Phông chữ

Chỉ sau một tháng sang Việt Nam, người đàn ông đến từ nước Đức có cái tên Claas Schaberg đã chủ động làm quen với người mẫu Bằng Lăng vì ấn tượng với chị ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Anh cảm thấy mình yêu và muốn cưới chị chỉ sau đó 1 tuần. Còn Bằng Lăng thì ban đầu chỉ nghĩ đến lời bà bói phán: “Con sẽ lấy chồng vào năm sau nên nếu có cơ hội nào thì hãy nắm lấy”.

Không phải người rất mê tín nhưng cuối cùng, cô Hồng trong phim Nữ tướng cướp đã nắm được hạnh phúc của đời mình: Một anh chồng người Đức cực kỳ lãng mạn và yêu thương vợ.

Tuổi thơ dữ dội

Đó là năm Bằng Lăng học xong lớp 9, trong khi tập thể dục nhịp điệu, cô giáo thấy vóc dáng cô học sinh của mình khá đẹp nên quyết định lập nhóm nhảy. Có lẽ, cơ duyên nghề nghiệp cũng như tình duyên của Bằng Lăng đã được định hình từ đó.

Tham gia vào nhóm nhảy, Bằng Lăng nhảy cho bất kỳ chỗ nào có yêu cầu: nhảy cho ca sĩ hát, cho các chương trình ca nhạc, trong các vũ trường…, thậm chí nhảy cho các nhà kinh doanh xem để họ có thể nảy ra được ý tưởng để thiết kế logo cho công ty mình…

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, dù mẹ chị đã rất bươn chải để có tiền trang trải cho gia đình, nhưng ấn tượng sâu sắc của cô bé Bằng Lăng tuổi ấu thơ là lúc nào nhà cũng thiếu nợ. Thế rồi, vũ trường là nơi đem lại cho Bằng Lăng nguồn thu nhập ổn định để đỡ đần cho gia đình. Sau mỗi đêm nhảy đến tứa máu chân ở vũ trường, cô bé 15 tuổi Bằng Lăng được trả công năm mươi ngàn đồng mỗi đêm.

Chị bảo: “Một tháng nhảy mười đêm nghĩa là gia đình tôi có rất nhiều tiền rồi, vì ngày đó, năm mươi nghìn là con số rất lớn, nên tôi nhảy đến tóe máu chân mà vẫn không thấy đau”.

Bằng Lăng bên con trai.

Từ khi biết kiếm tiền, chị trở thành lao động chính trong nhà. Tối tối, chị vẫn miệt mài đi nhảy ở vũ trường, sáng ra lại đi học bình thường. Người ta nói “gần mực thì đen gần đèn thì rạng”. Chính vì thế mà “quá khứ” từng là “gái nhảy” ở vũ trường mang đến cho Bằng Lăng khá nhiều phiền toái.

Ai cũng nghĩ rằng, vào vũ trường để nhảy nhót mà không làm “chuyện ấy” thì thật khó tin. Nhưng may cho Bằng Lăng là khi đó chị còn quá nhỏ, và lại làm việc cho một vũ trường do người nước ngoài quản lý. Khi có những vị khách có hành vi quá đà với vũ công thì lập tức sẽ có bảo vệ can thiệp. Sau mỗi đêm diễn, Bằng Lăng có bảo vệ đưa về tận nhà, nên chuyện bị chặn đường và nhận những lời đề nghị khiếm nhã cũng không gây khó dễ gì cho công việc của chị.  

Là một cô bé cá tính, Bằng Lăng quan niệm: Gần mực nhưng nhưng "đen" hay không do mình. Với gia cảnh như thế, chị chỉ biết nỗ lực hết sức để mẹ đỡ cực.  Chị đi nhảy kiếm tiền cũng vì muốn gánh vác cho mẹ và có tiền ăn học, chứ không phải để kiếm tiền ăn chơi, chưng diện. Còn nếu sinh ra trong một gia đình giàu có, chắc gì chị đã “sáng” bởi chuyện sa đà vào ăn chơi trác táng là hoàn toàn có thể.

Sau này nhìn lại tuổi thơ khó nhọc và quãng thời gian làm việc như một cái máy của mình, Bằng Lăng trầm ngâm: "Đó là một quá khứ mệt mỏi và không ngọt ngào, nhưng tôi tôn trọng quá khứ đó. Vì nhờ đó, tôi mới có ngày hôm nay, đặc biệt từ khó khăn bước ra, tôi mới có những ngày tràn đầy hạnh phúc với người chồng của mình”.

