feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Ngày 16/11 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới nghệ thuật ẩm thực của Pháp, điệu nhảy flamenco của Tây Ban Nha và nghệ thuật opera Bắc Kinh của Trung Quốc.
 
Đây là lần đầu tiên nghệ thuật ẩm thực lọt vào danh sách trên. Loại rượu nào đi với món ăn đó, cách dùng khăn trải bàn, nơi đặt các loại ly uống nước, vang đỏ, vang trắng, dao, nĩa và các vật dụng dùng trong bữa ăn là một nét đặc trưng rất riêng của nghệ thuật ẩm thực theo kiểu Pháp. Trong cuộc họp tại Kenya, các chuyên gia UNESCO nhận xét: “Nghệ thuật ẩm thực của Pháp là một tập quán xã hội nhằm đánh dấu những giây phút quan trọng nhất trong cuộc sống của từng cá nhân và nhóm người trong xã hội”. Bữa ăn “sành điệu nhiều món” kiểu Pháp với những nghi thức riêng, cách thể hiện riêng làm phong phú thêm danh sách di sản trên thế giới, góp phần làm đa dạng nền văn hóa thế giới. Đại sứ Pháp tại UNESCO, bà Catherine Colonna cho biết: “Người Pháp thích tụ tập ăn uống và hưởng thụ những quãng thời gian tốt đẹp. Đó là một phần trong truyền thống của chúng tôi”.
 
Pháp là một đất nước có nghệ thuật ẩm thực tinh tế và phong phú. Người Pháp rất sành ăn và xem trọng chuyện ăn uống. Ẩm thực Pháp nổi tiếng bởi rượu vang, phó mát và các món ăn như ốc sên hay gan ngỗng béo. Mỗi vùng đều có những nét độc đáo rất riêng. Riêng Paris còn rất nổi tiếng với cà phê và các quán cà phê; cà phê ở đây đa dạng về chủng loại cũng như hình thức phục vụ. Café de Flore là một quán cà phê nổi tiếng ở Paris, mở cửa từ năm 1887. Trong suốt thế kỷ 20, Café de Flore từng là điểm đến của rất nhiều nhân vật nổi tiếng, cả những chính khách như Trotsky, Chu Ân Lai cho tới các nghệ sĩ như Jean-Paul Sartre, Picasso, Yves Saint Laurent, Ernest Hemingway... Một trong những món đồ uống ưa thích của người Pháp là Café au lait, cà phê sữa pha theo kiểu Pháp. Café au lait được đựng trong một cái tách lớn được gọi là bol, được dùng trong bữa sáng và thường không tìm thấy ở các quán cà phê.
 
Maxim’s là một nhà hàng danh tiếng ở Paris, nằm rất gần nhà thờ Madeleine và Quảng trường Concorde. Nhà hàng Maxim’s do Maxime Gaillard, một bồi bàn, mở năm 1893. Bắt đầu là một quán rượu nhỏ, Maxim’s đã trở thành một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Paris. Với sự thúc đẩy của diễn viên sân khấu Irma de Montigny, người đã lôi kéo những khách hàng thượng lưu và sang trọng, Maxim’s trở thành điểm hẹn ưa thích của giới quý tộc Paris trong thời kỳ Belle Époque. Trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã, Maxim’s trở thành nhà hàng đặc quyền ưu đãi cho các sĩ quan Đức. Trong những năm 1950 đến 1970, Maxim’s trở nên một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất thế giới và cũng là một trong những nhà hàng đắt nhất. Vào tháng 7 năm 1979, nơi đây ghi nhận là công trình lịch sử Pháp. Năm 1980, Maxim’s thuộc về Pierre Cardin. Ông này đã nâng Maxim’s lên tầm quốc tế, thay đổi ba tầng của tòa nhà thành một bảo tàng Tân nghệ thuật với rất nhiều buổi biểu diễn, dạ hội cho giới trẻ. Hiện nay Maxim’s phát triển thành một hệ thống quốc tế với các nhà hàng ở Monte-Carlo, Bắc Kinh, Genève, Tokyo, Thượng Hải và Bruxelles.
 
Nhắc đến nước Pháp không thể quên món rượu sâm panh, một dạng vang nổ được đặt tên theo khu vực Champagne của Pháp. Vùng đất vốn chịu sự biến động của thời tiết hết sức khắc nghiệt kéo theo sự thất thường của những vụ nho, khi thì bội thu, lúc lại hết sức khan hiếm. Nhưng chính sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây đã tạo nên những trái nho có hương vị đặc biệt thơm ngon. Chỉ có rượu vang sản sinh trên vùng đất Champagne mới được gọi là rượu sâm panh, và nhãn mác tên rượu đã được chính phủ Pháp bảo hộ. Nhằm giữ được hương vị, chất lượng của rượu sâm panh, chính phủ Pháp cũng quy định rất nghiêm ngặt các loại nho được phép trồng trên vùng đất này, và việc chăm sóc nho, phương pháp làm rượu, thời gian cất giữ rượu, ranh giới vùng trồng nho cũng được kiểm soát nghiêm ngặt. Sâm panh giống như cognac, chủ yếu gồm ba loại chính: Brut (rượu chua, thường dùng khai vị); Demi-sec (hơi chua, dùng khai vị hoặc dùng suốt bữa ăn, uống ban ngày) và Champagne ngọt (uống kèm lúc ăn tráng miệng hoặc uống sau bữa ăn).
 
Ẩm thực Pháp không thể thiếu vai trò của bánh mì. Ổ bánh mì Pháp thường rộng 5–6 cm và cao 3-4 cm, nhưng dài tới một mét. Nó thường nặng chỉ 250 gam. Những ổ bánh mì Pháp ngắn thường dùng làm bánh kẹp. Bánh mì Pháp thường được cắt đôi và quét pa tê hay phó mát. Trong buổi sáng Pháp truyền thống, những miếng bánh mì được quét mứt và ngâm vào bát cà phê hay chocolate nóng. Ở Pháp có mấy loại bánh mì gồm baguette (vì nó dài như một cái đũa), nhỏ hơn thì có loại flte và mỏng hơn có tên ficelle. Luật thực phẩm Pháp định nghĩa bánh mì là sản phẩm chỉ có bốn thành phần: nước, bột mì, men, và muối thường. Nếu thêm những thành phần khác vào công thức cơ bản thì phải dùng tên khác cho sản phẩm.
 
Ở Pháp, vào dịp Noel và đầu năm người ta thường ăn món gan béo. Đây là món ăn đặc sản của Pháp làm từ gan ngỗng hay vịt. Ngỗng được nuôi bằng cách bị buộc nhồi nhét ăn uống hạt bắp khô quá mức để có bộ gan to và chế biến thành món pa tê. Gan béo có thể ăn cùng với bánh mì nướng, và có thể đi chung với một dạng mức ngọt như mứt trái sung, hoặc táo áp chảo, và thường thì đi chung với các loại rượu trắng ngọt (vin blanc liquoreux) như rượu Sauternes. Người Pháp tự hào món gan béo là một trong những tinh hoa ẩm thực trên thế giới. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ quyền động vật xem việc sản xuất món gan này là tàn nhẫn do cách thức buộc vịt, ngỗng ăn và ảnh hưởng xấu lên sức khỏe vịt, ngỗng do có bộ gan quá cỡ.
 
KHÁNH NGỌC (tổng hợp)
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.