Phông chữ

Chả là kiều bào Việt Nam ở CHLB Đức mê giọng hát dân ca của “cô gái hoa quả” nên cử người cất công tìm về xứ Nghệ để mời bằng được Lê Mận. Người này đến tận Trường Văn hoá nghệ thuật Nghệ An - nơi cô từng học, rồi lần đường ra Hà Nội sau khi biết cô học ở Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội từ 4 năm nay.


Cảm động trước sự mến mộ và nhiệt tình của những người xa xứ yêu âm nhạc, mặc dù bận rộn với việc làm hai album (album riêng và chung với Xuân Hảo), Lê Mận đã sắp xếp thời gian để có dịp “tái ngộ” những người Việt xa xứ. Đầu tuần tới, cô cùng với ca sĩ đồng hương Phương Thảo bay sang CHLB Đức để “hát cho đồng bào tôi nghe” những giai điệu miền Trung yêu dấu trong một chương trình nghệ thuật hướng về quê nhà.

 

 


Chiến thắng của Bùi Lê Mận: Vì em là người xứ Nghệ!

 

Bùi Lê Mận - thí sinh xứ Nghệ có cái tên được nhiều người gọi vui là “cô gái hoa quả” hay “ngũ quả” - đã đem đến bất ngờ của đêm chung kết Sao Mai 2009 vừa qua. Chính cô đã ngồi thụp xuống thật lâu và ôm mặt khóc khi nghe xướng tên với giải Nhất phong cách dân gian. Trong khi ít phút trước đó, cô tươi cười bước ra ẵm giải Thí sinh được khán giả yêu thích nhất. “Giải thưởng lớn như thế”, chính cô cũng nói như vậy, là phần thưởng xứng đáng cho cô gái biết vượt lên chính mình.


Từ chiến thắng của Bùi Lê Mận, nhìn lại các kỳ Sao Mai, tôi chợt ngạc nhiên vì có một sự trùng hợp thú vị khi người chiến thắng ở Giải Phong cách dân gian thường là các cô gái xứ Nghệ. Có duyên do gì chăng? 


Xứ Nghệ có duyên với Giải “Phong cách dân gian” 


Bùi Lê Mận, cô gái xứ Nghệ 

Nhiều thí sinh thi Sao Mai ở mùa giải này hay các mùa giải trước thường chọn các ca khúc mang âm hưởng dân ca của vùng đất nơi mình sinh ra. Mận cũng vậy. Tại đêm chung kết, cô gái sinh ra trên quê hương Nghệ Tĩnh của đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thả hồn vào Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo- Lê Huy Mậu) và Tình làng quê (An Thuyên) bằng giọng hát ngọt ngào, giản dị và nhiều cảm xúc.
 
Khúc hát sông quê gắn với tên tuổi của những giọng ca “đàn chị”, nhưng Mận đã tìm được những điểm nhấn riêng để “làm mới”. Cô còn chinh phục người nghe ở ca khúc mới tinh của nhạc sĩ An Thuyên Tình làng quê. Ở các vòng thi trước đó, Mận chọn hai bài của nhạc sĩ Ngọc Thịnh - đồng hương Nghệ Tĩnh , tuy không mới nhưng chưa nhiều người hát. 

Mận thừa nhận, hát bài mới mạo hiểm ở chỗ khán giả không quen nghe và ca sĩ chưa có nhiều thời gian để “ngấm”. Tuy nhiên, theo cô, “bài hát của thầy Thuyên (nhạc sĩ An Thuyên- nguyên Hiệu trưởng trường Đại học VHNT Quân đội) tuy mới nhưng khi hát lên, tôi cảm giác rất đỗi thân thuộc” - cô tâm sự - Có không ít sáng tác hay về miền Trung của các nhạc sĩ khác, nhưng em cảm thấy hợp với bài của thầy hơn. Em chủ động xin bài này của thầy cho đêm chung kết”. 

Như tôi đã nói, không chỉ Bùi Lê Mận, thí sinh đoạt giải Nhất phong cách dân gian ở các kỳ Sao Mai trước đều là người xứ Nghệ: Phương Thảo (2003) và Thành Lê (2007). “Có phải vì Nghệ Tĩnh, nhiều nắng và gió Lào nên có nhiều bài hát hay dễ ru lòng người. Và người Nghệ nổi tiếng “cục bộ” nên thí sinh dễ được ủng hộ?”- tôi hỏi. Mận cười hồn nhiên: “Bản thân các ca khúc mang giai điệu dân gian miền Trung dễ đi vào lòng người. Khi bài hát cất lên là được khán giả yêu thích rồi”. 

Có lẽ vì thế, không chỉ vì giọng hát ngọt ngào và biết xử lý ca khúc, Mận đã liên tiếp được khán giả bầu chọn với số tin nhắn cao nhất ở vòng khu vực cho đến vòng chung kết (11.982 /hơn 51.000 tin nhắn dành cho tất cả các thí sinh). 


3 chị em gia đình “hoa, quả”
 
Tính cả mùa giải này thì Mận đã ba lần thi Sao Mai (Năm 2007, cô được vào chung kết khu vực). Cả Phương Thảo, Thành Lê và Lê Mận đều sinh ra và lớn lên ở Nghệ Tĩnh và gặt hái được thành công sau thời gian ra Hà Nội học. Cả hai đàn chị đều thành danh và đang vững vàng trên bước đường sự nghiệp. Hỏi Mận có tiếp bước các chị, trở thành người Hà Nội với công việc ở một nhà hát hay giáo viên ở trường nhạc, cô cười vui: “Em vẫn là người miền Trung. Hà Nội là nơi để em xây dựng sự nghiệp, còn gốc gác xứ Nghệ thì không bao giờ thay đổi”.
 
Trước mắt, Mận sẽ học tiếp bậc đại học ở Đại học VHNT Quân đội, vì cô vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng của trường này. 

Hôm qua, 22/12, Mận cùng các thí sinh từ Phú Yên trở lại Hà Nội. Cô sẽ bắt xe khách về Nghệ An để sớm được chia sẻ niềm vui với gia đình, bạn bè và người thân. 

Bố mẹ và chị gái Mận đều làm kinh doanh. Nhà có ba chị em đều mang tên những loài hoa, quả: Chị cả Hồng Mơ và cô út Hồng Đào. Hỏi vui cô gái hay cười này, sao lúc nghe đoạt giải Nhất, hai đồng đẳng (giải Nhất thính phòng và nhạc nhẹ) nắm tay kéo mãi mà không dựng em đứng lên được? Mận nhanh nhảu: “Có phải anh bảo em béo chứ gì? Em cao 1,58, nặng có 47 kg chứ đâu có béo. Tại lúc đó em vui quá mà!”. Tôi cười: “Tại bố mẹ đặt tên cho em là những loại quả... tròn tròn đấy mà”, và chúc em tiếp tục “lăn” trên con đường âm nhạc đang mở ra thênh thang trước mắt. 


Long Nghệ