Từng trải qua 2 mối tình rồi mới tiến tới hôn nhân: Năm 16 tuổi đầy vụng dại với một chàng trai Việt. Chị bảo, đó là mối tình đầu đầy mộng mơ, cuồng nhiệt và ngu muội. Thế rồi, nó cũng chóng qua đi. Đến năm 20 tuổi thì chị có dịp gặp gỡ, làm quen và đem lòng yêu một anh chàng người Mỹ.

Bằng Lăng vẫn yêu dại khờ dù mối tình đầu đã khiến chị lý trí hơn. Sau 4 năm mặn nồng, khi ấy, Bằng Lăng đã 24 tuổi. Như bất kỳ cô gái Việt nào khác, chị bắt đầu chờ đợi một tín hiệu hôn nhân. Nhưng chờ mãi… chẳng có gì xảy ra cả.  

Tình yêu người Mỹ của chị là con người của công việc và anh có vẻ như chưa nghĩ đến chuyện gắn bó đời mình bằng một cuộc hôn nhân. Bằng Lăng thấy mình không thể kéo dài tình trạng đó, con gái có thì…  

Chị chủ động chuyển mối quan hệ này từ trạng thái “làm người yêu” sang “làm bạn” và cho đến sau này vẫn duy trì tốt tình bạn đó.

Con gái tuổi Mùi khổ về đường tình duyên. Chị đi xem bói, thầy phán rằng: “Con sẽ lấy chồng vào năm sau nên nếu có cơ hội nào thì hãy nắm lấy!”. Thế rồi trong một buổi tối lãng mạn, chị gặp người đàn ông người Đức Claas Schaberg. Anh là sang Việt Nam làm cố vấn tài chính cho một công ty của Đức. Bị sét đánh khi lần đầu gặp gỡ Bằng Lăng, Claas chủ động xin số điện thoại.

Thói quen từ rất lâu của Bằng Lăng là không cho người lạ số điện thoại. Nếu tình huống khó xử quá thì chị vẫn cho, nhưng là… cho một dãy số bất kỳ nào đó chị nghĩ ra trong đầu.  

Nhưng với Claas, Bằng Lăng chợt nhớ tới lời thầy bói phán và chị quyết định nắm lấy một cơ hội khá mơ hồ. Gần như chỉ là phép thử với lời thầy phán.

Chị kể lại: “Ngày hôm sau, tôi không thấy anh ấy nhắn tin gì hết nên nghĩ thầy bói nói sai rồi, đàn ông chắc ai cũng vậy. Hôm sau nữa, anh gọi điện mời tôi đi ăn. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu và thấy hợp nhau quá chừng nên… yêu là cưới”.

Trong thời gian trước và sau khi gặp gỡ Claas, có thể nói là Bằng Lăng “sống trong đồn thổi” – những lời đồn thổi đầy ác ý. Người ta truyền tai nhau câu chuyện về quá khứ làm “gái nhảy” từ thời niên thiếu của chị.

Rồi đồn chị ngủ qua đêm với khách nước ngoài, rồi làm gái bar… Có những lúc quá bức xúc với những lời đồn thiếu căn cứ, chị nổi khùng: "Nếu ai đó nói từng qua đêm với tôi, thì phải biết trên cơ thể tôi có gì, nốt ruồi ở đâu, thẹo ở chỗ nào. Còn nếu chỉ nghe đồn mà ăn nói quàng xiên, tôi sẽ uýnh tù đầu". Thế nhưng, những lời đồn cũng khiến cô người mẫu Bằng Lăng gặp nhiều khó dễ trong công việc.  

Chỉ vì người ta nói chị là "gái múa cột" nên một người bạn dù rất muốn mời chị tham gia các chương trình Fashion week, nhưng nhà thiết kế Minh Hạnh không muốn một người mẫu là gái bar, gái vũ trường trình diễn các tranh phục của mình.

Ngoài ra, Bằng Lăng còn nhận được nhiều sự ái ngại tương tự từ các công ty thời trang khác… Khi chị và Claas bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc, nhiều lần, anh nhận được những lời nói xấu người yêu của mình và anh bức xúc đến nỗi mấy lần suýt đánh nhau.

