Phông chữ

Nghèo như vợ chồng bạn tôi, lấy nhau xong hai năm trời vẫn đi ở nhà thuê, cơm nước lọ mọ trong hai mét vuông bếp, điện nước chung với chủ nhà, chưa dám có con vì sợ chủ nhà hơi tí thì đuổi. Và lương tăng không bằng thị trường đang tăng giá gạo nước điện xăng vù vù. Giấc mơ căn nhà riêng xa tít tắp… Lương tiền triệu, làm sao để mua căn nhà tiền tỷ?

 

Câu chuyện vợ chồng bạn tôi không phải ngoại lệ, có hàng ngàn hàng vạn cặp vợ chồng mới cưới đã tần ngần đứng giữa thành phố lớn, tần ngần trước giấc mơ một chốn riêng để đi về và ấm cúng.

Tiêu nhiều hơn số tiền có trong ví là cách chắc chắn nhất để… nghèo, chẳng thế, các cụ vẫn chê con cháu “bóc ngắn cắn dài” hoặc nhẹ nhàng hơn thì trách yêu “vung tay quá trán” để chỉ loại người tiêu hoang, mua sắm tràn lan vượt quá khả năng bản thân, tóm lại là người không biết cách giữ tiền.

Tôi lại nghĩ người biết vung tay quá trán mới là người khôn ngoan, hiểu về tiền. Nhất là với một phụ nữ nắm giữ ví tiền chung của cả đại gia đình, buộc phải toan tính về tương lai lâu dài của cả nhà, chứ không chỉ hài lòng với nồi cơm đầy, buổi chợ no của hiện tại. Cô ấy buộc phải tính xem, trong cái ví tiền mà mình đang nắm, tờ tiền nào dành để nuôi mình, tờ tiền nào dành để nuôi con, và tờ tiền nào dành để mua sắm. Nếu không vung tay quá trán, họ khó lòng làm việc lớn.

Thế nhưng, tôi vừa đọc một lời khuyên của chuyên gia tài chính trên một trang báo phụ nữ, khuyên các nhà đầu tư nữ chỉ nên “vung tay” trong khoảng 10% thu nhập. Thực chất, đó là việc chỉ dành ra 10% thu nhập để đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh, tránh rủi ro, vỡ nợ. Lời khuyên có vẻ hợp lý khi vô số bà nội trợ đã tích lũy của cải bằng cách vay tiền ngân hàng đổ vào chứng khoán, những khoản đầu tư lớn hơn tổng tài sản và thu nhập của họ nhiều lần.

Ở các nước phát triển, tôi thấy “tỉ lệ vàng” trong chi tiêu của phụ nữ – bất kể đã có chồng con hay còn độc thân – lý tưởng ở mức tích lũy (hoặc đầu tư kinh doanh sinh lời) 30% thu nhập, chi tiêu ăn ở sinh hoạt phí 30% thu nhập, và 40% để mua sắm, làm đẹp.

Rõ ràng, phụ nữ Việt Nam nghèo hơn và thiệt thòi hơn nhiều so với phụ nữ nước khác.

Nhưng phụ nữ Việt Nam cũng vẫn cần mua nhà, mua xe, thậm chí rất nhiều ông chồng Việt Nam không tự lo được việc mua sắm tài sản lớn ấy, mà bắt vợ phải chia sẻ gánh nặng tích lũy tương lai, bắt vợ hy sinh những phần trăm chi tiêu chăm sóc bản thân để chuyển thành… tiền nuôi gia đình.

Chứng tỏ đàn ông Việt Nam cũng nghèo.

Nghèo như vợ chồng bạn tôi, lấy nhau xong hai năm trời vẫn đi ở nhà thuê, cơm nước lọ mọ trong hai mét vuông bếp, điện nước chung với chủ nhà, chưa dám có con vì sợ chủ nhà hơi tí thì đuổi. Và lương tăng không bằng thị trường đang tăng giá gạo nước điện xăng vù vù. Tổng cộng lương hai vợ chồng hơn mười triệu, thì đã mất ba triệu rưỡi cho căn nhà nhỏ, mang tiếng là quận nội đô nhưng đường xa sát bìa ngoại thành, cứ mưa là ngập, nắng lại tắc đường. Giấc mơ căn nhà riêng xa tít tắp.

Tôi xui, các cậu phải mua nhà. Hai bạn trợn mắt lên nhìn tôi, nói, tiền ăn chỉ tạm đủ, tiền mua nhà lấy đâu ra, một núi tiền, mảnh đất bé xíu giấy tờ trao tay cũng vài trăm triệu, căn hộ chung cư vừa cũ vừa chật cũng ngót nửa tỷ, mà xem chừng giá bất động sản chỉ có lên chứ không có xuống.

Tôi làm một phép tính đơn giản, nói, càng nghèo càng phải tính toán để dám vung tay quá trán. Bây giờ các cậu thuê nhà một năm đã mất đứt bốn mươi hai triệu đồng, đúng không? Vậy các cậu xem trong vòng mười năm nữa, liệu thu nhập của các cậu có đủ để tự dưng có tiền tỷ đi mua nhà không? Chắc chắn là không chứ gì! Mà mười năm nữa, tiền thuê nhà của các cậu đã mất trắng bốn trăm hai mươi triệu đồng. Nếu cậu vay tiền mua đất, thì sau mười năm, cậu sở hữu miếng đất nửa tỷ, chỉ cách đây có năm trăm mét, dù mang tiếng ở ngoại ô. Còn nếu cậu không chịu đi vay tiền, không chịu đi thêm năm trăm mét đường ra ngoại thành nữa, cậu cứ “liệu cơm gắp mắm” kiểu này, bám lấy nội đô bằng mọi giá, thì sau mười năm nữa, bốn trăm hai mươi triệu đồng ấy chỉ rót vào túi bà chủ trọ thôi, chứ hai vợ chồng cậu vẫn trắng tay không tấc đất cắm dùi. Căn nhà này vẫn là căn nhà của người khác. Các cậu không hiểu sao?

Hai vợ chồng ngồi thừ ra, nhìn nhau.

Tôi nói, quan trọng hơn là lúc đó, cậu đã sở hữu mảnh đất hoặc căn hộ cũ được mười năm rồi, trong mười năm ấy, cậu đã yên tâm ổn định làm việc, yên tâm sinh con, yên tâm đặt những kế hoạch phát triển lâu dài cho sự nghiệp, chắc chắn công việc và thu nhập phải tốt hơn là các cậu cứ sống nhấp nhổm trong nhà người khác như hiện tại!

Thực chất, các cậu đã biến khoản tiền thuê nhà – với tính chất là một khoản tiền phải chi tiêu, trở thành tiền mua nhà – tức là biến thành khoản tiền đầu tư cho tương lai. Và bản chất của tài chính trong gia đình là, khi ta chi tiêu thì  tiền mất đi, còn khi ta đầu tư thì tức là tiền đang quay vòng, đang tích lũy,  hoặc đang sinh lời. Các cậu thử tìm hiểu sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng cho vay để mua nhà ở các ngân hàng xem, đi vay tiền ngân hàng để mua bất động sản là giải pháp khá phù hợp với các gia đình trẻ.

Hai vợ chồng bạn tôi nhìn tôi, rồi lại nhìn nhau. Như thể sau khi trò chuyện, họ cảm thấy căn phòng riêng, căn nhà riêng đã gần tầm tay hơn rất nhiều. Hoặc giả một con tính nhỏ làm họ can đảm mạnh mẽ hẳn lên, cảm thấy tự tin khi nghĩ đến việc phải thu xếp tương lai theo một cách khác.

Đó là cách vung tay quá trán, hoặc nói khó nghe hơn là cách “bóc ngắn cắn dài”.

Nhưng người khôn ngoan sẽ biết, lúc nào họ có thể biến những nguy cơ ấy thành cơ hội của bản thân. Dù tôi không phải chuyên gia kinh tế, tôi chỉ đơn giản là làm một phép tính nhân giúp bạn bè, mà thôi.