Phông chữ
Người ta thường lầm tưởng rằng hoạt động của não bộ tỉ lệ nghịch với tuổi tác, nhưng trên thực tế “gừng càng già càng cay”.

Theo Tiến sĩ Michael Spitzbart - bác sỹ nổi tiếng người Đức ở Düsseldorf và là  tác giả của nhiều đầu sách về y học, chức năng não của người cao tuổi không hề thua kém hơn so với những người trẻ tuổi,  thậm chí trên nhiều phương diện còn vượt trội hơn. Bộ não của người cao tuổi từng trải dày dạn kinh nghiệm và làm việc hiệu quả hơn. Điều này đã được chứng minh qua phương pháp so sánh.

Việc thường xuyên sử dụng đến các chức năng hoạt động của não khiến người ta biết cách sắp xếp thứ tự cho bộ nhớ một cách trật  tự và khoa học hơn. Do đó, sự suy giảm chức năng não ở người già hoàn toàn không phải do lão hoá tự nhiên, mà là do tần suất sử dụng. Ví dụ, một người làm việc trong một quy trình tự động thì các rãnh não bộ cứ thế mà hoạt động theo. Đến khi thay đổi môi trường tư duy hoặc khi cần tiếp xúc với những cái mới,  thì bộ não ở người cao tuổi cần có thời gian để dần dần thích nghi. Não bộ cần xây dựng những rãnh nhớ mới, vì vậy sự suy giảm hoạt động của não chỉ bởi sử dụng não quá ít. Nói theo tiếng Anh "use it or lose it", nghĩa là "sử dụng (não bộ) hay đánh mất nó".

Bộ não người cao tuổi càng làm việc nhiều thì càng nhanh nhạy và có một số lợi thế hơn hẳn so với ở người trẻ tuổi. Người già thường có nhiều kinh nghiệm nhưng đôi khi họ bỏ "quên" chúng trong một "ngăn kéo nhớ" nào đó. Ví dụ não bộ của một người sống 60 năm tuổi đời chứa đựng lượng kiến thức nhiều gấp 4 lần người đang ở độ tuổi 20. Những kiến thức này thường được liên kết với nhau bằng một tương tác rất đặc biệt được gọi qua thuật ngữ "trí tuệ cao niên."

Người cao niên có cái nhìn tổng quan hơn: Các nhà nghiên cứu người Canada đã phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi có khả năng hiểu một vấn đề rất nhanh nhạy bởi vì các giây thần kinh trong não rất năng động. Người cao tuổi tuy không nhanh như vậy nhưng họ tập trung nhiều hơn vào toàn bộ vấn đề, do đó bộ não hoạt động thận trọng hơn, nên họ có thể nhìn xuyên qua toàn bộ tình hình tốt hơn.

Người lớn tuổi ít mắc lỗi hơn: Các nhà khoa học tại Viện Sinh lý học nghề nghiệp tại trường Đại học Dortmund (Đức) đã tiến hành một cuộc thử nghiệm so sánh giữa nhóm tuổi từ  55 đến 65 và từ 18 đến 25. Kết quả cho thấy, những người ở độ tuổi từ 55 đến 65 hoàn thành công việc một cách đáng tin cậy hơn so với lứa tuổi từ 18 đến 25. Lí do là khi người nhiều tuổi gặp một lỗi, thì lần sau họ sẽ biết cách để lỗi đó không lặp lại, họ xem xét một cách kỹ càng hơn để đạt được hiệu quả tốt nhất. Vì vậy tỷ lệ mắc lỗi thấp hơn so với các đối tượng trẻ tuổi.

Người lớn tuổi có yêu đời hơn: Nghe qua có vẻ bất ngờ nhưng điều đó lại là sự thật và được kiểm chứng khoa học. Trên thực tế, ở người cao tuổi thường ghi nhớ nhiều điều tích cực trong quá khứ và não bộ của họ không quá nhạy cảm như ở thanh niên. Ở rất nhiều thanh thiếu niên, não bộ quá nhạy cảm thường ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến công việc mà đến cả đời sống tâm hồn.

Hà Anh