Claas nói: "Dù mày nói về Bằng Lăng như thế nào đi nữa thì mày nên chứng minh. Nếu mày không chứng minh được thì đừng nói, tao sẽ không tin mày. Nên đừng tìm cách chia rẽ tao và Bằng Lăng".

Gia đình hạnh phúc của Bằng Lăng .

Sau này, người đàn ông Đức này cũng chưa bao giờ hỏi Bằng Lăng về quá khứ. Anh không muốn chị nhắc lại chuyện đã yêu những ai, từng đau khổ như thế nào… bởi anh tôn trọng cuộc sống riêng tư của bạn gái mình và không muốn người con gái mình yêu thương bị tổn thương khi nhắc lại những chuyện cũ.

Bằng Lăng hạnh phúc chia sẻ: “Claas rất khó chịu với những người đàn ông đi nói xấu phụ nữ. Claas yêu tôi và tin tưởng tôi rất nhiều. Và điều này thì tôi không tìm được ở những người đàn ông khác. Anh ấy chẳng khác nào một cây cổ thụ để cho tôi dựa vào”.

Màn cầu hôn không thể khước từ

Phụ nữ thường thích những ông chồng lãng mạn nhưng số đó thật hiếm hoi và Bằng Lăng đã trở thành cô gái may mắn khi Claas Schaberg đúng là một người đàn ông không chỉ cực kỳ lãng mạn mà còn rất khéo tay.

Chị kể lại: "Hôm ấy là ngày trước sinh nhật tôi, anh ấy nói tôi nên đi đâu tới mười hai giờ đêm hãy về. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao anh ấy làm gì mà "đuổi" mình đi tới nửa đêm. Khi biết tôi chẳng nghĩ ra việc gì để làm để chờ tới lúc đó thì anh ấy đưa ra lựa chọn thứ hai: Tôi phải ở trên lầu, khi nào anh gọi mới được xuống. Thế là tôi ở trên phòng, còn anh ấy hì hục làm gì đó dưới nhà. Tới khi ngửi thấy mùi thơm thì tôi biết anh ấy đang làm bánh.

Đúng mười hai giờ, anh mời tôi xuống. Xuống nhà, tôi thấy căn phòng tràn đầy hoa và giấy trang trí có dòng chữ Happy birthday, I love you. Còn trên bàn ăn có rất nhiều bánh và nến, bao nhiêu là quà nữa. Anh bảo tôi mở từng món quà. Mở đến hộp quà cuối cùng, tôi thấy một trái tim bằng sắt rất xinh, bên trong là một lá thư cầu hôn: "Chúng ta cưới nhau nhé! Ngày mai mình cùng đi chọn nhẫn được không? Lần đầu tiên gặp em anh đã biết cuộc đời anh phải gắn với em. Nhất định em phải làm vợ anh!". Trong đời, lần đầu tiên có người đàn ông tự làm bánh sinh nhật cho mình, tôi hạnh phúc vô cùng".

Chẳng có người phụ nữ nào cưỡng nổi lời đề nghị chân thành, công phu và đầy tình cảm như thế, trong một không gian lung linh ánh nến như thế. Và, Bằng Lăng gật đầu. Cả hai háo hức chuẩn bị cho đám cưới, cả ở Việt Nam và ở Đức.  

Claas tỏ ra rất thích thú khi trải qua các nghi lễ kết hôn của một chú rể Việt Nam như dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu… Đến khi cặp đôi trời sinh chuẩn bị về Đức làm đám cưới bên đó thì cả hai cùng bay qua New York để Claas tranh thủ họp với khách hàng.

Đôi vợ chồng trẻ cất 2.000 USD và nhẫn cưới trong két sắt của khách sạn rồi tung tăng dẫn nhau đi chơi. Đến khi trở về thì tất cả những thứ đó đều không cánh mà bay. Chẳng đôi co được với khách sạn, Bằng Lăng đành gọi điện về Việt Nam nhờ chị gái đi đặt một cặp nhẫn cưới khác để mẹ chị cầm sang Đức cho kịp đám cưới.

Kể từ đó, Claas lúc nào cũng muốn vợ mình đeo nhẫn cưới trên tay, không phải vì sợ mất, mà vì muốn ai cũng biết là Bằng Lăng đã có chồng. Quá yêu vợ nên Claas cũng hay ghen, nhưng Bằng Lăng lại cảm thấy vui về điều đó, vì chị biết mình hề chẳng làm gì có lỗi với anh cả.

