Phông chữ
Đối với những người có nguy cơ mắc ung thư tuyến vú cao, nếu kiểm tra định kỳ bằng thiết bị cộng hưởng từ tính hạt nhân có thể phát hiện sớm ung thư.

Hiệu quả của thiết bị này tốt hơn so với kiểm tra bằng phương pháp chụp X-quang và sóng siêu âm.

Đây là kết quả điều tra bằng phương pháp kiểm tra ung thư tuyến vú vừa được các nhà khoa học thuộc Đại học Bonn, Đức, công bố.

Thông báo trên cho thấy trong thời gian hơn 5 năm, các nhà khoa học đã thực hiện kiểm tra hàng năm bằng thiết bị cộng hưởng từ tính hạt nhân, chụp X-quang và sóng siêu âm đối với 687 phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến vú cao.

Kết quả phát hiện 27 đối tượng mắc bệnh ung thư tuyến vú hoặc xuất hiện tình trạng bệnh giai đoạn đầu ung thư tuyến vú. Trong đó có 25 trường hợp được phát hiện thông qua kiểm tra bằng thiết bị cộng hưởng từ tính hạt nhân, tỷ lệ phát hiện chiếm 93% trong số các thiết bị khác.

Trong khi đó tỷ lệ phát hiện thông qua kiểm tra bằng X-quang chỉ chiếm 33% và sóng siêu âm là 37%. Các nhà khoa học cho rằng, kết quả điều tra trên cũng có thể áp dụng cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến vú thấp.

Theo các nhà khoa học, sở dĩ kiểm tra bằng X-quang và sóng siêu âm mang lại hiệu quả thấp là vì những thiết bị này không phù hợp với phụ nữ trẻ do tổ chức tuyến vú của phụ nữ trẻ tuổi rất nhạy cảm với tia X-quang, vì thế nhiều lần kiểm tra bằng tia X-quang sẽ làm tăng rủi ro mắc bệnh ung thư tuyến vú ở phụ nữ trẻ tuổi.

Các nhà khoa học khuyên rằng, khi sử dụng thiết bị cộng hưởng từ tính hạt nhân để kiểm tra ung thư tuyến vú chỉ nên kiểm tra một lần/năm./.