Phông chữ
Lies Hebbadj và một trong các bà vợ của anh ta. Ảnh: LE NOUVEL OBSERVATEURĐa thê đang trở thành vấn nạn ở Pháp và một số nước châu Âu khác

Chiếc khăn choàng trùm kín mặt của người Hồi giáo nhập cư ở Pháp đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, một truyền thống gây tranh cãi khác của họ ít được lưu ý nhưng lại phổ biến hơn: Đó là nạn đa thê.


Lấy nhiều vợ để hưởng lợi


Vấn đề trên được nêu lên vào cuối tháng 4 vừa qua sau khi một phụ nữ phải ra toà ở thành phố Nantes vì lái xe khi trùm kín mặt. Sau đó, chồng chị, Lies Hebbadj, bị cáo buộc có ít nhất 3 người vợ và người ta cho rằng anh ta có thể hưởng lợi về mặt tài chính khi nhà nước chi trả vụ kiện này.


Theo hãng tin AP, đa thê là một trong các vấn đề mà Pháp và các nước châu Âu khác phải đối mặt khi người nhập cư mang theo các tập quán trái ngược với luật pháp của lục địa này. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng nạn đa thê ở Pháp cũng có thể liên quan đến gian lận: Người chồng bỏ túi số tiền an sinh xã hội mà nhà nước chi cho một trong các bà vợ của anh ta.

Ông Jean-Marie Ballo, nhà sáng lập một hiệp hội chuyên giúp phụ nữ thoát khỏi tình cảnh chồng chung, khẳng định: “Những người đàn ông này lấy nhiều vợ chỉ vì điều đó”. Ông Ballo còn biết rõ nhiều trường hợp giấy tờ của người vợ hợp pháp được sử dụng cho người vợ thứ hai chữa bệnh tại bệnh viện.


Thật khó biết chính xác bao nhiêu gia đình đa thê sống ở Pháp bởi người ta giữ bí mật chuyện này. Nhưng năm 2006, Uỷ ban Tư vấn về nhân quyền đã ước tính tối thiểu có 16.000-20.000 gia đình đa thê ở Pháp.


Trước đây, trong nhiều thập kỷ, đa thê là hợp pháp ở Pháp vì người nhập cư đến từ khoảng 50 nước đặt ra yêu cầu hợp pháp hoá vấn đề này. Thế nhưng, vào năm 1993, Pháp đã cấm tình trạng đa thê.


Mất tên tuổi


Tâm trạng chung của những phụ nữ sống trong cảnh chồng chung ở Pháp là lo sợ bị bắt cùng với cảm giác xấu hổ. Ngoài ra, một bản báo cáo về nhân quyền cho thấy nhiều người vợ và trẻ em có thể bị mất tên tuổi.

Theo đó, một phụ nữ người Mali đến Pháp năm 1981 lúc 14 tuổi với cương vị là người vợ thứ hai nhưng chị sử dụng giấy tờ của người vợ thứ nhất đã bị chồng gửi trả về quê. Chị đã có 3 con dưới một danh tính mới. Nhưng rồi chị đã bỏ trốn khi người vợ thứ ba đến. Chị không thể khôi phục tên tuổi thật của mình và cho con cái. Trên thực tế, chị không còn tồn tại.


Một số nước khác ở châu Âu cũng phải đấu tranh với tình trạng đa thê. Những người bị kết án sống trong cảnh đa thê ở châu Âu sẽ bị phạt tiền và tù giam, một số trường hợp bị tù đến 7 năm. Riêng ở Pháp, kết hôn với nhiều hơn một người sẽ bị phạt tù 1 năm và nộp phạt 45.000 euro.


Tuy nhiên, bà Carina Hagg, một nghị sĩ Thuỵ Điển, cảnh báo về quan điểm lẫn lộn giữa đa thê và văn hoá. Bà nói: “Phải cẩn thận để không coi đó là một vấn đề về sắc tộc. Về căn bản, đó là một vấn đề về quyền của phụ nữ”.


Thực tế ở châu Âu hiện nay, nhiều trẻ em sống trong những căn hộ nhỏ với hai người mẹ. Họ thay phiên nhau sử dụng nhà bếp, phòng tắm và chia nhau chỗ ngủ. Ông Ballo cho biết ông đã giúp “tách hộ” 12 gia đình với 26 bà vợ và 145 đứa con ở Les Ulis, miền Nam Paris.