feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Với tôi, dù dì có là hoàn chỉnh hay không thì dì vẫn là một người đàn bà với trái tim rất nhân hậu.


Dì đến nhà tôi vào một buổi sáng mưa dầm dề từ đêm hôm trước. 60 tuổi, cân nặng những 80kg nhưng gương mặt dì vẫn đẹp như ngày xưa, lúc tôi chỉ khoảng 5 hay 6 tuổi và dì vẫn còn thon gọn, khỏe mạnh. Mẹ nói dì bị bệnh phù thủng do tác dụng phụ của thuốc. Dì bệnh đã mấy chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra được chính xác căn bệnh.

Lần này bác sĩ bảo dì nhập viện để theo dõi và làm hết tất cả các xét nghiệm. Từ mảnh đất miền Trung cằn cỗi, dì lặn lội vào Sài Gòn, một thân một mình để nhập viện. Đến nơi, bác sĩ lại bảo dì về nhà chờ vì bệnh viện quá tải, đã hết giường, khi nào có giường thì họ sẽ gọi. Không có người thân, dì về nhà tôi.

Dì không phải bà con hay chị em của mẹ mà chỉ là một người bạn thân từ hồi hai người học cùng ở trường trung cấp Y Nha Trang. Dì hiền lắm! Gương mặt và giọng nói cũng hiền. Buổi sáng dì đến nhà tôi, chỉ ngồi lặng lẽ trên võng. Có lẽ dì ngại ba và anh em tôi, dì ngại làm phiền. Dù cả nhà tôi đối xử với dì vui vẻ, thân thiết, dì vẫn lưu nét mặt buồn và rụt rè. Tôi thương dì bệnh mà còn khổ, cứ theo hỏi mẹ hoài: "chồng và con trai dì đâu?". Mẹ nói: "Chồng gì... ly dị rồi quay lại rồi lại ly dị. Rối lắm! Còn con trai gì. Hai thằng đó, thằng là con nuôi, thằng là con riêng của chồng, toàn những đứa vô nghĩa và bất nhân. Sao mà cái số con này khổ thế".

Buổi tối, khi mẹ và dì ngồi trò chuyện, tôi để ý thấy ánh mắt dì rạng lên hạnh phúc mỗi khi dì nhắc đến hai chữ: "Anh Sơn". Sau tôi mới biết đó là chồng dì. Dì gọi hai từ "anh Sơn" một cách rất ấm áp và ngọt ngào. Dì khổ từ khi còn là một cô bé. Cha mẹ dì mất trong một vụ tai nạn giao thông khi dì chỉ mới mấy tuổi. Trên dì có anh trai lớn hơn chục tuổi, dưới dì còn một em trai. Không có chị em gái, không có mẹ, dì trải qua tuổi dậy thì một cách khó khăn và đầy âu lo. Có lẽ từ đó mà tính cách dì cũng trở nên rụt rè và nhút nhát.

Dì lớn lên thiếu thốn tình cảm nhưng lại thừa vật chất. Anh trai chu cấp dư dả tiền cho dì học và tiêu xài. Dì thấy mình khổ nhưng vẫn còn may mắn. Lúc nào, với dì, anh trai cũng như cha mẹ. Nhưng rồi dì có chị dâu, từ từ tiền anh chu cấp cho dì ít lại. Một ngày dì tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của vợ chồng anh lớn:

- Mắc cái gì ông cứ lo cho hai đứa nó. Em chứ có phải con đâu mà phải nuôi. Nuôi bao nhiêu năm đủ rồi, để tụi nó tự lo lấy là vừa rồi. Ông còn vợ, còn con mà.
- Bà không biết gì cả. Ba má chết để lại đất đai nhiều. Tiền tui cho tụi nó cũng là tiền hoa màu từ đất của ba má. Chẳng thà vậy còn hơn tụi nó biết, tụi nó đòi chia chát thì còn được bao nhiêu tài sản nữa chứ. Đúng là đàn bà nông cạn.
- Thì cũng đã nuôi tụi nó bao nhiêu năm nay rồi. Đủ rồi. Không có ông, tụi nó có cạp đất đó mà ăn mà lớn được không, bây giờ dám đòi chia đòi chát. Nuôi nhiêu đó năm đủ rồi. Tụi nó lớn để tụi nó tự lo lấy đi chứ.
- Tụi nó còn đi học mà...
- Tuổi đó tui tự đi làm kiếm tiền nuôi thân rồi. Em ông học nhiều rồi sau có nuôi được ông không? Còn không thì ông chọn đi: tụi nó hay là vợ con?

