feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Những cái cây nó cũng như là con người, khi được gieo trồng hoặc sinh sống trên những vùng đất lạ thì nó luôn cần một thời gian để thích nghi với môi trường mới đó, tôi và "cây hành châu Á" của tôi cũng vậy.

Nhân đọc một số bài viết của các bạn chia sẻ về những kinh nghiệm trồng rau của Việt Nam tại nước ngoài. Tôi rất vui và cảm thấy cũng muốn tham gia mặc dù nói về trồng trọt thì có lẽ tôi là dạng lơ tơ mơ nhất xứ.

Vì sống ở nước ngoài, mọi thực phẩm châu Á đều khan hiếm và thường là không được tươi mới như ở quê nhà chính vì vậy chẳng biết từ lúc nào, tôi bắt đầu hay quan tâm đến những bài viết về cách chế biến hay bảo quản thực phẩm châu Á, nhất là những loại cây rau hay củ của Việt Nam được gieo trồng bằng chính những kinh nghiệm góp nhặt của những người Việt xa xứ sao cho thích hợp với khí hậu ở xứ người.

Tại trung tâm của thành phố hay các thị trấn, hàng tuần thường hay có một buổi chợ chuyên bán rau quả tươi của những người nông dân mang những vật phẩm trồng trọt tại vườn hay ruộng của gia đình mình đến bày bán. Rau quả được bày bán ở đây thường rất tươi và đa dạng, có nhiều loại trái cây hay rau cỏ không thấy xuất hiện trong những siêu thị lớn.

Hôm đó vô tình tôi nhìn thấy trên kệ khu vực bán hạt giống có một gói được viết là "hành lá châu Á", tôi mừng rỡ và thật phấn chấn. Cầm gói hạt giống trên tay ngắm nghía chỉ thấy bao bì chụp một bó hành lá ngoài ra chẳng có thêm một chút thông tin nào khác. Vậy có gì đâu mà bảo là hành châu Á? Và nếu đã là hành thì mùi vị cũng giống nhau, nếu có khác thì chắc cũng chỉ là hành của Việt Nam có lẽ sẽ thơm hơn, nồng hơn mà thôi? Nhưng mà kệ, cứ miễn có chữ châu Á là đã thấy thích thú và gần gũi lắm rồi (tâm lý của những người xa quê hương mà).

Cầm gói hạt giống về, tôi hăm hở mua đất gieo ngay vào một chậu cây chuyên để trồng kiểng khá lớn (với hy vọng là hành sẽ mọc và nẩy con thật nhiều). Ngày ngày đi làm về, tôi lại chạy vội ra chậu hành nhìn nhìn ngắm ngắm, lôi cả kính hiển vi ra để tìm xem hôm nay có cọng nào mới mọc hay không, có một báo hiệu gì của sự sinh sôi hay không.

Trái với sự mong đợi của tôi, chậu hành châu Á của cứ đủng đà đủng đỉnh lên những lá mỏng như cọng tóc, lơ thơ lơ thơ. Sốt ruột tôi bứt vài "cọng tóc" ốm yếu đó lên tay vò đi và ngửi thử. Ôi trời! Sao mùi gì như là mùi hẹ thế này nhỉ, nếu mà là hẹ thì hay quá bởi vì hành thì ở Đức có bán đầy khắp các cửa hàng đâu cần phải trồng làm chi. Thế là tôi càng thêm nâng niu chậu hẹ của mình. Bây giờ thì hắn đã có một cái tên đúng khai sinh rồi chứ không phải tên vay mượn "hành châu Á" như ban đầu nữa nhé.

Nhưng than ôi, chậu hẹ cứ èo uột lơ thơ vài lá mỏng tang mặc dù tôi đã truy tìm trên mạng những cách thức chăm sóc cho loại cây này. Chán nản chờ mãi một bó hẹ để nấu nồi canh đậu thơm mát mà mùa hè hồi còn ở Việt Nam mẹ tôi vẫn thường nấu cho cả nhà thưởng thức, tôi định bê chậu cây đi vứt, nhưng nghĩ lại tiếc cái công gần cả tháng nay chăm bón thế là tôi lại mang xuống nhà và vùi luôn vào một khoảnh đất trống nhỏ xíu trước cửa chung cư nơi mà người ta hay để trồng vài bụi hoa hồng. Thỉnh thoảng mỗi khi đi ngang cửa tôi cũng thử ngó nghiêng xem có phát triển không, có thay đổi gì không, nhưng vẫn là như vậy, lưa thưa vài lá mỏng tang yếu ớt.

