Phông chữ

Những ngày này cả miền Trung quê tôi lại oằn mình chống lũ. Nhìn trời vần vũ, mưa tuôn trắng trời, những căn nhà ngả nghiêng trong gió bão, những con sông đầy ăm ắp nước, những kỷ niệm thuở ấu thơ lại ùa về với hình ảnh món cá bống mủ kho tộ cay xè của ba tôi.

 

Chúng tôi lớn lên bên vùng quê ven con sông Bồ, vùng đất hiền hòa luôn rợp mát bóng tre của cố đô Huế. Mẹ tôi bị hậu sản sau khi sinh em út nên sức khỏe rất kém, một tay ba tôi phải chèo lái nuôi vợ và năm đứa con gái lít nhít. Với không ít gia đình thuần nông quê tôi, sinh toàn con gái như mẹ sẽ bị hắt hủi và các chị em tôi cũng sẽ “vạ lây”. Nhưng với ba tôi, chị em tôi và người mẹ ốm yếu của chúng tôi lại chính là cuộc sống của ông.

Ông quần quật làm việc và không cho bất kỳ đứa con gái nào trong nhà mó tay vào việc đồng áng, sợ công việc nhà nông sẽ làm hỏng đi bàn tay xinh xắn "các cô công chúa" của ông. Ba thay mẹ làm tất cả mọi việc trong nhà và dĩ nhiên cả chuyện nấu ăn cho chị em chúng tôi.

Giữa vùng quê thuần nông, ba tôi quần quật quanh năm suốt tháng ngoài đồng cũng chỉ đủ cho gia đình chúng tôi không đứt bữa, chứ bữa ăn của chị em tôi thường chỉ toàn rau với cơm độn sắn khô. Vào mùa nước nổi, khi những đợt lũ liên tục tràn về, khắp các cánh đồng bàng bạc một màu vàng đục ngầu cũng là lúc ba tôi “chuyển nghề” trở thành anh đánh dậm kiếm con tôm, con cá cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Mùa nước nổi là mùa cá bống mủ với những bụng trứng căng tròn tràn vào bờ, và đó cũng là mùa chị em chúng tôi có những bữa ăn ngon lành với món cá bống mủ kho tộ cay xè. Với loại cá này ba tôi không dùng dậm để đánh bắt mà thường làm những cái bổi lớn đặt ven sông Bồ hay các hói trong vùng.

Bổi bắt cá bống mủ là các loại cây có cành nhỏ, nhiều lá như chè tàu, dương liễu... bó lại thành một bó lớn. Thường cứ 1-2 ngày ba tôi lại đến xem cá bị mắc trong từng bổi và lấy nó ra khỏi dòng nước, giũ thật mạnh để những con cá bống mủ với những chiếc bụng trứng lặc lè rơi vào chiếc rổ tre bên dưới.

Ba thường đem một ít ra chợ gửi các chị hàng cá trong xóm nhờ bán giúp, còn một ít để lại cho chị em tôi.

Cá bống mủ kho 

Những con cá bống mủ được ba cho vào rá tre nhỏ, bỏ một ít muối và xoa đều, ba bảo xoa quá mạnh sẽ làm bung hết bụng trứng căng tròn của cá. Muối và động tác xoa của đôi tay sẽ làm cá sạch vảy, hết nhớt. Cá sau đó được rửa thật sạch, nêm gia vị để khoảng 1 giờ cho thấm và mình cá cứng lại mới đem kho.

Để hết mùi tanh của cá, khi ướp cá ba thường cho rất nhiều ớt, nhất là ớt trái và phải thắng nước hàng (cho nước mắm, xì dầu, đường vào đun sôi đến khi nước quyện một màu vàng ươm là được) để cá có màu đẹp và khử được mùi tanh. Ba thường kho cá trong tộ đất để cá có mùi thơm hơn. Cá bống mủ kho tộ của ba mở ra thơm lừng, nồng nàn mùi cay của tiêu, ớt, những con cá săn chắc, vàng ươm.

Lũ “vịt giời” của ba ngày xưa giờ đã trưởng thành và có thể giúp đỡ được gia đình. Mẹ cũng khỏe hơn nhiều, ba thì chấm dứt vai trò kiêm nhiệm người phụ nữ trong gia đình. Chúng tôi đứa bám trụ thành phố vì công việc, đứa lấy chồng phương xa, đứa đi học tận miền Nam xa xôi, nhưng đi đâu món cá kho tộ mùa nước nổi của ba vẫn ươm nồng tình thương, kéo chúng tôi về với quê nhà, quây quần bên những bữa ăn ấm cúng của gia đình.