Phông chữ
Ông Tinh than với ông Thành rằng, từ khi con trai cưới vợ, sinh con, bà nội quý cháu hơn vàng. Bà nội đã... toan về già, lấy việc chăm chút, nựng nịu cháu làm vui.

Con dâu gọi: "Bà nội ơi, lấy sữa cho cu Tí", hay "Bà nội, đến giờ ăn của cu Tí rồi" là bà nội đi pha sữa, nấu cháo cho cháu ăn ngay. Ngày xưa, con dâu "sai" mẹ chồng là tuyệt đối không thể.
Ông Thành góp chuyện, nhà có giỗ chạp, tiệc tùng, con dâu góp tí tiền, rồi cứ đi làm. Chợ búa, nấu nướng đã có mẹ chồng chu toàn. Tới giờ về ăn đã là quý lắm. Ăn xong mẹ chồng, ôsin, hoặc các em, các cháu xúm vào dọn dẹp, rửa bát. Con dâu ôm con nghỉ để chiều đi làm tiếp. Ấy là bà nội muốn yêu cháu thì phải "chiều" con dâu. Thế mới sinh ra bệnh ngược đời: Mẹ chồng hầu... nàng dâu. Hầu tử tế thì nó ở, kẻo giận nó thẽ thọt vài câu với chồng rồi ôm cháu nội "biến" đi chỗ khác. Thế thì bà nội biết lấy niềm vui ở đâu?

Hai ông nhất trí, giờ phải cho mấy mẹ chồng đi học "kỹ năng sống". Vì các bà nội "không có kỹ năng sống" mới "đẻ" ra đám con dâu không biết hiếu thảo, thiếu trách nhiệm, quán xuyến, chu toàn bếp núc... Có con dâu nào ở nhà chồng ngày nghỉ ngủ cho béo mắt, 9 giờ sáng mới dậy đi ăn sáng. Bữa trưa mẹ chồng dọn ra nhón vài miếng rồi... ngủ tiếp. Bố mẹ chồng đi trong nhà mình phải nhẹ chân... Ngày thường đi làm về, tắm rửa rồi ôm con chờ cơm. Ăn rồi xem tivi, đi ngủ. Việc làm dâu "xưa như Diễm".

Ông Thành chẹp miệng, ngày xưa mẹ chồng nghèo khó, khối bà không biết chữ mà dạy kiểu gì khiến con dâu hiếu thảo thế. Có chị là lãnh đạo tỉnh hẳn hoi, mẹ chồng ốm vẫn hàng ngày đạp xe hàng chục cây số, đem quà về chăm mẹ chồng. Mà chăm lâu dài, chứ chẳng phải ngày một, ngày hai. Chẳng lẽ nghèo khổ thì có các cô con dâu hiếu thảo, khi hiện đại giàu có lên thì đạo làm dâu lại... ra đi?