Phông chữ

Một chiếc xe tải nhỏ, một vài ghế đẩu nhựa, bia Đức, bánh mì Đức và quan trọng là xúc xích Đức nóng hổi do chính tay một anh chàng Đức nướng…, quán xúc xích vỉa hè trên góc đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (TPHCM) lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhìn anh Tây cao ráo, chăm chú một cách tuyệt đối vào cái lò nướng, cô vợ Việt rất xinh, luôn miệng cười tươi với khách, ít ai ngờ rằng đôi vợ chồng Tây này đã gác lại việc kinh doanh 4 nhà hàng ăn uống bên Đức, từ bỏ công việc đúng chuyên ngành để sang Việt Nam bán xúc xích vỉa hè.

Vạn sự khởi đầu nan

Là câu mở đầu mà chị Trần Hoàng Minh Nguyệt - người vợ Việt của Klaus – anh Tây bán xúc xích vỉa hè - đúc kết với tôi khi nói về “sự nghiệp” bán xúc xích của chồng mình. “Gia đình hai bên ngăn cản, về Việt Nam lạ nước lạ cái, rồi mất trộm, mấy lần chị đã bỏ về nước... Khó khăn chồng khó khăn chứ không đơn giản chỉ là một cái lò nướng xúc xích trên vỉa hè đâu em” - chị Nguyệt tâm sự. Chị vốn là con gái Hà Nội, từ nhỏ đã theo nghiệp diễn. Chị từng là diễn viên uốn dẻo của Liên đoàn Xiếc trung ương. Sau nhiều lần đi lưu diễn, luyện nghề khắp các nước, chị định cư, lập nghiệp ở Đức với một hàng ăn nhỏ.

Vợ chồng Klaus và con gái bên những thực khách xúc xích vỉa hè.

 “Thời ấy cơm áo gạo tiền ghì sát đất, yêu nghề nhưng nghề không nuôi sống được mình huống chi chị còn cả một gia đình phía sau. Thế là bỏ. Rồi chị gặp Klaus. Gia đình Klaus có nghề làm xúc xích truyền thống. Klaus theo bố làm xúc xích từ năm lên 7, tuy nhiên không có ý định theo nghề gia đình, bởi Klaus là kỹ sư môi trường, làm việc ở một công ty xử lý rác thải ở Đức. Lấy nhau, vợ chồng có 4 nhà hàng ăn uống, chủ yếu vẫn do chị Nguyệt quản lý. Chị đã đinh ninh rằng cuộc sống của mình như vậy là đã ổn định, cho đến mùa hè năm 2011...

Hè năm 2011, cả gia đình về Việt Nam chơi, 3 đứa con nhà anh chị đòi ăn xúc xích, nhưng không ăn được xúc xích của Việt Nam vì không quen vị. Klaus nếm thử rồi ý nghĩ mang xúc xích Đức sang Việt Nam chợt lóe lên, sau cứ lớn dần rồi thành quyết tâm thực hiện cho kỳ được. Klaus nộp đơn nghỉ việc ở công ty đã gắn bó 26 năm, xin phép gia đình sang Việt Nam làm xúc xích. Bố mẹ anh kiên quyết ngăn cản, thuyết phục mãi ông bà mới đồng ý” - chị Nguyệt kể.

Công việc bán xúc xích của anh Klaus và chị Nguyệt bắt đầu với một cái lò nướng nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận. Rồi tiếp đó là hai tháng ròng rã mang món xúc xích của mình đi mời mọi người dùng thử. Ngày đó ai cũng thắc mắc vì sao một anh Tây cao to lại không mở nhà hàng mà cứ đứng ở vỉa hè bán món xúc xích với cái giá không hề “vỉa hè” (35.000 đồng/cái). Chị Nguyệt giải thích: “Ở Đức chỉ có xúc xích tươi là được bán ở cửa hàng, siêu thị còn xúc xích nướng, hấp thì phải được bán ở vỉa hè, kèm bia Đức mới đúng kiểu”. Và với Klaus, mang xúc xích Đức về Việt Nam không chỉ giới thiệu món ăn truyền thống, đậm chất Đức mà còn mang một chút không gian Đức với những cái lò nướng xúc xích di động, bia tươi mát lạnh để những người từng sống ở Đức tìm lại cảm giác thân quen.

Khi bắt đầu có khách, công việc có vẻ thuận lợi hơn thì nhà bị trộm. “Trộm khoắng sạch mọi thứ em ạ. Không còn cái gì, chị bất mãn bỏ về nước, một mình Klaus ở lại. Klaus lại bắt đầu từ con số không. Lại tới cổng trường học, ngã tư nướng xúc xích và mời khách hàng dùng thử miễn phí. Anh ấy quyết tâm, chị không nỡ bỏ mặc, thế là quay lại Việt Nam. Nhưng lần này chị ra điều kiện trong vòng 3 năm, xúc xích Đức Leon King của anh ấy không thành công thì anh ấy phải về nước. Chị đã bán một nhà hàng, chị không muốn sau mọi cố gắng vợ chồng chị lại trắng tay...”.

