Phông chữ

Trước lễ trao giải Oscar 2015, nhiều người cho rằng cuộc đua quanh giải Phim hay nhất sẽ chỉ diễn ra giữa 2 phim độc lập là ''Birdman'' và ''Boyhood.''

 

Trong 2 phim, ''Boyhood'' dường như được đánh giá cao hơn vì nhận sự ưu ái từ giới phê bình. Song rốt cục, ''Birdman'' đã đoạt được Tượng vàng, khép lại một mùa giải Oscar hết sức đặc biệt.

Năm lên ngôi của những bộ phim độc lập

Sự khác lạ của mùa giải Oscar năm nay thể hiện rõ qua việc hàng loạt phim độc lập ngân sách nhỏ được đưa vào danh sách đề cử trao giải Phim hay nhất. Chúng gồm ''Whiplash,'' ''The Grand Budapest Hotel,'' ''Birdman'' và ''Boyhood.''

Tuy nhiên, khi các phim độc lập thống trị nhiều cuộc thảo luận trong mùa trao giải, giới phê bình lại lên tiếng phàn nàn về sự ''thiếu đa dạng.''

Khi các phim tranh giải Phim hay nhất đều có doanh thu phòng vé khiêm tốn, trong đó, ''American Sniper'' có doanh thu vượt tổng doanh thu của 7 đối thủ còn lại, giới phê bình lại vội vã nói rằng giải Oscar ''xa rời khán giả,'' không đáp ứng nhu cầu của những người yêu điện ảnh ''thực thụ.''

Người ta đã quên rằng cách đây không lâu, những bộ phim độc lập như thế này chỉ dám đứng ngoài nhìn vào cuộc đua giải Oscar. Phim độc lập không thể cạnh tranh, bởi nhiều hãng phim lớn đã thống trị cuộc chơi bằng những chiến dịch vận động tranh giải phủ đầy tiền bạc.

Năm nay, sự lên ngôi của phim độc lập là nhờ các hãng phim lớn đã tập trung đầu tư nguồn lực vào hàng loạt phim bom tấn để có doanh thu. Tuy nhiên, những dạng phim này lại không nhận được sự quan tâm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ.

Vì thế, ''American Sniper'' của Warner Bros là bộ phim bom tấn duy nhất thuộc về một hãng phim lớn góp mặt vào danh sách đua Phim hay nhất.

Chỉ riêng sự khác biệt này cũng cho thấy nhiều điều đáng nói về ngành điện ảnh trong thời điểm hiện nay.

Năm nay có 2 phim độc lập từng dự Liên hoan phim Sundance (Liên hoan phim độc lập nổi tiếng nhất thế giới) đã xâm nhập thành công và thắng đậm tại lễ trao giải Oscar (''Birdman'' và ''Whiplash''). Cả hai bộ phim đều cùng nhau ''vác'' về tới 8 tượng vàng.

Trong những năm trước đây, việc một phim Sundance (ví dụ như ''Beasts Of The Southern Wild'') lọt vào danh sách đề cử tranh giải cũng đã là một kỳ tích. Không ai mong đợi các phim như thế chiến thắng và người ta đơn giản chỉ tán thưởng ''làm tốt lắm'' khi bộ phim được nêu tên trong danh sách đề cử.

Tình hình rõ ràng đang thay đổi theo hướng tích cực, song, tờ New York Times lại vội vã nhận định rằng khán giả xem truyền hình là những người chịu thiệt thòi trong năm nay vì họ không thấy các bộ phim quen thuộc với mình hiện diện trong lễ trao giải.

Thực tế thì sự vắng mặt của các phim quen thuộc với khán giả là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người xem lễ trao giải Oscar 2015 đã tụt mất 14,9% so với năm ngoái.

Đây là năm lễ trao giải Oscar có ít người xem nhất kể từ 2009, khi phim ''Slumdog Millionaire'' (một tác phẩm điện ảnh chẳng có ngôi sao nào hiện diện) giành giải Phim hay nhất.

Các bài viết như của tờ New York Times sẽ khiến công chúng không nhận thức đầy đủ về câu chuyện Oscar 2015 và tự hỏi rằng ''có chuyện gì đã xảy ra với giải Oscar vậy?''

Sự băn khoăn của họ càng trở nên dễ hiểu bởi tỷ lệ người xem luôn là yếu tố quan trọng nhất trong lễ trao giải Oscar, sự kiện tôn vinh những điểm tốt đẹp của ngành điện ảnh.

Một số người hẳn sẽ phàn nàn rằng việc Viện Hàn lâm mở rộng danh sách đề cử lên 10 phim - một ý tưởng được đề ra chỉ nhằm đưa thêm nhiều phim đại chúng vào danh sách đề cử và qua đó sẽ giúp nâng tỷ lệ người xem lễ trao giải - đã ''phản tác dụng'' và giúp các phim độc lập ''vớ vẩn'' chen chân vào cuộc chơi lớn.

Những người như James Gunn, đạo diễn phim bom tấn ''Guardians Of The Galaxy,'' đã đổ thêm dầu vào lửa khi nói rằng ''dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, các bộ phim thành công về phòng vé cũng bị loại bỏ bởi một tầng lớp 'đức cao vọng trọng' tự phong.''

