Phông chữ

Facebook lên ngôi ở Việt Nam

Còn nhớ sau khi dịch vụ Yahoo 360 Việt Nam không còn hoạt động, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng nói về sự chán nản, đìu hiu của ‘chợ chiều Internet’.

Sự gắn bó với blog 360 của các bạn trẻ, phần nào có được nhờ sự phổ biến của dịch vụ Yahoo tại Việt Nam đã khiến cho những lo lắng đó được nhiều người chia sẻ. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là rất nhanh sau khi chia tay với công cụ Blog 360, các bạn trẻ Việt Nam đã hào hứng và mê say với một loại hình tương tác online khác – mạng xã hội.

Nhắc đến mạng xã hội tại thời điểm giao thời đó và cho tới tận lúc này ở Việt Nam, Facebook vẫn là cái tên nổi trội nhất. Tháng 10 năm 2009, ít lấu sau khi Yahoo cho ngừng dịch vụ Blog 360, theo thống kê của Facebook, Việt Nam là nước có số lượng người sử dụng dịch vụ mạng xã hội này tăng nhanh nhất trên thế giới tới tỉ lệ tăng 26,5% mỗi tháng. Cũng trong thời gian này, Facebook lần đầu tiên đã lọt vào top 10 trang web được truy cập nhiều nhất Việt Nam (theo bảng đánh giá của Alexa) và vẫn tiếp tục nằm trong top 10 cho tới tận thời điểm này. Tháng 11 năm 2009, hãng thông tấn AP đưa tin cộng đồng Facebook ở Việt Nam đã đạt mốc một triệu người sử dụng. Theo Huyền Chip, người phụ trách mạng lưới cộng đồng và phân tích công nghệ của ePi Technologie, Malaysia, nếu như không có những khó khăn nhất định đối với việc truy cập từ Việt Nam trong thời gian gần đây, hoàn toàn có thể khẳng định rằng trong một khoảng thời gian ngắn, Facebook sẽ thống lĩnh toàn bộ thị trường mạng xã hội ở Việt Nam, một bước phát triển nhanh hơn rất nhiều so với Yahoo 360 trước đây.

Trong lúc thuật ngữ ‘mạng xã hội’ và ‘Facebook’ đang dần được nhắc tới nhiều hơn, với những ai còn hoài niệm về một thời của blog hẳn sẽ băn khoăn: liệu rằng các dịch vụ blog sẽ nhường hẳn sân cho mạng xã hội hay blog sẽ lại phục hồi và phát triển? Một câu trả lời thật sự là rất khó và phụ thuộc nhiều vào xu hướng sử dụng của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, có điều dễ nhận thấy: những ai thật sự tha thiết với blog và muốn chia sẻ những tâm tư, cảm nghĩ với bạn bè qua những bài viết sẽ để ý tới những dịch vụ blog chuyên nghiệp hơn như WordPress, Blogspot hay Multiply, còn lại với những người ưa thích sự mới mẻ của hình thức tương tác trực tuyến của các mạng xã hội sẽ tìm đến với Facebook hay Zing Me - mạng xã hội đang phát triển khá nhanh của Vinagame với thông báo đã đạt mức 3 triệu người sử dụng vào cuối năm 2009. Con số này dù chưa được kiểm định độc lập nhưng ít nhất đã cho thấy một tương lai phát triển mạnh mẽ và đủ sức cạnh tranh với Facebook của các mạng xã hội Việt Nam.

Zing Me - kẻ thách thức Facebook

Trần Tuấn Tài, một kĩ sư công nghệ thông tin cho biết Zing Me – mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều lợi thế và có thể giành được những thành công của mình trong cuộc đối đầu trên thị trường Việt Nam với gã khổng lồ Facebook. Xét ở tầm thế giới và trên mọi khía cạnh như chất lượng sản phẩm, khả năng thâm nhập thị trường và mô hình kinh doanh, Facebook hiện vẫn là người đi tiên phong, tuy nhiên theo nhận xét của Trần Tuấn Tài, Zing Me vẫn có những lợi thế nhất định của mình trên sân nhà. Ví dụ Zing Me đã cho phép mở rộng các ứng dụng của sản phẩm lên mức tối đa, kết hợp chức năng viết blog rất được ưu chuộng trước đây của các bạn trẻ lên Zing Me, trong khi chức năng này ở Facebook lại không phải là thế mạnh.

