Phông chữ

Các nhà khoa học đã lập bản đồ gene thành công của vi khuẩn Dịch hạch, hay còn được gọi là “Cái chết đen”, một dịch bệnh khủng khiếp đã giết chết hơn 50 triệu dân châu Âu trong thế kỷ 14.

Sau khi chiết xuất, thanh lọc DNA lấy được từ hài cốt còn lại của những nạn nhân dịch hạch bị chôn trong các ngôi mộ tập thể tại London, lần đầu tiên các nhà khoa học sẽ có thể phác thảo phả hệ gene tái tạo của bất cứ bệnh dịch cổ xưa nào.

Những bộ hài cốt xếp chồng lên nhau trong các mồ chôn tập thể bệnh nhân dịch hạch ở London. Ảnh: Reuters

Kết quả của họ: một phả hệ gene hoàn chỉnh của “Cái chết đen”, sẽ cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi sự tiến hóa, thay đổi, sự hiểm độc của căn bệnh dịch hạnh theo thời gian, cũng như giúp y học hiểu hơn về các dịch bệnh truyền nhiễm thời hiện đại.

Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy một biến thể của vi khuẩn Y.pestis chính là thủ phạm gây ra thảm họa kinh hoàng tàn sát châu Âu từ năm 1347-1351. Giờ đây, với phả hệ gene tái tạo trong tay, một nhóm các nhà khoa học Đức, Canada và Mỹ đã đi đến kết luận Y.pestis chính là thủy tổ của tất cả các bệnh dịch hiện đại mà con người mắc phải trên phạm vi toàn cầu. “Mỗi một đợt dịch bùng phát ngày nay đều bắt nguồn từ một hậu duệ của dịch hạch thời Trung cổ”, chuyên gia Hendrik Poinar của Đại học McMaster Canada cho biết trên Reuters.

Sau 660 năm, vi khuẩn tử thần Y.pestis không có nhiều thay đổi. Nó được coi là thủy tổ của mọi dịch bệnh hiện đại. Ảnh: AP

Trong khi đó, LiveScience tin rằng, nếu như hiểu hơn về sự tiến hóa của dòng vi khuẩn chết người này, chúng ta sẽ bước vào một chương mới của nghiên cứu bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, hậu duệ trực tông của vi khuẩn Y.pestis vẫn tồn tại, cướp đi sinh mạng của khoảng 2000 người mỗi năm.

Vi khuẩn E.Coli bùng phát ở Đức và Pháp hồi đầu năm nay, theo các nhà khoa học, cũng có chứa chuỗi DNA từ vi khuẩn dịch hạch Y.pestis.

Theo chuyên gia Poinar, sau 660 năm tiến hóa, bản đồ gene của vi khuẩn “trung cổ” không có nhiều sự thay đổi. Vì thế, trong giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ cố gắng tìm hiểu vì sao Y.pestis lại nguy hiểm chết người đến vậy.

Còn chuyên gia Johannes Krause của Đại học Tubingen, Đức trong nhóm nghiên cứu thì tin rằng, cách tiếp cận này có thể áp dụng để nghiên cứu bản đồ gene của tất cả các dịch bệnh cổ xưa khác.

  • Trọng Cầm, VNN