Phông chữ
Đó là trường hợp của Nguyễn Thị C. ở xã Y (Tân Yên, Bắc Giang). Đã hai năm rồi C mong ngóng sự trở về của người chồng chưa cưới để có được tờ giấy đăng ký kết hôn và có một đám cưới cho đúng thủ tục…

Ngay từ thời học phổ thông, C. đã có mối tình đẹp với chàng trai xã bên. Hai người đã hẹn ước chờ ngày C. ra trường là cưới. Tại nơi C. trọ học, cô lại được làm quen với Vũ Văn Q. Việt kiều Đức hơn cô gần hai mươi tuổi qua sự giới thiệu của gia đình bác dâu.

Q. là người đàn ông lịch lãm, phong độ và tâm lý, luôn biết làm vừa lòng người khác. Bởi vậy gia đình ai cũng muốn C lấy Q để cô có cuộc sống đầy đủ, sung túc nhưng C. không đồng ý. Tuy nhiên, nhân dịp này C. cũng muốn thử xem người yêu có thật lòng yêu mình hay không nên C. đã đem chuyện này ra để bày tỏ và “xin ý kiến” người yêu.

Trái với điều mà C. mong đợi, người yêu cô không hề tỏ ra ngạc nhiên, giận dữ hay lo ngại mà lạnh lùng nói: “Tuỳ em”. Thất vọng và đau khổ trước thái độ của người yêu, lại cộng thêm sự tác động mạnh mẽ của gia đình, C. đã đi đến quyết định nhanh chóng: Nghỉ học và lấy chồng.

Vì thời gian ở Việt Nam quá ngắn ngủi, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài lại phức tạp nên hai gia đình nhất trí chỉ làm lễ ăn hỏi chờ ba năm nữa Q. về thì làm đám cưới và đăng ký kết hôn, đồng thời bảo lãnh cho C. sang Đức. Ngay sau đám hỏi C. về ở hẳn bên gia đình nhà chồng.

Cho đến bây giờ, đã hai năm trôi qua rồi mà C. vẫn không thể biết được chồng cô bận công việc gì mà không về để tổ chức cưới. Nhưng có một điều mà cô biết rõ hơn ai hết, đó là cô đang bị nỗi ân hận giày vò bởi sự vội vàng, xốc nổi của mình.

Chẳng biết bao giờ Q. mới chính thức trở thành chồng của C., trong khi làng trên xóm dưới bàn tán xì xào “hình như thằng Q. đã có vợ bên xứ trời Tây”.

Đào Thị Thu Hương