Phông chữ

Bildschirmfoto 2014-10-11 um 11.46.47Chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần tới nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức; thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực, đồng thời chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2015.

 

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Hai bên duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao.

Đức tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong châu Âu. Hai nước đã ký một số hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.

CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều, khoảng trên 10%/năm. Năm 2013 đạt 7,7 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2012); 8 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 4,9 tỷ USD.

Đức ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU nhằm tăng cường tối đa kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Về đầu tư, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Tính đến tháng 8/2014, Đức có 232 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,25 tỷ USD, đứng thứ 22/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Hầu hết các dự án của Đức tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 87 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 604 triệu USD, chiếm 50 % vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí nước với 5 dự án có tổng vốn đăng ký 387 triệu USD; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 35 dự án và tổng vốn đầu tư 120 triệu USD.

Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đang đầu tư tại Việt Nam như: Siemens (thiết bị, y tế), Mercedes-Benz (ô tô), Bilfinger (tư vấn, thiết kế), Bosch (chế tạo máy), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí hóa lỏng phục vụ luyện kim), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo hiểm)...

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại...

Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1,5 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính.

Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề thông qua các hoạt động như hỗ trợ Bộ LĐTB&XH xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề cũng như xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở một số địa phương theo mô hình đào tạo nghề song hành rất thành công của Đức.

Trong khuôn khổ chương trình “Make it in Germany” về hợp tác lao động quốc tế của Đức, từ tháng 9/2013, Việt Nam đã triển khai thí điểm đưa 100 điều dưỡng viên sang Đức để làm việc với thời hạn lâu dài (3 năm). Sau 1 năm triển khai, nhìn chung các đối tác Đức có đánh giá tích cực về lao động Việt Nam. Tiếp theo thành công của chương trình thí điểm, ngày 25/7/2014, hai bên đã ký kết Thỏa thuận tiếp tục triển khai dự án đưa điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức cho khóa 2, dự kiến thực hiện trong năm 2015.

Bên cạnh đó hợp tác về văn hóa, tư pháp, du lịch, khoa học-công nghệ, quốc phòng,… giữa 2 nước thời gian qua cũng đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần tới nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức; thúc đẩy hợp tác giữa trong các lĩnh vực: lao động, đào tạo nghề, giáo dục và các dự án đã lớn đã ký kết; chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức trong năm 2015 và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Nguyễn Hoàng, VGP