Thời gian đầu kết hôn, Bằng Lăng cũng không tránh khỏi cảm giác gượng gạo khi đi đâu cùng với Claas cũng bị người ta dòm ngó, chỉ trỏ rồi xì xầm bàn tán. Khi một phụ nữ Việt Nam đi với một “ông Tây” thì suy nghĩ đầu tiên của họ thường là: “Chắc là gái. Hám tiền mới cặp với Tây!”…

Nhưng điều đó cũng chóng qua. Với cá tính của mình, Bằng Lăng học được cách sống, cách nghĩ cho bản thân. Chị quan niệm rằng ai sống đời người ấy. Người ta soi mói chị, nhưng sự thật là chị sống rất hạnh phúc, và chị đàng hoàng là vợ của anh. Còn nếu chị sánh đôi cùng một người đàn ông Việt, có lẽ chị không bị soi mói, nhưng nếu cuộc hôn nhân đó bất hạnh vì không có tình yêu thì chẳng có ai thương chị cả.

Cá tính của Bằng Lăng rất khó để hòa hợp với một người đàn ông sinh ra, lớn lên và mang tư tưởng gia trưởng, phong kiến Á Đông. Lấy Claas rồi, Bằng Lăng thực sự bước vào cuộc đối mặt với rào cản ngôn ngữ. Dù khi yêu nhau cả hai cũng chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng lấy nhau rồi thì có nhiều vấn đề cần phải trao đổi với nhau hơn và đôi khi Bằng Lăng không thể diễn tả chính xác được điều chị muốn nói.

Nhưng nhờ đó mà vốn ngoại ngữ của chị ngày càng tốt hơn.  Ngoài ra, “lấy chồng Tây” còn đưa Bằng Lăng đến một bất tiện khác là nếu một số chàng rể Việt Nam sẵn sàng ở rể và lo cho gia đình vợ thì Claas thích sống độc lập, trong không gian riêng của hai vợ chồng. Anh không thích một gia đình quá đông đúc và ồn ào. Hiểu được đó là quan điểm sống của đa số người nước ngoài, Bằng Lăng cố gắng thích nghi với điều đó. Giống như là khi Claas yêu chị, anh phải chấp nhận những khác biệt của chị so với những phụ nữ Đức khác.

Tuy nhiên, vào những dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Claas cũng tỏ ra khá hòa nhập với gia đình vợ khi anh chủ động chuẩn bị đón Tết và trang hoàng nhà cửa cùng với gia đình lớn của Bằng Lăng.

Mỗi Giao thừa, đôi vợ chồng lại sang nhà mẹ chị cùng đón thời khắc thiêng liêng của năm. Người đàn ông Đức thích thú với việc trong gần 1 tháng trời, đường phố Việt Nam tràn ngập hoa và mọi người như chẳng làm một việc gì khác ngoài mua sắm; Thêm vào đó, nếu như ở Đức, vào dịp nghỉ lễ thì mọi người sẽ tranh thủ đi chơi, đi du lịch… thì ở Việt Nam lại là ngày mọi người sum họp, quây quần với nhau.

“Anh ấy thấy rất lạ về tập tục, lễ tết tại Việt Nam. Từ chuyện đón rước ông Táo, xông nhà, cúng giao thừa... đều khiến anh ấy thích thú. Claas cũng bắt chước tôi nói câu chúc bằng tiếng Việt, nhưng sau đó tôi giải thích nghĩa của những câu chúc thì Claas nói là phức tạp quá” – Bằng Lăng chia sẻ. Tết đầu tiên ở Việt Nam, được nhận lì xì từ mọi người, Claas ngạc nhiên lắm.

Nhưng anh cũng tỏ ra thích nghi khá nhanh khi từ năm sau, anh chủ động chuẩn bị phong bao lì xì để mừng tuổi cho tất cả những người thân trong gia đình “nhà ngoại”. Cùng có năm, lịch đón Tết của vợ chồng Bằng Lăng thay đổi, anh chị đi du lịch đâu đó.

“Chỉ muốn ông xã thôi”

Cá tính và ương bướng, nhưng Bằng Lăng có quan niệm khá truyền thống trong hôn nhân. Nghĩa là với chị, “thuyền thì theo lái, gái phải theo chồng”. Trước và sau khi kết hôn với Claas, cánh cửa điện ảnh khá rộng mở trước mắt cô diễn viên “Nữ tướng cướp”.

