Phông chữ

Quá trình hợp huyết giữa các dân tộc trên thế giới đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Vì nhiều nguyên nhân, hợp huyết giữa đàn ông Trung Hoa và phụ nữ Việt Nam đã có từ cả nghìn năm. Tuy nhiên hợp huyết với người phương Tây thì chỉ cách đây mấy trăm năm. Song vì sao họ dám vượt qua luật lệ và truyền thống...?

Chồng Tây, vợ đầm đầu tiên

Năm 1645, những nhà buôn Hà Lan được chúa Trịnh đồng ý cho mở một thương điếm ở Thăng Long. Năm 1663, thương điếm Thăng Long do Hendrick Baron quản lý. Baron lấy vợ người Kẻ chợ và đứa con trai Samuel Baron có lẽ là con lai đầu tiên giữa người Việt với người châu Âu.

Việc lấy chồng ngoại quốc ngày càng trở thành bình thường trong xã hội.

Samuel lớn lên ở Thăng Long rồi làm việc cho công ty Đông Ấn Hà Lan nhưng không hiểu vì lý do gì đã chuyển sang làm cho công ty Đông Ấn Anh quốc và nhập quốc tịch Anh. Bực bội trước việc này, người Hà Lan thời kỳ đó gọi Samuel Baron là kẻ phản quốc. Samuel nhanh nhẹn, thông minh, mấy chục năm sống và làm việc ở Đàng ngoài đã giúp ông hiểu biết kỹ càng từ chính trị, địa lý đến các phong tục, tập quán. Ông viết cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Mô tả vương quốc xứ Đàng ngoài). Cho đến nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị. Không những thế Samuel còn bác bỏ những điều chưa đúng trong cuốn “Du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng ngoài” (xuất bản năm 1681-Paris) của J. B. Taverniere. 

Trong bài “Eurasien” đăng trên tạp chí “Indochine hebdomadaire illustre” năm 1943, hai tác giả, một người Pháp là H. Huard và một là người Việt- bác sĩ Đỗ Xuân Hợp viết “Những người lai Âu - Á xuất hiện từng đợt liên tiếp nhau. Từ thế kỷ XVI đến XVIII chỉ có vài người mà chỉ các chuyên gia mới biết tên tuổi, cha của họ hầu như là người Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan. Trong trường hợp ngược lại thì có Lê Thần Tông (1607-1662) là vị vua hiếm có trong lịch sử 108 vua chúa Việt Nam, có sáu vợ thì bốn bà là “người ngoại quốc”. Người vợ đầu tiên của Lê Thần Tông là người Việt tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vợ thứ hai là người Thái, vợ thứ ba là người dân tộc Mường, người vợ thứ tư là người Hán, vợ thứ năm người Lào và vợ thứ sáu là người Hà Lan. Tương truyền, sáu pho tượng nhập thần sáu bà vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) là do sáu bà cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau. Trong đó, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên tòa sen, các bà khác đội vương miện trong tư thế tọa thiền. Mỗi pho tượng thể hiện một nét khác nhau và trang phục của mỗi người là y phục của dân tộc mình. Năm 1959, năm pho tượng vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền nhà Lê, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia chỉ cách chùa Mật Sơn (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) chừng hơn cây số. Riêng tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Cũng theo hai tác giả, “Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX những người bạn của giám mục Pigneau de Béhaine (người Việt Nam gọi là Bá Đa Lộc) là cha của lớp thứ hai mà rõ nhất là hậu duệ Chaigneau và Vanier (hai người này tình nguyện giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn). Một trăm năm vẫn đang trôi qua trước khi xuất hiện lớp thứ ba sinh ra trong thời kỳ chinh phục và xây dựng thuộc địa và cuối cùng lớp thứ tư là lớp đang sống và gia tăng ngay trước mắt chúng ta, rất khác với các lớp trước”. Tuy nhiên hai tác giả cũng không đưa ra số con lai của từng lớp. 

Những bà vợ Tây đáo để

Trong những cuộc hôn nhân với người Âu lớp thứ ba phải kể đến cô Tư Hồng có chồng là viên quan tư Gaclan trong quân đội Pháp. 

