Phông chữ

Nhớ cái Tết đầu tiên Hồng Nhung ở tại Frankfurt khi hai vợ chồng chuyển hẳn về Đức sinh sống. Giống như nhiều nước khác, người dân ở Đức chỉ chào đón năm mới theo lịch dương, nên khi sắp đến Tết Nguyên Đán, Hồng Nhung không khỏi những bồi hồi xúc động.

Những người Việt ở Đức có buổi họp mặt thường xuyên để cùng nhau chia sẻ ngày lễ lớn của dân tộc, nhưng Hồng Nhung chưa có dịp được quen biết và gặp gỡ nhiều người Việt tại đây. Hơn thế nữa, cô muốn được cùng chia sẻ khoảng thời gian ấy với gia đình nhỏ của mình.

Gia đình của Hồng Nhung và anh Stefan năm ấy còn có sự góp mặt của cậu con trai nhỏ Max, cậu bé lần đầu tiên được đón năm mới đầu đời của mình và mẹ chồng của Hồng Nhung. Bà đã 70 tuổi nhưng vô cùng vui vẻ và tâm lý.

Gia đình nhỏ của Hồng Nhung - Stefan

Hơn thế nữa, bà rất thích Việt Nam và văn hoá của đất nước con dâu mình đã sinh ra và lớn lên. Chính vì thế, Hồng Nhung càng muốn làm một điều gì đó để cho các thành viên trong gia đình biết về Tết Nguyên Đán của Việt Nam.

Sau nhiều lựa chọn, cô quyết định sẽ mang lại không khí Tết cho gia đình nhỏ của mình bằng một cành đào, một thức không thể thiếu trong gia đình cô tại Việt Nam mỗi khi xuân về.

Nhớ ngày còn đi học mình đã từng làm thủ công bằng những bông hoa đào bằng giấy, Hồng Nhung đã tự nhủ: Tại sao mình không làm một cành đào bằng giấy nhỉ? Mặc dù thời gian đã trôi qua quá lâu và cô cũng chẳng nhớ cách làm hoa đào ngày còn bé của mình nhưng khi biết ý tưởng của con dâu, mẹ chồng Hồng Nhung tỏ ra rất thích thú và còn háo hức hơn cả con dâu mình.

Thế là cả nhà kéo nhau cùng làm nên một không khí Tết trong gia đình. Làm hoa đào thủ công thì không khó, nhưng để có một cành đào giống thật không phải chuyện dễ. May sao trong vườn nhà Nhung có một cây đào giống Đức nên thân của nó cũng khá giống với cành đào của Việt Nam.

Cô tìm chọn lấy một vài cành khô nhỏ đủ vừa cắm một lọ nhỏ trong phòng còn mẹ chồng cô lấy ra cuộn giấy gói quà màu đỏ của bà để làm bông hoa. Hoa đào của Nhung làm cũng có cánh, có nhị. Cô tìm cách cắt sao cho giống bông hoa đào thật nhất để không chỉ làm được một cành đào đẹp mà còn để mẹ chồng mình biết được bông hoa đào của Việt Nam.

Sau khi nhìn một vài cánh đào con dâu làm, mẹ chồng cô cũng xắn tay áo vào cuộc và chẳng bao lâu bà cũng làm được những bông hoa đào giấy một cách thuần thục.

Thấy hai mẹ con hí hoáy chuẩn bị cành đào Tết, anh Stefan cũng không chịu “thua kém” bằng cách đi mua một chiếc lọ thân tròn cổ dài màu đen về để dành cho việc cắm hoa. Không những thế anh còn trổ tài vẽ sơn mài lên lọ cho “có thêm sinh khí”.

Anh vốn là dân kỹ thuật, nhìn thấy chồng mình chăm chú trang trí cho lọ hoa, Hồng Nhung không khỏi vừa buồn cười vừa hạnh phúc. Tất cả mọi người trong gia đình đều tham gia vào công việc. Cô nhận ra chính điều đó là mới là cái Tết thực sự mà gia đình mới của mình đang mang lại.

Mùa đông ở Đức tuyết phủ trắng xoá, ngày rất ngắn và đêm rất dài. Cậu bé Max lúc ấy mới được vài tháng tuổi, được mẹ đặt ngồi cạnh cành hoa đào ngày Tết hớn hở vui cười. Không biết cậu có hiểu rằng trong lòng mẹ mình đang rất ấm áp.

Thật kỳ lạ có cành đào giấy đỏ phai trong nhà vừa khiến cho Hồng Nhung nhớ Việt Nam thêm da diết, lại vừa khiến cô hạnh phúc tràn đầy. Bước chân từ con đường phủ đầy tuyết vào ngôi nhà ấm cúng, họ hoa đào giấy như mang lại một ngọn lửa ấm áp toả sáng.

Trên ấy, Hồng Nhung không quên làm hình một ngôi nhà nhỏ treo lên cây đào để cầu chúc cho một năm mới mạnh khoẻ, tốt lành cho những người thân yêu nhất của cô tại nơi đây và gia đình mình tại Việt Nam.

  • Theo Phunutoday