Thế rồi mùa đông xuống, tuyết phủ trắng nhà cửa đường phố. Khoảnh đất bé xíu đó cũng trắng xóa tuyết, chỉ còn vài cành hồng khẳng khiu, trụi hết lá vươn những cành cây gầy guộc trên nền tuyết đứng im lìm chống trọi với mùa đông khắc nghiệt. Dĩ nhiên mấy cây hẹ yếu ớt của tôi càng không thể nào sống sót được, vì nghĩ thế nên tôi cũng quên luôn về nó. Mùa đông lạnh lẽo cũng bắt đầu rục rịch ra đi. Băng tuyết bắt đầu tan chảy thành những dòng nước khiến mặt đất luôn ẩm ướt. Mấy cây hồng trên khoảnh đất be bé trước cửa nhà tôi bắt đầu nhu nhú những chồi non bé xíu .

Cho đến một ngày kia khi đi chợ về vì xách đồ khá nặng, tôi phải dừng lại nghỉ trước cửa ra vào chung cư cạnh khoảnh đất trồng hoa hồng. Ơ cái gì thế này, dưới những bụi hồng mạnh mẽ kia một thảm cỏ xanh biếc, những lá cỏ có hình thù là lạ, hơi dẹp dẹp hơi khang khác bình thường đã làm tôi sửng sốt, không có lẽ ... thế là tôi ngắt thử vài lá lên ngửi, trời ạ, bao nhiêu là hẹ, kín hết cả khoảnh đất dưới những bụi hồng đều là hẹ. Một vườn hẹ xanh mơn mởn, hùng dũng và cứng cáp, chúng không hề giống như những cây "hành châu Á" yếu ớt mà tôi đã trồng trong chậu năm ngoái, hẹ nhiều vô kể , lá cao như một cây hẹ bình thường ở Việt Nam.

Với vốn tiếng Đức ít ỏi vì mới ở Việt Nam qua chưa lâu, tôi phải dùng đủ cả tay chân, mắt mũi và miệng để cố giải thích cho người phụ trách khu nhà rằng thật ra cũng rất là đẹp nếu như dưới gốc những cành hồng xinh đẹp của ngài trồng lại có một thảm cỏ rất đẹp và lạ như thế, không những thế mà thảm cỏ ấy còn là một loại rau rất có lợi cho sức khỏe.

Vừa nói tôi vừa nhanh tay cắt lấy cắt để một bó hẹ to dúi vào tay ông ta và nói rằng ông hãy thử dùng nó trong bữa trưa như là một món sà lách cũng được. Thế là những cây hẹ Việt Nam của tôi tồn tại và phát triển mạnh mẽ bên cạnh những cành hồng xinh đẹp của nước Đức.

Thôi thì canh hẹ nấu đậu phụ, hẹ quấn bò bí, hẹ ăn ghép với tép riu rang với khế và gừng... tất tần tật món gì cũng hẹ, của nhà trồng được không phải mua mà. Đã thế tôi còn cắt tặng bạn bè và một số người còn bứng về trồng tại nhà.

Món canh hẹ nấu đậu phụ rất thơm ngon. Ảnh minh họa: Monngon

Sau này tôi có đem thắc mắc của mình hỏi một cụ bà mà gia đình đã mấy đời là nông dân và được bà cụ giải thích rằng: "Những cái cây nó cũng như là con người mình vậy, khi được gieo trồng hoặc sinh sống trên những vùng đất lạ thì nó luôn cần đến một thời gian để thích nghi với môi trường mới đó. Chính vì thế một năm đầu sự sống và phát triển của nó khá chậm chạp và yếu ớt, do vậy ta không nên nôn nóng với những kết quả ban đầu không được như ý, sau này khi đã bén rễ rồi thì những cây hẹ đó sẽ phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí khó có thể ngăn chăn được sự sinh sôi của nó". Ừ nhỉ, và tôi cũng thế thôi, để hội nhập với cuộc sống nơi xứ người tôi cũng cần có thời gian không ngắn mà.

Vậy là chỉ vì thiếu một chút hiểu biết và thiếu một chút kiên nhẫn, suýt nữa thì tôi đã không biết được niềm vui sướng khi tự tay trồng được một loại rau của quê hương mình trên xứ người như thế nào rồi. Sau lần đó tôi rất chăm chỉ tìm đọc những bài viết chia sẻ những kinh nghiệm của các bạn Việt kiều về mọi mặt trong cuộc sống nơi xứ người của báo VnExpress.

  • Bích Hường, VNE


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.