Phông chữ

Hôn nhân là kết quả của tình yêu, nhưng chỉ là mốc son đầu tiên đánh dấu một chặng đường dài phía trước. Ai đó đã nói: "Cưới nhau thì dễ chứ sống với nhau rất khó!". Đã có nhiều cặp sau một thời gian dài yêu nhau say đắm đã quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng cuộc hôn nhân ấy lại tồn tại rất ngắn, ngắn hơn cả khoảng thời gian yêu nhau.

Theo nhiều thống kê, những năm gần đây, số lượng các vụ ly hôn tăng nhanh, tỷ lệ ly hôn chiếm 31 - 40%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Điều đáng nói hơn, các gia đình trẻ (ở độ tuổi 20 - 30 tuổi) chiếm 60% các vụ ly hôn.

Nguyên nhân dẫn đến tan vỡ nhiều khi rất nhỏ nhặt, nhiều cặp chia tay chỉ vì cái tôi của mình. Phải chăng, thế hệ trẻ bây giờ không biết cách tổ chức cuộc sống và không biết cách giải quyết những vấn đề nảy sinh. Nhiều cặp vợ chồng trẻ cùng công thành danh toại, sau những năm tháng yêu nhau ngập tràn hạnh phúc là một đám cưới đẹp. Nhưng không bao lâu sau, họ bắt đầu cãi nhau, lúc đầu là những khó khăn trong việc điều hoà các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng với nhau, đôi lúc lại vì những chuyện không đâu. Và trong những phút không kìm nén, họ xúc phạm nhau, thế là cả hai cũng kiên quyết ký vào đơn ly dị nhanh hơn cả quyết định làm đám cưới. Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, khi yêu, vì cả nể, không ít người trong cuộc đã chiều theo ý thích vô lý để làm vui lòng người yêu. Nhưng khi cả hai đã là "người một nhà", những quan điểm trái ngược có dịp thể hiện. Đến một ngày, vì quá sức chịu đựng, hai người phản kháng cũng là lúc hôn nhân không thể cứu vãn.

Tình yêu chỉ là người dẫn đường đến hôn nhân, nhưng hai vợ chồng phải biết sống có trách nhiệm với nhau mới có sự gắn bó, đậm đà tình nghĩa. Gia đình có hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, tiếng cười hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ vun vén của hai người. Có hai yếu tố để luôn gắn bó được vợ chồng khi sự tranh luận, cãi vã diễn ra, đó là người chồng nên lấy cái đức, cái tình và cái lý để cảm hoá khiến người vợ cảm động và khuất phục. Còn người vợ nên lấy cái tâm, cái hoà, cái nhẫn để xử sự, chẳng có người chồng nào lại không thán phục.

Trong cuộc sống hiện nay, có vẻ như những cặp vợ chồng trẻ không cảm nhận hết được những giá trị của gia đình. Mỗi khi có va chạm, ít người ngồi lại nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn để xem xét vấn đề tỉ mỉ nhằm có giải pháp tích cực mà họ thường đưa ra những giải pháp tiêu cực như ly hôn. Những người đi trước nhận định, thông thường, các cặp vợ chồng phải mất ba đến năm mới dung hoà được cái tôi của nhau. Vì vậy, khi bước vào cuộc sống lứa đôi mà cảm thấy "không như mình nghĩ" thì đừng vội nản lòng mà hãy tìm cách vượt qua thử thách. Trước khi nói lời chia tay, hãy phấn đấu hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất. Không thể mỗi khi có va chạm trong gia đình, lại nói hai chữ "ly hôn" một cách vội vàng và nhẹ nhàng bởi khó khăn lắm mới có duyên trở thành vợ chồng, nhưng chia tay nhau lại là điều đơn giản, là điều những người đi trước đúc rút ra.

  • Trần Liên Anh