Hôm sau, anh trai gọi dì đến, bảo rằng: nào là giờ làm ăn khó khăn, nào là chị hay đau ốm, nào là cháu còn nhỏ... Dì hiểu. Không nước mắt, dì dọn ra khỏi nhà và bắt đầu cuộc sống tự lập và lo cho người em trai của dì nữa. Những ngày đầu gian nan, may mắn thay dì gặp được chú - mối tình đầu và cũng là chồng của dì sau này. Ra trường, có việc làm, dì và chú lấy nhau. Những tưởng cuộc đời dì sẽ bình yên. Thế mà sau hai năm vợ chồng, vẫn không có con, đi khám, dì mới biết dì không phải là người đàn bà hoàn chỉnh: dì không có tử cung. Dì chưa bao giờ có kinh nguyệt. Nhưng tuổi thơ dì không có mẹ, cũng không chị em gái, không có nhiều bạn bè vì tính dì quá rụt rè, khép kín nên dì đã không nhận ra là dì quá khác biệt. Dì chỉ còn biết chết lặng trong tuyệt vọng.

Từ đó, chú càng ngày càng ít quan tâm đến dì hơn. Cô đơn, dì xin đứa con trai đầu của anh dì về nuôi. Nó là đứa cháu đầu tiên của dì. Dì thương nó và nó cũng rất quấn quýt dì. Lúc đó anh dì cũng đang làm ăn sa sút nên đồng ý ngay. Thế nhưng từ ngày có thằng bé, chồng chị lại tỏ ra khó chịu và đi khỏi nhà lâu hơn, có khi cả tháng, có khi mấy tháng mới về. Dì cũng chịu đựng và chấp nhận tất cả, chỉ cố gắng tiếp tục công việc để nuôi đứa con trai.

Một ngày, sau gần cả năm trời chú đi biền biệt, chú chợt quay về, yêu thương, chăm sóc và ngọt ngào với dì đến lạ. Dì mừng và hạnh phúc. Từ từ, chú thuyết phục dì kêu người em gái bà con của dì đến ở, vì thấy cô ấy nghèo, khó khăn. Cho cô ấy ở nhờ, kiếm cho cô ấy việc làm để giúp đỡ cũng coi như tích đức cho vợ chồng dì. Dì nghe có lý nên cũng theo vì dẫu sao đó cũng là em bà con của dì. Cô ấy đến ở thật. Hai tháng sau, bụng lộ rõ không che giấu được. Đến lúc ấy thì cô bảo với dì: "Chị ơi, dẫu sao chị cũng không thể có con. Con em cũng là con chồng chị, chị thương cháu như con chị, chị nhé!".

Dù muốn hay không, dì cũng không thể làm khác hơn được, chỉ biết câm lặng mà chấp nhận. Đứa bé sinh ra, dì có hai thằng con trai nhưng lớn lên, cả hai đều hư hỏng. Chúng đều nghe lời mẹ ruột, về bòn rút tiền của của dì. Chúng sống ỷ lại và lười biếng. Cần tiền thì chúng về gọi dì bằng "mẹ", khi không cần thì chúng biến mất. Những lúc dì la chúng thì chúng lại bảo: "Bà có phải mẹ tôi đâu mà có quyền dạy dỗ tôi". Vậy nhưng dì vẫn không bỏ được đứa nào.

Thằng lớn lấy vợ, sinh con khi còn đang học đại học năm cuối. Lấy vợ rồi mà nó vẫn đi biệt, ít khi có nhà. Dì cũng kiên nhẫn nuôi, nuôi con trai rồi con dâu, rồi cả cháu nội. Như một sự bù đắp, đứa con dâu và cháu nội lại rất thương dì. Nhất là đứa cháu nội, con bé cứ quấn lấy dì. Có lẽ vì từ nhỏ chỉ có những người đàn ông vô tình, vô nghĩa đi bên cuộc đời dì nên giờ đây, số phận ban cho dì đứa cháu gái như một sự an ủi.