Một ví dụ nữa là chiến lược thu hút khách hàng, với lợi thế là sản phẩm nội địa, Zing Me đã tạo các tài khoản VIP cho những nhân vật nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên điện ảnh, hot-bloggers và nhanh chóng thu hút được một lượng fan đông đảo cũng như tạo tiếng vang cho mạng xã hội này. Tóm lại, tại thời điểm này dù khó có thể nói cuộc chiến giữa mạng xã hội ngoại nhập mà tiêu biểu là Facebook với mạng xã hội nội địa với Zing Me đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về một bên nhưng có điều chắc chắn là sự cạnh tranh càng gay gắt, người sử dụng càng được hưởng lợi.

Những xu hướng xử dụng mạng xã hội

Một điều dễ nhận thấy trong các hoạt động của giới trẻ Việt Nam trên các mạng xã hội chính là kết nối bạn bè (networking) và giải trí (entertainment). Ở khía cạnh như là một kênh thông tin (news chanel), ảnh hưởng của mạng xã hội ở Việt Nam chưa thật sự nổi trội. Nhìn vào bảng đánh giá top 10 trang web được truy cập nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay của Alexa, dễ thấy gần một nửa (4/10) các trang web là những trang thông tin (news) hay báo điện tử. Điều này phần nào đã chứng minh cho nhận định ở trên. Ở khía cạnh đó, người sử dụng các mạng xã hội ở Việt Nam khá khác biệt so với Mỹ, quê hương của Facebook và MySpace. Trong top 10 trang web được truy cập nhiều nhất ở Mỹ, ta không hề thấy có một trang báo điện tử hay thông tin nào. Anh Thư, một du học sinh ở Mỹ đã 8 năm, lí giải nguyên nhân: “ Mỗi sáng, tôi chỉ cần vào MySpace (trước đây) hay Facebook (hiện nay) là đã có tất cả: thông tin, hình ảnh của bạn bè, những trò chơi trực tuyến và cả những thông tin báo chí nổi bật được các hãng tin hàng đầu thế giới được cập nhật thông qua các mạng xã hội”.

Tuy số lượng người sử dụng các mạng xã hội ở Việt Nam đã đạt những con số khá ấn tượng nhưng theo đánh giá của Huyền Chip, con số này trong so sánh với các nước ASEAN có vẻ còn khá khiêm tốn. Xét ở sô lượng người sử dụng Facebook với những thống kê được kiểm định, tại Singapore, trong tổng số gần 3,4 triệu người sử dụng Internet có khoảng hơn 50%, tương đương gần 1,8 triệu người sử dụng mạng xã hội này. Ở Indonesia, 14 triệu trên tổng số gần 30 triệu người dùng Internet là thành viên của Facebook.

Dù số lượng thành viên còn ít hơn một số nước khác, song những phản ứng của các bạn trẻ Việt Nam với Facebook khá tốt, đặc biệt với những chương trình, kế hoạch hành động mang tính cộng đồng cao. Ví dụ như chiến dịch SEAChange YouthSays phát động ở Việt Nam chủ yếu trên Facebook, sau một tháng đã thu hút 15.000 bạn trẻ tham gia trả lời và ủng hộ chiến dịch ‘Người trẻ Đông Nam Á cùng Thay đổi’. Một số fanpage của các nhãn hiệu Việt Nam cũng đạt xấp xỉ 10 ngàn fan, báo hiệu cho một tương lai phát triển mạnh mẽ của chiến lược quảng cáo qua các mạng xã hội. Đây quả thực là những con số đáng khích lệ với sự phát triển của cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam.

Có thể nói, việc đóng cửa 360 Yahoo, xét ở khía cạnh tích cực của nó, đã đem lại một chân trời mới cho sự phát triển của các mạng xã hội ở Việt Nam. Việc giới trẻ hồ hởi đón nhận Facebook cũng như sự mở rộng của Zing Me đã phần nào cho thấy tương lai của các mạng xã hội ở Việt Nam. Những xu hướng phát triển trong tương lai vẫn còn có nhiều dự báo, có thể đúng, có thể sai. Song ít nhất, câu slogan ‘ăn blog, ngủ blog, thức cùng blog’ tới thời điểm này trong giới trẻ đã có thể đổi lại thành ‘ăn Facebook, ngủ Zing Me và thức cùng mạng xã hội’.

Tại sao không?