Phông chữ

Toàn bộ giá trị của Kinh dịch dài lê thê tóm lại chỉ là một chữ “thời”. Nếu chiết tự Hán ngữ thì chữ “thời” nguyên thuỷ là hình con tắc kè. Người xưa sở dĩ đã chọn biểu tượng như thế vì tắc kè có tài đổi màu cho tiệp với môi trường, với khung cảnh chung quanh, để lẩn tránh kẻ thù, để sống còn. Thuận thời thì sống, nghịch thời ắt vong là thế. Ngay cả chuyện ăn cũng thế.


Ăn kiểu nào tuỳ người nhưng nguyên tắc theo thời cũng đúng cho cách uống, vì nếu mọi chức năng của cơ thể con người không cố định theo thời gian, thậm chí thay đổi trong ngày theo nhịp sinh học, thì tập quán dinh dưỡng cũng phải tuỳ thời mà biến đổi.

Nếu chỉ nói riêng về khoáng tố thì nhu cầu trong cơ thể của đối tượng vị thành niên rõ ràng có nhiều điểm khác biệt so với người trưởng thành. Vì cần phải tăng trưởng liên tục nên cơ thể của trẻ con, của người chưa trưởng thành không thể thiếu vôi để tạo xương, sắt để vừa kiến tạo bắp thịt, vừa sản xuất huyết cầu, và nhất là kẽm để đảm nhiệm vai trò xúc tác trong hàng trăm ngàn phản ứng sinh hoá. Nhu cầu này càng rõ nét hơn nữa trong khoảng thời gian của tuổi dậy thì, lúc nội tiết tố giới tính lên tiếng lung tung.



Nếu hàm lượng và tỷ lệ của ba loại khoáng tố vôi, sắt và kẽm vì lý do nào đó mà mất quân bình thì đối tượng không những phải đối đầu với rối loạn tăng trưởng mà còn đau đầu với nhiều vấn đề khác, từ chứng mụn ngoài da cho đến rối loạn cá tính có thể làm cuộc sống của người trẻ mất đi nét hồn nhiên một cách oan uổng.

Hơn thế nữa, nguồn dự trữ khoáng tố trong cơ thể người vị thành niên nếu không được đảm bảo thì cơ thể có khuynh hướng dễ bị bệnh bội nhiễm, như viêm gan, lao phổi… khi bước vào tuổi trưởng thành. Do đó, đừng tưởng người cao niên mới dễ bị bệnh!

Ngược lại, cần lưu tâm nhiều và thường xuyên hơn đến chương trình khám sức khoẻ định kỳ cho giới trẻ để theo dõi việc quân bình khoáng tố và kịp thời bổ sung thành phần bị thiếu hụt.

Phần lớn giới trẻ ở các quốc gia phát triển hiện nay đang có khuynh hướng sử dụng nhiều thực phẩm công nghệ, với biện luận hời hợt là “người văn minh” ai lại tốn thời giờ để chuẩn bị bữa ăn có nhiều rau quả trong thời buổi hiện đại! Hậu quả ngay trước mắt là rất nhiều đối tượng vị thành niên đang khiếm khuyết trầm trọng hàng chục loại khoáng tố trong cơ thể, theo kết quả một công trình nghiên cứu qua 30.000 người trong lứa tuổi từ 12-16 ở CHLB Đức!

Tình trạng này càng trầm trọng hơn nữa ở những người trẻ đã ăn không đúng, ăn không đủ, lại còn kiêng cữ làm ốm nhưng đồng thời gắng sức chơi thêm thể thao cho đúng nghĩa thời thượng! Điều ít ai ngờ là trên nước Đức, nơi không còn nạn đói, là 80% đối tượng vị thành niên lại có huyết áp quá thấp, và tệ hơn nữa là có 60% bị chứng thiếu máu vì hoạt động thể dục quá độ (sport anemia), chỉ vì cơ thể tiêu hao quá nhiều năng lượng và không được bù trừ kịp thời bằng dưỡng chất trong thực phẩm! Trước tình trạng đó, tất nhiên nhiều thiếu niên, thiếu nữ không thể nào có kết quả học tập như mong muốn.

Không lạ gì nếu học sinh ở Đức, quê hương của Goethe, của Einstein… bị xếp vào loại kém, so với nhiều nước mang tiếng còn lạc hậu! Thực trạng đó cũng đã góp phần giải thích tại sao nhà nước Đức, dù tình trạng thất nghiệp tăng cao, vẫn phải bấm bụng mở cửa rước chuyên viên vi tính của… Ấn Độ!

