Phông chữ

Ngày Tết là những ngày có đầy đủ các yếu tố làm cho cơn đau dạ dày có điều kiện thuận lợi phát sinh nếu người bệnh không thực hiện các chế độ ăn uống và sinh hoạt chặt chẽ. Mâm cỗ Tết thường có nhiều món ăn thịnh soạn, nhiều mỡ, nhiều thịt, tạo gánh nặng cho tiêu hóa. Ngày Tết nhiều người lại ăn không đúng giờ, không thành bữa.

Thức ăn phần nhiều là những thứ dự trữ để lâu như bánh chưng, bánh nếp, chè kho, giò chả, nem chạo... không thích hợp với người bệnh dạ dày.

Thời tiết giá rét trong những ngày cuối đông đầu xuân cũng là nguyên nhân thuận lợi làm cơn đau dạ dày phát triển (theo thống kê có tới trên 70% người loét dạ dày có cơn đau trong mùa rét). Rượu, chè đặc, thuốc lá, cà phê... cũng đóng góp một phần quan trọng làm cơn đau dạ dày trở lại.

Để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết, người bị loét dạ dày - tá tràng cần chú ý:

- Ăn uống điều độ, ăn đúng giờ và ăn thành bữa để dạ dày có lúc nghỉ ngơi. Nên ăn ít các thức ăn xào, rán khó tiêu, các loại thịt quay, thịt muối, nước luộc thịt, các món sốt có nhiều gia vị, dưa, cà, hành muối, các quả chua, chuối tiêu.

- Tránh các chất kích thích, làm tăng bài tiết dịch vị. Kiêng các loại rượu, bia, thuốc lá, trà đặc, cà phê. Không ăn nhiều gia vị chua, cay, nóng như giấm, chanh, ớt, hạt tiêu...

- Tránh ăn những thức ăn có mảnh sắc, cứng như xương băm, sụn, tôm, cua, cá rán... những thức ăn dai cứng...

- Tránh ăn quá nóng và quá lạnh, vì ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày sung huyết, lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn dễ gây đau, có khi chảy máu. Dù vui mấy cũng không nên ăn quá no vì làm dạ dày căng to, co bóp yếu, ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn tiêu hoá thức ăn.

- Sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, không vui chơi quá độ để ảnh hưởng đến sức khoẻ.

- Chú ý phòng chống lạnh tốt, mặc đủ ấm, ngủ ấm, không để cơ thể bị nhiễm lạnh.