Phông chữ

Hàng chục ngàn người Tây Ban Nha đang đổ xô đến Đức tìm công ăn việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha (TBN) hiện đang ở mức cao, khoảng 23%. Điều đó khiến nhiều người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ, rời bỏ đất nước để tìm việc ở một nơi khác. Một điểm đến được ưa thích là nước Đức, nơi tỉ lệ thất nghiệp dưới 7%.

Rào cản ngôn ngữ

Trong số những người đến Đức có Jose Sandino và Juan Alberto Fuente. Họ là những kỹ sư công nghiệp ở độ tuổi 30 với hơn 10 năm kinh nghiệm. Thế nhưng, khủng hoảng kinh tế ở TBN đã khiến họ bị thất nghiệp và nay biến họ thành những người di cư. Ở Đức, họ chẳng quen biết ai ngoài người bạn đồng hành của mình. Họ gặp nhau trong một khóa tiếng Đức ở Malaga. Fuente kể: “Tôi gửi đi cả xấp hồ sơ xin việc ở trong nước nhưng chẳng ai gọi phỏng vấn cả, vậy là tôi phải ra đi thôi”.

Hai kỹ sư Juan Alberto Fuente và Jose Sandino lúc mới đến München, Đức. Ảnh: THE WORLD

Hai chàng thanh niên TBN nói rằng trong 2 tuần đầu tiên ở Đức, các công ty Đức rất ấn tượng với hồ sơ của 2 người. Thế nhưng, họ bảo 2 anh gọi lại cho họ khi nói được tiếng Đức. Vậy là Fuente và Sandino gấp rút lao vào học ngôn ngữ này.

Cristina Rico là một người TBN cư ngụ lâu năm ở München. Bà nói những người không chuẩn bị trước thường thất bại: “Nhiều người TBN có ý định tìm việc làm ở Đức. Thế nhưng, tôi đã chứng kiến cảnh những người đã trở về quê nhà ngay sau khi đến đây. Họ có mấy bằng đại học nhưng không biết nói tiếng Anh hoặc tiếng Đức”.

Cần huấn luyện chuyên biệt

Bà Rico cho biết trong năm qua, thông qua trang Facebook, bà nhận được rất nhiều email từ những người TBN thất nghiệp hỏi về nước Đức. Họ thắc mắc về công ăn việc làm, nhà ở, chuyện chăm sóc y tế, khóa học tiếng Đức và văn bằng. Bà Rico nhấn mạnh ở Đức, ngay cả các việc làm không đòi hỏi chuyên môn vẫn yêu cầu chứng chỉ đào tạo. Chẳng hạn, để làm việc ở một cửa hàng chăm sóc thú cưng, người lao động vẫn phải cho thấy họ đã được huấn luyện chuyên biệt để làm công việc đó.

Nhà kinh tế Mỹ Marten Olsen, chuyên nghiên cứu tình trạng thất nghiệp tại châu Âu, nhận định giá thuê mướn nhân công ở TBN đã tăng 24% trong mấy năm nay vì tiền lương và lợi tức tăng lên trong lúc năng suất lao động không tăng. Ở Đức, tình hình trái ngược hẳn.

Ông Olsen thừa nhận: “Năng suất của công nhân TBN tăng hơn chút ít nhưng mức bù đắp vào tiền lương đã tăng lên nhiều. Người Đức làm việc năng suất cao hơn nhiều nhưng tiền lương chỉ tăng chút ít”. Theo ông, kết quả là giá thuê mướn nhân công ở Đức thấp hơn so với ở TBN.

Ông Olsen cũng cho rằng lẽ ra ngày trước TBN đã giảm giá đồng tiền peseta của mình để đạt khả năng cạnh tranh cao. Nếu được như vậy, tình trạng lao động TBN di cư đã không xảy ra như bây giờ. Thế nhưng, giờ đây vì TBN là một thành viên của khu vực đồng euro, phương án đó đã không còn được tính đến.

  • NGÔ SINH, NLD