipzig đã đảm nhận tài trợ dự án bảo vệ các chủng loài động vật qúy hiếm này. Đáng mừng là năm 2020 đã có nhiều voọc được sinh ra, đây là một tín hiệu tốt về tác dụng của các phương pháp bảo tồn tại địa phương.

Tin, ảnh: Phương Hoa (TTXVN)