Phông chữ

Khỏi cần làm thống kê cũng biết nhiều người ở xứ mình hễ ngồi vào bàn ăn là nhớ đến tô canh chua.


Không chỉ ngon đến độ ăn mỗi ngày vẫn không chán mà vì dưới góc nhìn của thầy thuốc, canh chua đúng là bài thuốc với công năng đa dạng bởi bên cạnh tác dụng cộng hưởng của nhiều thành phần có tác dụng kháng ôxy hóa như cà chua, thơm, giá, rau ôm, đậu bắp, ngò gai, hành lá, ớt ... thì còn thường có sự góp mặt của bạc hà.
 
Tuy lá và vỏ bọc bạc hà có chứa chất dễ sinh dị ứng và sinh sạn trên đường tiết niệu nhưng khi nằm gọn trong tô canh chua thì bạc hà lại phát huy nhiều tác dụng dược lý. Bạc hà chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường.
 
Chỉ cần 100 g bạc hà mỗi ngày thì khung ruột già đã có đủ chất xơ để hoạt động nhẹ nhàng giúp gia chủ bớt nhăn nhó vào giờ... cao điểm. Trong y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda, bạc hà gọt sạch vỏ rồi xay nhuyễn với nước cốt một trái chanh tươi và một muỗng canh mật ong là món thuốc nhuận trường phổ biến.
 
Cũng nhờ tác dụng nhuận trường, bạc hà kéo theo chất béo trong thức ăn và gián tiếp hạ mỡ trong máu. Các nhà nghiên cứu ở Canada đã chứng minh bạc hà làm giảm triglyceride và LDL nên hữu ích để ngăn chặn hiện tượng xơ vữa mạch máu và lão hóa tế bào.
 
Chuyên gia ngành ung bướu ở ĐH Mainz (Đức) đã không ngần ngại xếp bạc hà vào nhóm thực phẩm có khả năng phòng ngừa ung thư. Tác dụng này được hỗ trợ tích cực bởi sinh tố C có rất nhiều trong bạc hà.
 
Thêm một điểm gây phấn khởi cho các bà, các cô ở chỗ bạc hà không chỉ là món ăn chống cảm cúm mà còn là nhân tố giữ da lâu già nhờ hưng phấn quy trình tổng hợp sợi keo và sợi đàn hồi dưới da.
 
Nhưng nếu vì thế mà vội vàng khen canh chua bạc hà là món ăn tuyệt hảo thì có phần quá đáng. Vì hàm lượng oxalate khá cao trong bạc hà nên những người đã vướng ít viên sỏi đâu đó trên đường tiết niệu hay có cơ tạng dễ sinh sạn thận thì không nên mạnh miệng với nó.
 
Cũng như thế, đối tượng của chứng thống phong (bệnh gút) do sạn đóng trong khớp nên nhớ là nhiều người tuy uống thuốc đều đặn, kiêng rượu thịt... nhưng vẫn đau điếng từng cơn chẳng qua vì không giảm món canh chua trong suốt thời gian điều trị.
 
Cũng đừng vì chất mà quên vị. Người ghiền canh chua theo kiểu canh càng chua hậu càng ngọt nên bấm bụng chọn món khác mỗi khi bao tử lên cơn đau.


Canh chua đúng là ngon miệng với hầu hết mọi người nhưng không phải vì thế mà mọi người đều nên ăn.


Bác sĩ Lương Lễ Hoàng