Phông chữ

Sống ở xứ người, bên cạnh những cô dâu Việt được sống yên ấm, vẫn còn nhiều người truân chuyên và những bi kịch đã đến với họ.

 

Nhiều cô gái Việt, xuất phát từ tình yêu đôi lứa, đã kết hôn với những ông chồng Tây; song cũng không ít người, vì ham muốn nhiều tiền, nhiều của, thực hiện ước mơ đổi đời, thích lấy chồng ngoại quốc. Khi đã đánh đổi, tưởng đời mình sẽ được an nhàn hạnh phúc, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn nhưng cuộc đời có ai học được chữ “ngờ”.

Mất con, còn vướng vào vòng lao lý

Lý Hương và Tony Lam kết hôn vào năm 2001. Tại New York (Mỹ), Lý Hương là một nhân viên trong tiệm bánh pizzeria của chồng, phụ trách phần thu ngân. Hôm qua (16/12), sau ba ngày xét xử, Toà án Liên bang Brooklyn (Mỹ) đã tuyên án em gái của nam diễn viên Lý Hùng là Lý Hương tội bắt cóc trẻ con, mà nạn nhân chính là con gái ruột của mình - Princess Lam. Hội thẩm đoàn đã bác bỏ lời khai của Lý Hương cho rằng, cô mang con về Hà Nội năm 2005 để chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân đầy ngược đãi và lạm dụng với chồng, ông Tony Lam.

Luật sư bào chữa của Lý Hương, ông Edward Kratt tuyên bố sẽ kháng án vì với bản án hiện nay, Lý Hương có thể phải ngồi tù tối đa 3 năm. Lý Hương kể: “Mọi thứ trở nên tồi tệ khi Lam bắt đầu tỏ ra bê tha. Lam đã đưa cả gái mại dâm vào phòng ngủ của chúng tôi và nói rằng: Tôi có thể học hỏi từ họ”. Và sau nhiều mâu thuẫn, không chịu đựng nổi cuộc sống hôn nhân, cô đã gửi đơn ly hôn tại Mỹ. Vào thời gian đó, ông Tony Lam đã yêu cầu luật pháp Mỹ ra án lệnh tạm thời đối với việc nuôi dưỡng con chung của cả hai. Theo đó, quyền nuôi con thuộc về người có quốc tịch Mỹ, tức Tony Lam. Nhưng năm 2005, Lý Hương quyết định bỏ chồng và mang cô con gái 4 tuổi Princess Lam quay về Việt Nam. Năm 2008, khi quay lại Mỹ du lịch, cô bị Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt giữ tại sân bay Los Angeles và quản chế từ đó đến nay để phục vụ việc xét xử.

Trong khi đó, cuộc hôn nhân bắt nguồn từ một tình yêu đẹp giữa Huỳnh Ngọc Bích Châu và Mikael Knussen (người Đan Mạch) lại kết thúc bằng những trận đòn của Mikael dành cho vợ, khiến tháng 4/2001, cảnh sát Đan Mạch đã phải can thiệp đưa Bích Châu đến bệnh viện xác định thương tật và để có cơ sở truy tố anh chồng bạo hành ra toà. Trước đó, ngày 28/2/2000, tại Montreal, cảnh sát đã bắt giữ Mikael về tội đánh vợ trên đất nước Canada. Bố mẹ và em trai Mikael cũng nhiều lần khuyên nhủ cảnh báo về hành vi thiếu nhân tính của Mikael, song, anh ta bất chấp tất cả, đến mức bậc sinh thành phải viết đơn từ chối đứa con đã tha hoá về đạo đức… Còn Bích Châu, bất bình trước cảnh bị hành hạ thân xác, thương tổn về tinh thần, đã quyết định đem con trở về Việt Nam sinh sống. Song, Mikael đã cố tình giữ hộ chiếu của con gái để nuôi ý định bắt con về Đan Mạch.

Nghiệt ngã ‘bỏ mạng’ nơi đất người

Đó là trường hợp của cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc (20 tuổi, trú ấp Thới Hoà B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã bị người chồng có vấn đề về tâm thần, tên Jang (ở Busan) sát hại sau khi đến Hàn Quốc chưa đầy 10 ngày.  Bà Trương Thị Út, mẹ của Ngọc, đã nén đau thương sang nơi đất khách để đưa con về nhưng nỗi đau của bà như vỡ oà khi nhìn thấy thi thể đầy thương tích của con gái. Bà Út và ông Sang, bố của nạn nhân, không thể ngờ làm dâu nơi xứ người, cô con gái xinh đẹp lại có một kết cục bi thảm như vậy.  Hiện, toà án Busan tuyên phạt Jang 12 năm tù; đồng thời phải điều trị bệnh tâm thần trong tù và đeo một thiết bị điện để kiểm soát trong vòng 10 năm sau khi ra tù.

