Phông chữ

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã được tăng cường sau chuyến thăm vừa qua của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier tại Việt Nam.


Foto: Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và CTCP Nước AquaOne (Việt Nam) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hóa và vận hành các nhà máy nước cho AquaOne, với giá trị 100 triệu USD. Ảnh: T.L


Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier đã dẫn đầu một phái đoàn kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ Quốc hội liên bang Đức thăm Hà Nội và TP.HCM từ ngày 24- 26/3 vừa qua. Bộ trưởng Altmaier cũng đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thúc đẩy bang giao

Chuyến thăm của đoàn kinh tế cấp cao được cả phía Đức lẫn Việt Nam đánh giá là sự kiện quan trọng trong năm nay nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hai nước.

“Berlin đang chuẩn bị ban hành một đạo luật, qua đó sẽ nới lỏng điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam sang Đức làm việc”, ông Peter Altmaier chia sẻ và cho biết, Đức mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ về trí tuệ nhân tạo, số hoá, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, startup. Đức sẵn sang mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gian chương trình đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức.

Ngoài ra, ông Peter Altmaier cho biết Đức sẽ hợp tác với Việt Nam trong các dự án được tài trợ bằng ODA Đức và sớm khánh thành Deutsches Haus (Ngôi Nhà Đức) ở TP. HCM, nơi đặt trụ sở của Tổng lãnh sự quán CHLB Đức và là nơi hoạt động của các doanh nghiệp, các trung tâm văn hóa xã hội- kinh tế của Đức tại Việt Nam. Đây cũng được coi là một biểu mới tượng quan trọng trong việc đưa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước tiến xa hơn nữa.

      "Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho biết, EVFTA sẽ được phê chuẩn trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 tới.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra 3 định hướng hợp tác cụ thể với phía Đức. Thứ nhất, Hà Nội và Frankfurt dự kiến sẽ ký một thoả thuận hợp tác trong thời gian tới. Thứ hai, Hà Nội dự kiến phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Frankfurt nhằm tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư giữa hai thành phố. Thứ ba, Hà Nội mong muốn tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Đức tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa Đức trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Cơ hội xuất khẩu sang Đức

Bộ trưởng Peter Altmaier cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo ra động lực mới và sẽ giúp giới kinh tế Đức hiện diện rộng khắp hơn nữa ở châu Á. “Nội dung của hiệp định này đang được gấp rút dịch sang ngôn ngữ của các nước thành viên EU. Hiệp định dự kiến sẽ được phê chuẩn trong thời gian tới, có thể trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 tới”, ông Peter Altmaier chia sẻ.

Nếu EVFTA được ký kết và có hiệu lực, chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Đức. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, bởi Đức là thị trường khó tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm nhập khẩu ngày càng cao hơn, nên các hệ thống kiểm soát về tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường này rất phức tạp. Đây chính là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đức.

Bởi vậy, để phát triển kinh doanh xuất nhập khẩu một cách bền vững tại thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chuyên môn thương mại quốc tế, đổi mới chiến lược kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên phát triển theo hướng chuyên doanh, tập trung xuất khẩu những mặt hàng chuyên biệt và có chất lượng, phải tạo được nguồn hàng lớn với giá cả cạnh tranh, không nên tiếp tục kiểu kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng như các năm trước đây.

Bởi với các mặt hàng may mặc, giày dép, nếu chúng ta xuất hàng tạp sẽ không thể cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc vốn đang chiếm lĩnh hầu hết thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đặc biệt chú ý đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã và có chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này.

Hàn Gia Bảo, DĐDN