Đó là chưa kể đến hậu quả rất nhiều đối tượng hãy còn quá trẻ nhưng cứ nay đau mai yếu, lại thêm mau già khi bước vào tuổi trưởng thành. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rất ít người trẻ tuổi ở Đức có hàm lượng kẽm trong máu với trị số bình thường. Kẽm là thành phần có vai trò quyết định cho chức năng sinh dục. Dễ hiểu nếu ở Đức có tối thiểu 5 triệu đấng mày râu đang khổ tâm vô cùng nhưng khó nói. Các nhà thống kê đã tiên đoán là đến năm 2050 dân số nước Đức phải giảm thiểu đến 20% vì thiếu… người nối dõi tông đường!

Xe người đã đổ nhưng xe ta hình như cũng không muốn tránh khi hình thức ăn nhanh đang từng bước chiếm ưu thế trên nước mình, trên xứ sở không hề thiếu rau quả tươi, vì nhiều người hình như vội vã đến quên… ăn! Tất nhiên không kể đến trường hợp ăn hối lộ!

Không thể trẻ mãi mà không già, trừ khi chết sớm nên chưa kịp già! Nhu cầu về khoáng tố trong cơ thể người cao tuổi cũng cần được chú trọng đúng mức. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khả năng hấp thu canxi bắt đầu giảm sút từ độ tuổi 40, song song với khuynh hướng giảm thiểu bài tiết dịch vị và thay đổi về nội tiết tố giới tính. Tình trạng này dễ dàng trở thành nghiêm trọng nếu đối tượng cùng lúc thiếu sinh tố D và ít vận động. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu của bệnh loãng xương, căn bệnh hiện nay cũng không chừa nam giới khi nhiều ông sẵn sàng chọn thái độ ngồi chơi xơi nước trong bóng mát, thay vì nhúc nhích cho chính bản thân được nhờ.

Trước ngưỡng cửa của tuổi 50, khả năng hấp thu sắt cũng bắt đầu bị rối loạn. Cơ thể vì thế rơi lần vào tình trạng thiếu dưỡng khí nội tế bào. Triệu chứng mỏi mệt sớm muộn cũng lộ diện. Bên cạnh đó, hàm lượng của khoáng tố kẽm sau tuổi ngũ tuần cũng bị giảm thiểu. Khả năng đề kháng vì thế suy giảm rõ rệt do toàn bộ quy trình sản xuất nội tiết tố, kháng thể, thực bào bị trì trệ một cách đồng loạt.

Cùng lúc đó khoáng tố selen cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt vì khả năng hấp thu thành phần này trên đoạn ruột non càng lúc càng bị ức chế khi tuổi đời chồng chất. Thiếu selen thì độc chất oxy-hoá, ngoại lai cũng như nội sinh, hò reo vỗ tay ăn mừng. Chính vì thế mà khoảng thời gian bước vào tuổi 50-60 là giai đoạn rất quan trọng trong đời người, không chỉ vì đối tượng sắp bước vào tuổi hưu trí và phải chấp nhận nhiều thay đổi về nghề nghiệp, xã hội.

Giai đoạn này chính là thời gian lý tưởng cho sự phát triển của ung thư, của tình trạng suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh biến dưỡng như tiểu đường…, nếu cơ thể trước đó không được trang bị đầy đủ các khoáng tố có công năng phòng bệnh.

Nỗi vui ngày lục tuần chưa trọn thì tình trạng rối loạn canxi đã đi vào giai đoạn quyết liệt vì thận khó giữ được khả năng thanh lọc canxi như lúc xuân xanh. Trong giai đoạn này, chế độ dinh dưỡng chú trọng vào canxi trên thực tế cũng không còn hiệu quả bao nhiêu. Nói cách khác, người trên 60 tuổi nên được điều trị định kỳ, hoặc trực tiếp dưới dạng thuốc khoáng tố, hoặc gián tiếp qua hình thức yểm trợ môi trường vi sinh trên đường ruột để cải thiện khả năng hấp thu khoáng tố.

Có một điều chắc chắn là nếu ăn không biết coi nồi, nếu gặp gì cũng ăn, ăn quá nhanh, ăn thường xuyên… thì cũng dễ bệnh như người thiếu ăn, vì không lạ gì sớm muộn cũng có lúc “miếng ăn trở thành miếng tồi tàn”. Trái lại, giải pháp mượn miếng ăn để khoẻ lại không quá phức tạp.

Tiền nhân đã chỉ rất rõ là “miếng khi đói bằng gói khi no”, là “đói ăn rau đau uống thuốc”… Chỉ tiếc là nhiều khi giải pháp, cũng từa tựa như hạnh phúc, vì quá gần nên thành rất xa.