Nhưng nếu người ta đề cao các phim ''thành công về phòng vé'' như lời của Gunn, hẳn giải Oscar năm nay đã nằm dưới sự thống trị của các phim như ''Transformers: Age Of Extinction'' (vốn giành giải Mâm xôi vàng).

Rõ ràng, bạn không thể khiến tất cả mọi người cùng cảm thấy vui vẻ, vì thế hãy quay trở lại với ''Birdman,'' bộ phim đã thắng giải quan trọng nhất năm nay và tìm hiểu xem vì sao nó thành công.

Giới phê bình ảnh hưởng thế nào tới Viện Hàn lâm?

Tại mọi mùa giải Oscar, một bộ phim được giới phê bình xem là ''xứng đáng'' đoạt giải không có nghĩa nó sẽ chắc chắn chiến thắng. Có vô vàn yếu tố tác động trong mùa giải Oscar, đủ để chuyện diễn ra theo hướng khó lường.

"Chứng quên" thường là thủ phạm có lỗi nặng nhất. Mỗi năm chúng thường tìm đến sớm với các nhà phê bình, xóa bỏ cảm xúc của họ về các bộ phim sáng giá.

Với những nhà phê bình chưa quên các bộ phim hay ho, người ta cũng cần biết rằng họ thường không gây được nhiều ảnh hưởng lên Viện Hàn lâm, nơi bỏ phiếu bầu giải Oscar.

Hiển nhiên, giới phê bình giúp tạo ra các đề cử như ''Boyhood,'' ''Zero Dark Thirty'' và ''The Social Network.'' Nhưng ngoài phim ''12 Years A Slave,'' họ thường không giúp tạo ra những phim giành giải Oscar Phim hay nhất.

Dù các phim được cộng đồng phê bình ưa thích thi thoảng trở thành tác phẩm được Viện Hàn lâm trao giải Phim hay nhất, sự trùng hợp này xảy ra ít lần hơn so với sự tưởng tượng của bạn.

Một số người nói rằng ''Boyhood'' bị ảnh hưởng từ việc được ''tặng'' danh hiệu ứng cử viên nặng ký quá sớm - thường bị coi như "nụ hôn tử thần" - và dù nhận được nhiều giải thưởng của giới phê bình, nhưng tới khi bầu chọn giải Oscar, người ta gần như đã quên đi các giá trị của nó.

Tuy nhiên, những kẻ đưa ra tuyên bố kiểu này thường nhầm lẫn giữa các nhà phê bình với các thành viên Viện Hàn lâm có quyền bỏ phiếu Oscar. Họ cũng vô tình đánh đồng rằng hai cộng đồng này có chung khung văn hóa và quan điểm về các bộ phim.

Khi ''Boyhood'' được chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Sundance vào đầu năm 2014, phim đã được giới phê bình khen ngợi hết lời. Nhưng những người tỉnh táo sẽ không nghĩ rằng các cá nhân có quyền bỏ phiếu ở Viện Hàn lâm cũng sẽ "nhảy cẫng lên" vì bộ phim.

Ở đây, một lần nữa ta sẽ thấy một bộ phim xứng đáng giành giải Oscar trong tâm trí của các nhà phê bình nhưng chưa chắc đã đáp ứng các tiêu chí của Viện Hàn lâm.

''Boyhood'' là một bộ phim đáng ca ngợi khi tránh lối làm phim truyền thống và góp nhặt nhiều yếu tố tưởng chừng vụn vặn trong cuộc sống thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Nhưng hãy thử xem xét ''Boyhood'' từ góc độ của Viện Hàn lâm, ta sẽ thấy bộ phim không được đánh giá cao vì không có lối kể truyện truyền thống. Bộ phim không có bất kỳ màn kịch tính, khủng hoảng lớn hay các trở ngại cần vượt qua nào. Phim cũng không có ngôi sao nào khác ngoài 2 diễn viên phụ.

Bộ phim của Richard Linklater được dàn dựng tốt, song nó thiếu các nhân vật phản diện đáng chú ý.

Tóm lại, ''Boyhood'' thiếu hẳn các yếu tố thông thường để nó có thể trở thành Phim hay nhất trong mắt Viện Hàn lâm. Hiển nhiên bộ phim có quá trình sản xuất dài 12 năm này là một thành tựu đáng ca ngợi, nhưng chưa đủ để tới tầm Phim hay nhất.

Nếu so sánh với các phim từng đoạt giải Oscar Phim hay nhất khác, ta thấy ''Boyhood'' dường như mới chỉ đề cao được các điểm nhỏ và thiếu hẳn điểm nhấn cần thiết. Bộ phim thậm chí cũng không khiến người xem xúc động lắm, ngoại trừ phần kết.

Dựa vào những phân thích sơ bộ này, nếu ai đó nghĩ ''Boyhood'' sẽ thắng giải Phim hay nhất thì họ đã quá lạc quan.

Dường như Viện Hàn lâm đã thể hiện quan điểm của họ từ vòng đề cử giải Oscar, khi chỉ trao cho ''Boyhood'' có 6 đề cử, trong khi ''Birdman'' được tới 9 đề cử.

Ngay cả phim ''The Grand Budapest Hotel'' cũng nhận được nhiều đề cử hơn ''Boyhood,'' dù không được giới phê bình yêu thích bằng./.

TTXVN