Nhưng sau khi đóng xong phim Có lẽ nào ta yêu nhau – khi chị mang bầu con trai đầu lòng – mỗi khi nhận được kịch bản, Bằng Lăng suy nghĩ rất lung.

“Ở nhà chăm con, mỗi lần bật ti vi lên xem, đặc biệt xem lại những bộ phim mình đóng đang phát sóng, tôi nhớ và thèm diễn lắm. Nhưng biết làm sao được, cuộc sống buộc mình phải lựa chọn một trong hai và tôi chọn gia đình” – Bằng Lăng chia sẻ.

Tính cách của chị sau khi kết hôn cũng thay đổi rất nhiều. Khi chưa cưới, Bằng Lăng rất hay gây chuyện với Claas, nhưng sau đám cưới, chị nhu mì hẳn.  

Chị bảo mình đã hiểu ông xã nhiều hơn, cảm nhận được cuộc sống theo cách khác, đàn bà hơn, chứ không còn nông nổi như trước. Nhưng có một bất tiện nho nhỏ là công việc làm cố vấn tài chính của chồng chị không ổn định về địa điểm làm việc.  Vì thế, vợ chồng Bằng Lăng chỉ ở Việt Nam 3 - 4 năm theo hợp đồng làm việc của anh rồi lại chuyển qua Thái Lan để tiện cho địa bàn làm việc tiếp theo của anh tại đây.

Cũng tại đây, chị đã sinh cho anh đứa con trai thứ hai rất kháu khỉnh. Vì thế, sau Thái Lan, Claas đi tới đâu làm việc, ba mẹ con Bằng Lăng cũng sẽ “khăn gói” theo tới đó.

Claas Schaberg thường chỉ rảnh rỗi vào hai ngày cuối tuần, 70% thời gian của anh dành cho công việc. Để phù hợp với lịch làm việc của chồng – Bằng Lăng thường từ chối những sô diễn cuối tuần, để có thời gian dành cho nhau, nghỉ ngơi và chăm sóc con cái.  Những lúc đó, diễn viên Nữ tướng cướp thường chiêu đãi chồng những món ăn Việt Nam mà anh thích.

Tuy thích ăn đồ ăn Việt Nam nhưng Claas không giỏi nấu các món ăn quê hương của vợ vì anh bảo nó khó và phức tạp hơn đồ ăn Tây. Vì thế, mỗi khi ông xã Bằng Lăng trổ tài vào bếp thì có nghĩa là cả gia đình sẽ chỉ được thưởng thức đồ ăn Tây – dù anh nấu ăn rất khéo và ngon.

Là lao động chính trong gia đình nhưng Claas rất coi trọng nguyên tắc bình đẳng trong gia đình. Với anh, người đàn ông dù đi làm cả tuần để nuôi cả gia đình thì khi trở về nhà vẫn phải đỡ đần vợ việc nhà, chơi với con và dạy dỗ chúng. Không hề nề hà những việc nội trợ, Claas rất chủ động chia sẻ với Bằng Lăng việc giặt đồ hay lau dọn nhà cửa…

Kết hôn với một người đàn ông Đức, lại làm việc xa gia đình nên Bằng Lăng không phải làm dâu. Chị không phải lo “ghi điểm” với nhà chồng, cũng chẳng phải lo chu toàn những việc hiếu hỉ, giỗ lễ…

Những khi biết tin bố mẹ chồng không khỏe, chị chủ động sang Đức để thăm nom và chăm sóc ông bà. Vào những dịp đặc biệt như ngày Tết Dương lịch hay sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… của bố mẹ chồng, Bằng Lăng cũng không quên chuẩn bị quà gửi sang và gọi điện chúc mừng.

Khi Bằng Lăng sinh con trai đầu lòng, bố mẹ chồng chị đã bay từ Đức qua Việt Nam để thăm cháu nội. Chị chia sẻ: “Tôi và mẹ chồng rất thoải mái. Người phương Tây họ không quan trọng chuyện nề nếp, phong tục tập quán kiểu như dậy sớm quét nhà như người Việt. Mỗi năm, vào dịp Giáng Sinh, tôi và ông xã vẫn về Đức ăn Tết và nghỉ đông một thời gian, nhưng tôi chưa phải làm dâu như các cô con dâu Việt Nam ngày nào.