Trước đó, đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) phát một bản tin về cái chết đáng thương của cô dâu Việt Lê Thị Kim Đồng (quê ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), đang mang thai, đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30/4/2007, sau cuộc đào thoát bất thành từ nhà chồng trước đó 5 ngày. Theo phía đinh đình Đồng, sau khi qua Hàn Quốc, bi kịch dồn dập đến, như: bị chồng nhốt trong nhà không cho ra ngoài, đánh đập tàn nhẫn và bắt “phục vụ” suốt đêm không cho ngủ khiến cô hoảng loạn...

“Từ ngày con tôi chết, tôi khóc hết nước mắt. Đời sao quá đen bạc với con. Cũng vì cái khó của gia đình mà Đồng nhất quyết ra đi để cha mẹ già ở nhà bớt khổ. Lấy chồng Hàn Quốc tôi cứ tưởng đâu con sẽ hạnh phúc...”, bà Huệ ôm mặt nức nở kể.

Thành “hàng đấu giá”

Trước đây, đàn ông “ngoại” đến Việt Nam để chọn vợ và các cô hầu như chỉ biết gật đầu thì bây giờ họ đã được quyền chọn chồng. Nếu chưa thực sự ưng ý với người đã “chấm” mình, các cô gái có thể chờ đến đợt “chào đoàn” sau. Song, kiểu hôn nhân này cũng khiến nhiều cô dâu Việt gặp phải bi kịch như bị bóc lột sức lao động và ép làm việc tới mức kiệt sức, phải bỏ trốn vì cuộc hôn nhân không tình yêu và quá nhiều bức bách từ phía gia đình nhà chồng; thậm chí, có cô dâu đã có hành động tự sát chỉ 30 phút trước khi cử hành hôn lễ vì sự kỳ thị giai cấp và dân tộc của một số người dân nơi đây.

Chị N.T.H (27 tuổi, ở Đại Hợp , Kiến Thuỵ, Hải Phòng), đứt quãng kể: Kết hôn với người đàn ông Đài Loan 47 tuổi, chị từng mơ về một mái ấm gia đình giàu có, hạnh phúc với những đứa con. Nhưng sang đến Đài Loan, người chồng kiên quyết không chấp nhận có thêm con vì anh ta đã có hai con với người vợ trước. Ngay cả khi chị H. trót mang thai đến tháng thứ 3, chồng vẫn bắt phá bỏ. Anh ta còn huỵch toẹt cho chị biết rằng tại trung tâm môi giới, hai người đã ký cam kết không sinh con. Lúc này chị H. mới biết mình bị trung tâm môi giới lừa. Vì bất đồng ngôn ngữ nên họ đã dịch sai ý của chị, từ mong muốn phải có con trở thành chấp nhận không có con. Sau bốn năm vò võ làm việc cực nhọc bên Đài Loan, chị H. quyết định ly dị, trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng.

Cân nhắc kỹ lấy chồng “ngoại”

PGS.TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển (Trường Đại học KHXH & NV), cho biết, những vấn đề mà phụ nữ di cư kết hôn phải đối mặt là hết sức nghiêm trọng và phức tạp do có sự khác biệt về văn hoá, luật pháp, phong tục tập quán, ăn uống, ngôn ngữ và lối sống. Nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… do phải nộp một món tiền lớn cho môi giới nên cố gắng lấy lại tiền từ chồng để gửi về quê cho cha mẹ trả nợ. Trong khi người chồng lại đánh giá vợ kết hôn chỉ vì tiền nên sinh ra bất mãn…

Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), cũng thông tin: “Pháp luật Việt Nam quy định khá đầy đủ về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm bất cập như: không cấm kết hôn khi tuổi tác quá chênh lệch; việc giúp đỡ các trường hợp bị bạo hành, ngược đãi còn hạn chế do chưa có quy định bảo hộ cho phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn định cư tại nước ngoài…”.
    
Như vậy, trước khi quyết định lấy chồng “ngoại”, những cô gái Việt cần cân nhắc kỹ và xác định rõ các yếu tố có thể xây đắp hạnh phúc bền lâu, như: phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để phải bước vào và thay đổi cuộc sống của mình theo một mẫu hình hoàn toàn khác; phải tìm hiểu mọi phong tục, tập quán, lối sống của nơi sắp tới; chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một sự chia sẻ, thông cảm, hiểu biết; phải xác định càng sớm càng tốt vị trí xã hội của mình, đặc biệt đừng để mình biến thành… cây chổi quét nhà; phải cố gắng nắm càng nhanh càng tốt ngôn ngữ của nước chồng và ngược lại; đồng thời chủ động bước vào, hoà nhập với cuộc sống xã hội càng sớm càng tốt.