Anh Tây đa năng

Suốt câu chuyện của chúng tôi, Klaus tham gia được khá ít bởi anh còn phải nướng xúc xích bán cho khách. Lúc trước chỉ có một cái lò nướng, không nhân viên, không có chị Nguyệt, chỉ một mình Klaus, vừa là ông chủ, vừa là thợ chế biến, “nghiên cứu” xúc xích, kiêm luôn bán hàng, thu ngân. Klaus không biết tiếng Việt, lại không rành lắm tiếng Anh, những ngày đi bán một mình, anh treo một thông báo ghi rõ “35.000 đồng 1 xúc xích”, khách nhận xúc xích rồi đưa tiền. Đưa bao nhiêu anh cũng cười, cũng “thanh-kiu” rồi “bái bai”. Bây giờ khi lượng khách tăng lên, anh chị sắm một chiếc xe tải nhỏ, thuê thêm nhân viên nhưng nhân viên cũng chỉ thu tiền, giao hàng cho khách, mọi công việc từ nướng, làm xúc xích Klaus đều đảm trách vì với anh “được làm xúc xích là một niềm vui, cái gật đầu “Ok” của khách làm anh thấy vui trong dạ hơn là ngồi thu tiền” - Klaus chia sẻ.

Ngớt khách, Klaus làm bốn món xúc xích, mời tôi thưởng thức và góp ý cho món xúc xích mới của anh đang trong quá trình... nghiên cứu. Klaus bảo, món xúc xích đang nghiên cứu là xúc xích heo, bên Đức thường cho 40% mỡ heo, về Việt Nam Klaus định sẽ loại hết mỡ, chỉ lấy nạc nhưng trông có vẻ khô, chắc sẽ cho thêm 20% mỡ, tương ớt này không ngon, ăn thử dưa cải Đức, bánh mì Đức có hợp khẩu vị... Klaus giải thích từng thành phần, cách thức làm xúc xích một cách say mê.

Ngoài những ngón nghề mà bố của Klaus truyền lại, trong quá trình làm, Klaus luôn tìm cách đổi mới sao cho ngon nhất. "Chế biến ở Việt Nam nhưng nguyên liệu đều nhập từ Đức nên món xúc xích Leon King sẽ nguyên vẹn hương vị, phong cách Đức, chỉ có độ mặn là giảm đi. Vì bên Đức lạnh mới cần ăn mặn, Việt Nam đã nóng rồi, ăn mặn sẽ không tốt” - Klaus giải thích. Trên xe của anh có số điện thoại để những khách hàng muốn được tận mắt chứng kiến quá trình làm xúc xích của Klaus đăng ký. “Mỗi ngày 2 vị khách tham quan, đó là những người kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm công tâm nhất. Hiện tại số người đăng ký xem Klaus làm xúc xích lên đến hàng trăm người, phải xếp lịch dài dài” - chị Nguyệt hồ hởi.

“Một năm qua nhanh quá! Mới đó mà đã hết 1/3 thời gian hợp đồng” - chị Nguyệt thở dài. Chị nói công việc hiện tại cũng có vẻ đã ổn nhưng mọi cái còn phải chờ tương lai. Ban đầu muốn đem không gian Đức sang Việt Nam nhưng bán ở vỉa hè có nhiều cái khá bất tiện. Trời mưa gió làm khách hàng rất phiền, hơn nữa hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam vẫn còn nhiều điều bất cập cho nên sắp tới vợ chồng tôi sẽ mở một nhà hàng xúc xích. Vừa có chỗ vui chơi cho trẻ con, vừa đảm bảo cho thực khách hài lòng. Nhưng dù có mở nhà hàng, anh chị vẫn sẽ dành thời gian để bán xúc xích vỉa hè để mọi người có cảm giác thoải mái, đảm bảo thực khách vẫn cảm nhận được một góc không gian Đức ở Việt Nam...

Khi sắp xếp lại công việc, bán một nhà hàng, cả hai gia đình nội ngoại, hai đứa con đang ở bên Đức, chị Nguyệt và đứa con út cùng chồng sang Việt Nam là một quyết định liều lĩnh. Thế nên chị mới đưa thời hạn 3 năm cho anh. Chị nói: “Chị cũng đâu còn trẻ nữa, Klaus cũng đã 45, từ bỏ công việc gắn bó 26 năm, đúng chuyên môn, chị hiểu Klaus rất quyết tâm nhưng nếu 3 năm mà thất trận thì đành phải về lại Đức thôi”. Klaus bảo nếu vậy chắc anh sẽ nhớ Việt Nam rất nhiều. Nhớ nhất là tình cảm của mọi người. Ở đây, mọi người không phân biệt mà đón nhận những người ngoại quốc như Klaus một cách nồng nhiệt. Klaus yêu Việt Nam như yêu đất nước của mình. Đó cũng là lý do khi mở nhà hàng, Klaus sẽ trích lợi nhuận từ việc bán xúc xích, lập quỹ từ thiện, hỗ trợ những người thật sự khó khăn như một lời cảm ơn Việt Nam...

Hơn 10 giờ tối, anh chị và hai nhân viên xếp lại bàn ghế, thu dọn đồ đạc, kết thúc một ngày làm việc. Chị bảo mọi hôm về sớm hơn 30 phút để Klaus còn chơi với con, ru con ngủ, sáng mai Klaus dậy sớm chuẩn bị làm những mẻ xúc xích mới... Chiếc xe chuyển bánh, Klaus không quên tặng vị khách cuối cùng nụ cười kèm theo câu nói quen thuộc “thanh kiu”.

  • theo laodong