Quan hệ với bố mẹ chồng rất thoải mái, tình cảm. Có em bé rồi, mối quan hệ gia đình sẽ càng thêm thắt chặt”. Claas thì tỏ ra rất hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống hiện tại, anh tâm sự: ‘Lần đầu gặp Bằng Lăng, tôi chỉ nhận thấy cô ấy là người có quyết tâm trong công việc.

Ngay từ lúc đầu gặp nhau, tôi đã yêu Lăng,  sau một tuần là muốn lấy cô ấy. Đó là cảm giác thật của tôi lúc ấy. Cô ấy cuốn hút tôi không phải bởi nhan sắc – một người đàn ông gặp những cô gái đẹp, họ có thể thấy thích nhưng chưa chắc đã yêu và cưới họ.

Tôi cưới Lăng vì tôi yêu cô ấy và tôi nghĩ Lăng nhận lời cầu hôn của tôi vì cô ấy yêu tôi”. Bằng Lăng khá cục tính và bảo thủ. Chính chị cũng thừa nhận rằng mình là phụ nữ mà sao không mềm mại, dịu dàng được như người ta. Thậm chí khi đùa vui chị cũng thích đấm đá hệt như thằng con trai vậy. Kết hôn rồi, Bằng Lăng đã tiết chế bản thân và thay đổi rất nhiều, nhưng bản chất khó mà thay đổi hết được.

Tính cách hiếu thắng nên mỗi khi cãi lộn với Claas mà biết mình sai thì chị cũng không bao giờ thừa nhận cái sai đó. Biết tính Lăng nóng nên Claas thường để cho chị tĩnh tâm một mình, khi mà chị vẫn ôm cục bảo thủ cho rằng mình đúng.

Thế nhưng, khi bình tâm lại, nhận ra lỗi sai của bản thân thì cũng đừng trông mong ở Bằng Lăng một lời xin lỗi.  Chị bảo, đó là tính xấu cả mình. Chồng chị nhịn được vì anh ấy quá yêu vợ và độ lượng, chứ một người đàn ông gia trưởng thì khó lòng chấp nhận một cô vợ ương bướng đến mức đó.

Dần dần, sự độ lượng, điềm tĩnh rất đàn ông của Claas dường như đã phát huy tác dụng khi mà Bằng Lăng từ từ giảm được sự nóng tính và bướng bỉnh của mình. Lần đầu tiên chị cất lời xin lỗi khi thấy mình sai, ông xã chị bảo: “Rốt cuộc, lời xin lỗi anh chờ đợi từ em cũng đã đến!”.

Là người mẫu chuyên nghiệp, lại là diễn viên được các đạo diễn điện ảnh ưu ái mời hợp tác thường xuyên, mối quan hệ rộng rãi và rất dễ sa ngã khi ngập chìm trong những lời có cánh. Tuy nhiên, bản lĩnh của cô gái từng “gần bùn mà chẳng hôi tanh” từ khi mới 15 tuổi đầu đã bon chen kiếm sống chốn vũ trường xô bồ khiến Bằng Lăng hiểu điều gì mới thực sự còn mãi bên mình.

Chị thường đùa vui: “Nhiều khi tôi cũng muốn liếc mắt đưa tình lắm, nhưng ông xã tốt quá và đáng yêu, nên chẳng đèo bòng làm gì, chỉ muốn ông xã thôi”. Dù Claas là người chồng kiếm ra tiền và dư sức chu cấp cho vợ con sống cuộc sống sung túc nhưng Bằng Lăng cũng không tiêu xài hoang phí như một số “chân dài lấy chồng đại gia” khác. Chị thích sự giản dị, chẳng thiết khoe mẽ với nhà lầu, với xe hơi tiền tỉ hay với hột xoàn lớn bé… Có ai hỏi chồng chị làm nghề gì, chị trả lời: "Chồng tôi nghèo lắm, anh ấy làm công ăn lương, không phải triệu phú".

Trải qua 5 năm kết hôn chưa phải là quãng thời gian dài nhưng điều quan trọng nhất với Bằng Lăng và Claas Schaberg là cả hai luôn tin mình đã tìm đúng một nửa của cuộc đời.

Và điều kỳ diệu nhất chính là sự hiện diện của hai thành viên bé bỏng trong gia đình nhỏ hạnh phúc ấy. Chị và các con yên tâm tựa vào bờ vai của người đàn ông trụ cột, còn Claas rất tự hào về vợ và các con của mình.

  • Theo Phunutoday