Cô Tư Hồng tên Trần Thị Lan quê làng Thành Thị, huyện Bình Lục thời đó thuộc Hà Nội (nay thuộc tỉnh Hà Nam ). 17 tuổi bị ép làm hầu một tên chánh tổng trong làng, do chênh lệch tuổi tác, cô bỏ trốn sang Nam Định. Ở Nam Định một thời gian, cô ra Hải Phòng đi ở. Sau đó lấy chủ hiệu buôn người Hoa tên Hồng nên người ta gọi là thím Hồng. Ít lâu sau chú Hồng vỡ nợ phải trốn về Trung Quốc bỏ thím bơ vơ. Thím gặp bạn gái làm me Tây tên nôm là cô Ba La-vích, cô này khuyên thím nên lấy chồng Tây và dạy thím nói tiếng Tây theo lối diễn ca thực hành:

Tôi đi là Moa a lê (Moi aller)
Rê vây (Ré veiller) thức dậy, cu sê (Coucher) đi nằm 
Toa (Trois) 3, cát (Quatre) 4, sanh(Cinq) 5 
Sa loong (Salon) phòng khách, la săm (La chambre) cái buồng…

Rồi thím lên Hà Nội giao du với đám me Tây và làm nghề tú bà. Ngày tết chính trung 1892, trong một bữa tiệc nhà quan ba La-vích, thím được mời đến dự , vợ chồng La-vích giới thiệu với quan tư Gaclan. Chỉ sau một thời gian ngắn, hai người lấy nhau và thím trở thành bà quan tư. Theo tục của người Việt phải gọi là cô Tư Lan mới đúng nhưng có lẽ do thâm ý muốn moi đời tư không mấy đẹp đẽ nên người ta gọi là cô Tư Hồng. 

Thành phố Hà Nội được lập nên thành nhượng địa Pháp theo đạo dụ ngày 1-10-1888, vì thế các quy định của nhà Nguyễn không có giá trị với thành phố này. Để xóa dấu ấn văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt ở Hà Nội nhưng núp dưới chiêu bài mở mang và xây dựng, Hội đồng thị chính đã họp và đi đến quyết định đập bỏ Bắc thành để xây trại lính. Ngày 28-7-1893, Hội đồng thị chính đã ra quyết định chính thức. Việc phá dỡ thành được mang ra đấu thầu và dù nhiều thầu khoán có tiềm lực lại quen việc tham gia nhưng không thắng nổi mẹo bỏ giá thấp nhất của cô Tư Hồng. Cô cho người về các vùng quê nghèo khó mộ phu, ai tuyển được nhiều cô thưởng, vì thế chỉ trong một thời gian ngắn cô đã có trong tay cả đội quân hùng hậu chấp nhận tiền công bèo bọt. Lúc cao điểm, tới 1.000 người trên công trường, nhờ đó cô bảo đảm cam kết về thời gian phá dỡ với Hội đồng thị chính. Đến hết năm 1896, bốn bức tường quanh thành đã phá dỡ xong chỉ còn trơ lại cửa Bắc và kỳ đài. Hào nước quanh thành cũng được lấp kín. Sẵn vôi, gỗ, đá, gạch... cô Tư Hồng lại chuyển sang nhận thầu xây nhà cho người giàu có trong thành phố. Cô dành nguyên liệu tốt nhất xây cho mình một biệt thự có vườn hoa, lầu vọng nguyệt ở giữa làng Hội Vũ (nay là ngõ Hội Vũ). Một nhà nho đi qua thấy thành tan hoang mà nhà cô Tư Hồng cao ngất đã ngậm ngùi:

Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long
Vượng khí nghìn năm có nữa không?
Hai cửa còn trơ hai thánh miếu
Một thành sót lại một hoàng cung
Nhường ngao ngán nỗi công ông Bạch 
Cũng ghê gớm cho của chị Hồng
Còn biết đây là nền đế bá 
Than ôi!Đệ nhất cảnh Thăng Long 

Ngoài cô Tư Hồng có cô La Loa (vợ Leroy). Cũng không hiểu sao lại có tên này, chỉ biết Leroy là viên quan trong thành có thế lực với chính quyền vì thế La Loa trở thành thầu khoán. Khi đê Cơ Xá (khu vực phường Tứ Liên hiện nay) bị nước sông Hồng phá vỡ, La loa trúng thầu đắp đoạn này còn đoạn đê An Dương là Bạch Thái Bưởi. Cô La loa còn mua đất ở các vùng xa trung tâm ở Bạch Mai, Đại La, sau đó xây nhà cho thuê. Số nhà 74 phố Hàng Bạc của cô Bé Tí là một ngôi nhà khá đặc biệt. Không phải vì người cô bé nhỏ mà chồng cô là người Pháp tên là Petit, vì thế dân phố gọi nôm là Bé Tí. Cô Bé Tí chuyên nghề mối lái tìm vợ cho Tây, nhưng cô được biết đến nhiều do nhà có điện thờ lộng lẫy, lại có cả một chuồng thú lạ: gà 4 chân, lợn 2 mõm, chim một chân... Gác cửa nhà cô là vợ chồng lùn tịt. Ngày ấy về Hà Nội đi xem nhà Gordar (Bách hóa Tổng hợp sau này và nay là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền), chợ Đồng Xuân, mà chưa đến nhà “cô” thì chưa gọi là xem đủ kỳ quan của Hà Nội. Cô Bé Tí mất năm 1941. 

(Còn nữa)


  • Nguyễn Ngọc Tiến, HNM