Phông chữ

Nhiều kiều bào đang sinh sống tại TP HCM mong muốn Nhà nước thực hiện phương án cho phép dự tuyển làm viên chức. Ông Hồ Quang Đặng, kiều bào Mỹ bày tỏ: “Nên khuyến khích việc cho kiều bào thi tuyển làm viên chức...".


Cần xác định rõ đối tượng điều chỉnh

Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, một trí thức đang làm việc tại Pháp cho rằng, “một chính sách được coi là phù hợp để đạt mục tiêu thu hút chất xám phải xác định được đâu là đối tượng điều chỉnh vì cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đa dạng và nhu cầu, hình thức đóng góp cũng khác nhau. Do đó, hai phương án mà UBTVQH đưa ra để bàn thảo là bổ sung cho nhau: phương án 1 tác động đến những người có nguyện vọng trở về VN công tác trực tiếp, trong khi phương án 2 tác động đến những người có vị trí xã hội tại nước ngoài, muốn gián tiếp đóng góp cho nước nhà qua các hoạt động hợp tác”.

Tiến sĩ Khương cho rằng, một khung pháp lý rõ ràng cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức nhà nước (có quy định ngành nghề, vị trí cụ thể), và các hình thức bổ trợ như trong phương án 2 là rất cần thiết.

Là người thuộc nhóm thế hệ kiều bào thứ nhất, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, kiều bào Australia cho rằng: “Người Việt Nam thế hệ thứ 2 là những thành phần có trình độ khoa học kỹ thuật và kỹ năng làm việc tốt nhất và là đối tượng cần tập trung nhiều hơn vì sự gắn bó của họ đối với đất nước dường như không nhiều”. Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Dương Minh Trí, kiều bào Đức nói, “Nhà nước phải cần khuyến khích kiều bào tham gia thi viên chức, nhất là thế hệ kiều bào thứ 2, 3. Nếu không có, Nhà nước chỉ nhận được sự hợp tác hoặc đầu tư ngắn hạn từ phía kiều bào. Cái khó là làm sao khuyến khích những người ở độ tuổi 30-40 quay về cống hiến cho đất nước”.

Tạo sự cạnh tranh bình đẳng

Nhiều kiều bào đang sinh sống tại TP HCM mong muốn Nhà nước thực hiện phương án 1, cho phép dự tuyển làm viên chức. Ông Hồ Quang Đặng, kiều bào Mỹ bày tỏ: “Nên khuyến khích việc cho kiều bào thi tuyển làm viên chức. Nếu kiều bào có tâm huyết muốn cống hiến, đóng góp cho quê hương tình nguyện về Việt Nam thi tuyển thì tại sao lại từ chối. Nếu Luật không chấp nhận, vô tình Nhà nước đã có sự phân biệt đối xử, hạn chế người tài”. Ông Đặng cho rằng, “có kiều bào về tham gia thi công chức thì cũng tạo được một sự cạnh tranh giữa trong ngoài nước. Có cạnh tranh thì chúng ta mới tìm được người giỏi”.
Về kinh nghiệm thi tuyển, Tiến sĩ Trí chia sẻ: “Thực tế nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ họ đã đi trước chúng ta trong việc cho ngoại kiều thi tuyển viên chức như Hàn Quốc, Trung Quốc. Nếu cần thiết thì Nhà nước mình cần có quy định điều kiện để kiểm soát hoặc khuyến khích kiều bào về hoạt động trong những lĩnh vực không thuộc loại bí mật như giáo dục, y tế hay nghiên cứu khoa học”.

Giáo sư Vọng, người đã có 3 năm làm việc tại quê nhà cho rằng, “về nước làm việc thực sự là cuộc đổi đời” nên để việc trở về có ý nghĩa thì “người trở về phải được đối xử công bằng như những viên chức trong nước, có nhiệm vụ, có quyền lợi, và có tương lai thăng tiến… giống nhau”. Nhà nước cần phải có chính sách thu hút rõ ràng, đặc biệt chú ý về mặt “an cư” để giúp họ chóng “lạc nghiệp”.

Tiến sĩ Khương cũng khẳng định, “trở thành công chức là một trong những hình thức hợp tác lâu dài và có thể mang lại hiệu quả cao hơn các hình thức ngắn hạn. Về phía các cơ quan chủ quản có thể lập các kế hoạch trung và dài hạn để khai thác triệt để các nguồn lực chất xám được tuyển. Về phía công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, họ sẽ nhiều thời gian để thích nghi với môi trường, điều kiện làm việc của quê nhà”.

 

Cụ thể hóa chính sách thu hút kiều bào về xây dựng đất nước, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hình thức đa dạng và đơn giản hóa các thủ tục trong hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức ký hợp đồng. Thực tế cho thấy vẫn cần có nhiều hình thức mới cụ thể hóa bằng văn bản luật, cởi mở và phù hợp với nhiều đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh thuận lợi từ hội nhập kinh tế, chính trị và xã hội ở phạm vi toàn cầu quốc tế, sự tăng trưởng vượt bậc về mức sống là một yếu tố quan trọng làm cho số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập và làm việc tăng không ngừng. Là những người con của đất Việt, đại bộ phận những người VN ở nước ngoài luôn một lòng hướng về Quê hương, và mong muốn được góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời ký đổi mới, hòa bình và hợp tác.

Chi Hà -Tây Đô