Phông chữ

Có đến lần thứ 20 tính từ đầu năm, ông Thành lại quậy vào lúc nửa đêm, chỉ vì "chẳng lẽ tôi sai một lần mà bà không tha thứ".

Từ chai sạn...

Tôi không nghe rõ ông nói gì nhưng có một câu cứ được lặp đi lặp lại: “Chẳng lẽ tôi sai một lần mà bà không tha thứ”. Thế mà bà Lan, vợ ông, chẳng đáp lại lời nào. Bốn năm trước, mỗi lần phát hiện ông tòm tem bên ngoài, bà đều ghen đến mất ăn mất ngủ, chén bát trong nhà lại thi nhau loảng xoảng nhưng chừng một năm nay thì bà chẳng màng.

Bà Lan kể: “17 năm sống bên chồng, tôi rất chân thành và chưa một lần nghĩ có ngày mỗi người một giường nhưng cùng với những lần ổng ra ngoài hú hí với người tình, tình cảm trong tôi dần bị bào mòn. Ổng cứ bảo chỉ là chuyện “chán cơm thèm phở” nhưng… thèm phở hoài, cam chịu như tôi cũng chịu không nổi. Tôi đã chai dần theo những khổ đau, uất hận và ghen tức. Giờ vợ chồng chỉ còn chữ nghĩa. Tôi không ghen mà cũng chẳng còn cảm xúc gì về chuyện của ổng. Không chiều chuộng, không chăm sóc, không nói chuyện và cũng chẳng chăn gối với người mà mình mất lửa yêu thương”.

Nghe bà Lan tâm sự, nhiều người vợ không tin, cứ cho là bà nén cảm xúc vì sĩ diện nhưng với tôi, hàng xóm lâu năm thường xuyên bị cái sự “quậy” của ông Thành đánh thức khi đang say giấc nồng lúc nửa đêm, mới hiểu đó là sự thật.

Còn ông Thành, sau những cuộc ngao du cùng “phở” đã quay về với gia đình nhưng đã quá muộn. Ông không còn có những bữa cơm đầy ắp tình cảm cùng vợ con hay những ly nước chanh mỗi khi say rượu được vợ mang đến tận giường… mà thay vào đó là không gian im ắng lạ thường. Các con cũng chán cảnh ông bà “chĩa” nhau nên không buồn nói chuyện, mỗi đứa một góc riêng tư. Ông cô đơn nên sinh ra hay than vãn rồi chửi mắng vợ con. Chửi xong, ông lại khóc. Lúc tỉnh táo, ông năn nỉ vợ tha thứ, nhưng khổ nỗi, trái tim bà Lan đã chai rồi!

... đến vỡ tan

Còn với Thi, bạn tôi ở quận Tân Bình, mới qua tuổi đôi mươi nhưng đã chịu không ít phiền muộn vì ba mẹ. Dù 7 tháng đã trôi qua nhưng sự việc vẫn chưa hoá giải được. Những dòng tâm sự trên blog của Thi vẫn u buồn bởi không khí ngột ngạt trong gia đình. Thi kể: “Sau lần bắt quả tang ba ngoại tình, mẹ không cho ba ra ngoài buôn bán, mẹ kiểm soát gắt gao điện thoại và tài chính của ba. Tối tối, mẹ khóc một mình, rồi trách móc ba. Ba quỳ sụp năn nỉ mẹ tha thứ nhưng mẹ chỉ lặng lẽ khóc”. Đêm nào Thi cũng nghe tiếng chì chiết lẫn trong tiếng nấc của mẹ, lời thì thầm xen kẽ tiếng thở dài tuyệt vọng của ba. Ba mẹ Thi đang cố giải quyết vấn đề nhưng xem ra mẹ Thi chưa thể tha thứ cho chồng.

Ba của Thi vốn yếu đuối, không chịu đựng nổi không khí ngột ngạt, căng thẳng đang diễn ra trong gia đình. Đỉnh điểm của sự bức bối ấy là việc ba Thi bảo cần đi xa để quên mọi chuyện và để giúp mẹ Thi nguôi ngoai. Các con cũng thương ba, nhiều lần cố thuyết phục mẹ tha thứ cho ba, thậm chí là doạ tự tử, doạ bỏ nhà đi nhưng đều thất bại! Cuối cùng, ba của Thi về quê sống nhờ ở nhà của một người bà con xa để các con yên lòng.

Không may mắn có người cha biết hối lỗi như Thi, sự ngoại tình của ba Tuấn (quận Tân Phú) đã khiến gia đình rạn vỡ, thế mà ông cứ quậy và đánh đập vợ con vô cớ. Từ năm 14 đến 17 tuổi, cái tuổi lẽ ra rất hồn nhiên của Tuấn phải luôn chứng kiến cảnh ba mẹ chửi nhau bằng những lời thô tục nhất!

Sợ. Buồn. Chán. Tuấn rút mình vào trong câm lặng. Có lần ba đánh mẹ, Tuấn chạy ra can đã bị ba tát vào mặt. Từ đó, Tuấn lầm lì, không nói gì với ba và trong mắt ba, Tuấn trở thành đứa con mất dạy. Mất lòng tin vào ba mẹ và sự âm ỉ của uất nghẹn khiến Tuấn giờ đây trở thành một con người khác hẳn, ăn nói cộc lốc, tính khí thất thường, dễ cáu gắt… Giờ đây, gia đình Tuấn đã tan đàn xẻ nghé, ba mẹ đã ly dị, mỗi người một nơi nhưng vết thương lòng đã cứa quá sâu vào trái tim mới lớn của Tuấn…