Dì bị bệnh. Căn bệnh kéo dài đã mấy chục năm mà vẫn chưa tìm ra được tên cũng như căn nguyên. Thuốc giảm đau và thuốc ngủ không còn tác dụng đối với dì. Dì kể với mẹ là dì bị đau đầu dẫn đến đau nhức toàn thân. Căn bệnh không bình thường. Mỗi khi đau dì tưởng đâu là chỉ cái chết mới có thể giúp dì hết đau. Một tháng, có khi vài tháng, dì phải vào Sài Gòn một lần để khám nhưng cho đến giờ vẫn chưa bác sĩ nào chuẩn đoán ra được căn bệnh của dì để điều trị.

Lần nào vào Sài Gòn, dì cũng chỉ lủi thủi một mình, không chồng, cũng không con đi theo. Vậy mà khi nào về, dì cũng mua theo quà cho chồng, con trai, con dâu và cháu nội. Lần nào cũng là tôi chở dì đi mua. Dì miêu tả rất rõ từng chi tiết cũng như sở thích của từng người trong gia đình dì để tôi chọn đúng món quà mà dì ưng ý. Những lúc như vậy, tôi rất bất bình và tự hỏi lòng: "họ - những người thân của dì, có quan tâm đến dì hay không?".

Lần này, dì lại vào. Và theo lịch hẹn với bác sĩ, dì sẽ phải nhập viện. Vậy mà cũng không có một ai đi theo. Dì vẫn không một lời kêu ca hay kể lể với mẹ. Dì vẫn nhắc về người chồng với ánh mắt rạng ngời và nụ cười tự nhiên trên môi: "Anh Sơn của em". Sau gần ba mươi năm, sau hai lần ly dị, đến giờ này dì vẫn dành cho người đàn ông ấy một tình cảm bao dung và ấm áp.

Hình ảnh dì ngồi trên võng đong đưa và giọng nói mềm như lụa: "Anh Sơn của em", cứ như nhát dao cắt vào lòng tôi. Người đàn ông ấy đã phản bội dì, đau đớn hơn cả, đó lại là em của dì để rồi ngày cuối đời ông mới nhận ra: thằng con ấy không phải là máu mủ của ông. Cái ngày lẽ ra nó phải ở trường để thi tốt nghiệp cao đẳng thì nó lại đang rong ruổi trên đường với bạn bè. Tai nạn giao thông xảy ra khiến nó phải vào bệnh viện. Và điều đau đớn sau cùng là nó chẳng cùng nhóm máu với ai trong gia đình. Sự thật quá rõ ràng vậy mà chồng dì vẫn chưa muốn thừa nhận. Dì bảo nếu ông muốn thì ông cứ đi thử AND nhưng ông lại không dám. Có lẽ vì ông sợ phải đối diện với sự thật, đối diện với cái hậu quá bi đát do chính ông gây ra.

Mẹ hỏi dì sẽ làm gì với nó, dì bảo: "Cũng đã nuôi nó hai mươi năm nay rồi chị à dù nó hư đến đâu cũng không thể bỏ được. Nó cũng chỉ là nạn nhân của số phận này thôi. Nếu nó được sinh ra trong một gia đình hoàn chỉnh và bình thường, chắc nó đã không hư hỏng như vậy. Lỗi cũng là ở em, có lẽ kiếp trước em ăn ở không có đức nên kiếp này em phải bị đày làm một người đàn bà không hoàn chỉnh".

Với tôi, dù dì có là hoàn chỉnh hay không thì dì vẫn là một người đàn bà với trái tim rất nhân hậu. Cho đến giờ, mẹ tôi và cả chính tôi nữa cũng chưa bao giờ gọi chồng bằng cách gọi yêu thương và trìu mến đến vậy: "Anh chồng của em". Chính dì mới là người đàn bà hoàn chỉnh trong mắt tôi.

  • Livy Nguyen, ngoisao


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.