Phông chữ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức.


Foto: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Lãnh đạo Tập đoàn Siemens của Đức.


Sáng nay (13/11), tại Trụ sở Chính phủ, trong buổi tiếp lãnh đạo cấp cao của Siemens, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, hợp tác giữa các doanh nghiệp có đóng góp quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ Việt - Đức.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Chúc Tập đoàn tiếp tục đạt nhiều thành công hơn nữa tại Việt Nam, đặc biệt là trong các dự án điện – khí, cơ khí chế tạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi cho Siemens tăng cường đầu tư trên cơ sở cùng có lợi trong các lĩnh vực như chế tạo máy, năng lượng, thiết bị y tế, đường sắt…

Đánh giá cao các dự án của Siemens tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đang rất cần phát triển hạ tầng năng lượng, đặc biệt là các dự án nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Cùng với đó là nâng cấp, phát triển hệ thống truyền tải điện, ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành để đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí.
Hoan nghênh Siemens có ý định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực công nghiệp phần mềm và giao thông, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, tích cực mở rộng hội nhập khu vực và quốc tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang cùng EU rà soát pháp lý để ký chính thức Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp EU mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Cedrik Neike - Thành viên Ban điều hành Tập đoàn Siemens cho biết, hiện tại Siemens đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là nhiệt điện; cung cấp các giải pháp kỹ thuật trong điều khiển, vận hành lưới điện.

Trong tương lai, Siemens mong muốn được mở rộng sang các lĩnh công nghiệp phần mềm; phát triển hạ tầng giao thông vận tải thông qua việc cung cấp các giải pháp điều khiển giao thông, thành phố thông minh.

Theo ông Cedrik Neike Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp phần mềm với lợi thế cạnh tranh rất lớn là nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, hoàn toàn đủ khả năng làm việc trong các công ty công nghệ cao.

Ông Cedrik Neike cũng cho biết, Siemens nhìn nhận Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, có vị trí đặc biệt trong khu vực, do đó Việt Nam không chỉ là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Siemens mà còn là nơi rất hấp dẫn để mở rộng đầu tư sản xuất nhằm xuất khẩu ra các thị trường khác trên thế giới./.

Văn Hiếu/VOV-Trung tâm Tin