Phông chữ
Ralf Timmler, người Đức, 53 tuổi, tới Việt Nam năm 2004 với tư cách là chuyên gia của Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED). Từ năm 2004-2010, Ralf làm việc trực tiếp cùng các đối tác Việt Nam ở Liên minh Hợp tác xã Thừa Thiên - Huế và Liên minh Hợp tác xã miền Trung (tại Tam Kỳ, Quảng Nam). Năm 2010, ông được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp hợp tác xã. Từ giữa năm 2010 đến nay, ông sống cùng vợ tại Hà Nội và hiện là giáo viên tiếng Anh cho Trung tâm Apollo.

Năm đầu tiên, thú thật tôi không có mấy trải nghiệm với sự kiện quan trọng nhất trong năm với người Việt Nam. Khi đó tôi chỉ biết tết là năm mới của người Việt được tính theo lịch mặt trăng và đánh dấu mùa xuân đến.

Những thông tin về du lịch cho tôi biết là cả nước đều “chuyển động” trước và sau dịp tết và các hãng lữ hành đều khuyên chúng tôi không nên du lịch vào thời điểm này, phần vì xe cộ khó khăn, phần vì hầu hết cửa hàng đều sẽ đóng cửa. Một vài đồng nghiệp Việt Nam kể cho tôi về những thói quen và đồ ăn uống đặc trưng ngày tết. Tôi cũng thấy khá tò mò nhưng cuối cùng quyết định về Đức thăm gia đình.
Cái tết tiếp theo thì tôi quen biết nhiều bạn bè Việt Nam hơn, nhưng đó cũng là lúc bỗng nhiên tất cả mọi người đều về nơi cha mẹ họ đang sống, nơi họ gọi là “quê”.

Lúc ấy tôi tính sẽ ở lại Hà Nội vì có thể sẽ có nhiều nhà hàng mở cửa hơn so với nơi tôi đang công tác khi đó, vốn chỉ là một thành phố nhỏ. Với lại Hà Nội cũng luôn là thành phố ưa thích của tôi cho dù mức độ ồn ào và nhộn nhịp ngày càng trở nên khó chấp nhận. Tuy nhiên những ngày giáp tết mới thật sự khiến tôi bị sốc.

Thành phố bỗng nhiên ầm ĩ vô cùng. Tôi chưa bao giờ thấy nó hối hả đến thế. Thậm chí gọi taxi cũng rất vất vả. Từ taxi tới xe máy đều chất đầy các gói quà đóng gói sẵn hoặc các cây đào, cây quất… Không khí ấy gợi tôi nhớ tới Giáng sinh ở phương Tây. Giáng sinh càng gần, phố xá càng bận rộn và ai ai đều mải mê mua mua bán bán.

Rồi cũng đột ngột không kém, tất cả những điều này biến mất! Hà Nội yên ắng lạ thường! Không những thế, tôi còn hơi sốc khi thấy quán cà phê ưa thích của mình cũng đóng cửa. Trong lúc tuyệt vọng tìm một nơi khác uống cà phê (nhân tiện, sau khi bắt đầu uống cà phê Việt Nam tôi không thích uống các loại cà phê khác nữa, kể cả espresso hay cappuccino!), tôi chạy xe khắp đường phố vắng vẻ và chú ý tới rất nhiều chi tiết mà ngày thường không bao giờ thấy. Thế là tôi dành những ngày tết một mình khám phá thành phố một cách khoan thai và bình thản mà không bị sự ồn ào, lộn xộn của giao thông làm ảnh hưởng.

Câu chuyện tình thân

Bây giờ tôi đã lập gia đình ở Việt Nam và điều này khiến cảm nhận tết của tôi thay đổi rất nhiều. Việc dành những ngày tết bên cạnh gia đình giúp tôi thật sự nhìn thấy khoảng thời gian này có ý nghĩa sâu sắc đến nhường nào với các bạn. Tôi bắt đầu quen thuộc với các thói quen ngày tết. Nhìn chung mọi người đều vui vẻ chào đón tôi và cố gắng khiến tôi thoải mái, dễ chịu. Họ xuề xòa và bỏ qua những lúc tôi không biết cư xử thế nào cho đúng phép và chỉ cho tôi thấy những điều nên và không nên làm hay nói trong ngày tết.

Chẳng hạn như sáng mồng một thì kiêng quét rác, gặp trẻ con nên lì xì, hay đêm giao thừa thì cả nhà cùng thức đến 12g đêm rồi cùng nhau bày biện bánh kẹo chuẩn bị đón khách. Điều này khiến tôi thay đổi hẳn cảm nhận về tết vì bây giờ tôi đã có gia đình của mình ở Việt Nam. