Phông chữ

Một tỷ thành viên có thể là con số mà Facebook chưa với tới được như các dự báo gần đây, nhưng sự thực là mạng xã hội này đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên thế giới, từng bước soán ngôi các mạng xã hội đối thủ khác và khiến Google nhức đầu.


Ông Sergey Brin, người sáng lập Google, từng bác bỏ nhận định cho rằng Google không có chỗ đứng trong lĩnh vực mạng xã hội. Bằng chứng là, theo ông, Google đã có những thành công, đặc biệt là với mạng xã hội Orkut đang thống trị ở Brazil và Ấn Độ. Dù vậy, ông Brin có thể sớm phải sửa lại nhận định trên đây của mình.

Sẽ có một tỷ thành viên?

Facebook, mạng xã hội ra đời bên trong một phòng ký túc xá tại Đại học Harvard sáu năm trước, đang “bùng nổ” trên toàn cầu. Mạng này hiện thu hút khoảng 500 triệu người sử dụng, tăng 300 triệu người so với 15 tháng trước đó. Điều đáng nói là ngay cả tại Ấn Độ, số lượng thành viên của Facebook cũng đang ngang bằng với Orkut. Còn ở Brazil, số thành viên Facebook tăng gấp tám lần, lên tám triệu người vào năm ngoái, so với 28 triệu thành viên của Orkut.

Từ nước này qua nước nọ, Facebook đang củng cố vị thế của mình như là mạng xã hội hàng đầu, thường là bằng cách soán ngôi các đối thủ từng thống trị ở đó. Chẳng hạn như tại Anh, Facebook khiến đối thủ Bebo trở nên nhỏ bé đến nỗi AOL buộc phải bán rẻ nó. Tại Đức, Facebook đã vượt qua StudiVZ, vốn vẫn còn là mạng xã hội hàng đầu cho đến tháng 2-2010.
Với sự tự tin vốn có của mình, Mark Zuckerberg, vị giám đốc điều hành trẻ tuổi của Facebook, gần đây dự báo rằng việc Facebook có được một tỷ thành viên gần như là chắc chắn. Mặc dù không cho biết khi nào Facebook mới đạt được cột mốc nói trên, ông không còn bị hoài nghi nhiều như những lần dự báo trước đó. Ông Jeremiah Owyang, một nhà phân tích của công ty Altimeter Group, nhận định: “Họ đã và đang sáng tạo nhiều hơn bất kỳ mạng xã hội nào khác, và họ sẽ tiếp tục phát triển. Facebook muốn xuất hiện ở mọi nơi, và họ đang thành công với ý định này”.

Với gần 2/3 tổng số người dùng Internet tại Mỹ sử dụng Facebook, công ty này đang tập trung mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài. Cách đây hơn hai năm, Facebook chỉ mới có phiên bản tiếng Anh, nhưng vẫn có gần phân nửa người sử dụng ở bên ngoài nước Mỹ. Facebook được sử dụng phổ biến ở Anh, Úc và những nước nói tiếng Anh khác.

Phụ trách việc mở rộng Facebook ra thị trường các nước bên ngoài Mỹ là Javier Olivan, một người Tây Ban Nha 33 tuổi gia nhập công ty này cách đây ba năm. Ông Olivan đang triển khai một dự án của Facebook khuyến khích người sử dụng dịch trang Facebook sang hơn 80 ngôn ngữ. Tuy nhiên, với hơn 300.000 từ trên trang web, không tính những nội dung do người sử dụng đưa lên, đây là một nhiệm vụ không hề dễ chút nào. Ông Olivan nhận định: “Chưa ai làm điều này ở quy mô như chúng tôi đang làm”. Những nỗ lực nói trên đã được đền đáp khi có khoảng 70% thành viên Facebook hiện là người sống bên ngoài nước Mỹ.

Dĩ nhiên là không phải thị trường nào Facebook cũng thâm nhập thành công. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, Facebook chỉ mới thu hút chưa đến một triệu người sử dụng, thua xa các mạng xã hội “cây nhà lá vườn”. Ông Olivan, người đứng đầu một nhóm chỉ có 12 thành viên, hy vọng sẽ thay đổi điều đó trong thời gian tới.

Google lo lắng

Các nhà phân tích cho rằng mức doanh thu ước tính vào khoảng 1 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm cho phép Facebook mạnh dạn đầu tư để cải thiện sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Ông Bing Gordon, thành viên Hội đồng quản trị công ty trò chơi điện tử Zynga, cho rằng Facebook đang chiến thắng vì hai lý do. Trước hết, Facebook đã tuyển dụng được một số kỹ sư tốt nhất ở Thung lũng Silicon. Kế đến là chiến lược tạo ra một nền tảng cho các nhà phát triển phần mềm khác đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Facebook. “Họ đã mở ra một nền tảng và có được những ứng dụng tốt nhất trên nền tảng đó”, ông Gordon nhận định.

Không có công ty nào lo lắng về sự phát triển của Facebook nhiều như Google. Công ty này nhìn thấy mối đe doạ của Facebook trên nhiều mặt trận. Nhiều hoạt động trên Facebook là vô hình đối với công cụ tìm kiếm của Google. Nếu điều này tiếp diễn theo thời gian, nó sẽ làm giảm đi tính hữu ích của công cụ này. Hơn nữa, hàng tỷ liên kết đã được người sử dụng đưa lên Facebook, khiến mạng xã hội này trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa người lướt web và các trang web. Đây đã và đang là vai trò của Google.

Ngay cả trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến vốn là nguồn doanh thu chính của Google, Facebook cũng là một thách thức không nhỏ. Ông Todd Dagres, một thành viên của công ty đầu tư Spark Capital, đánh giá: “Không có gì đe doạ Google nhiều hơn một công ty thu hút được 500 triệu thành viên, biết rõ về họ và đặt quảng cáo trước mặt họ”. Google đã không ít lần tìm cách phá vỡ sự thống trị của Facebook, không chỉ bằng Orkut mà còn bằng những sáng kiến khác, như OpenCentral, Buzz… Dù vậy, chưa có nỗ lực nào trong số này thành công. Gần đây, đã xuất hiện thông tin cho rằng Google đang muốn làm điều này thêm một lần nữa với một dự án bí mật cho một dịch vụ gọi là Google Me. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để biết được liệu Google, hoặc bất kỳ công ty nào khác, có thể cản được đà tăng trưởng hiện nay của Facebook trong thời gian tới hay không.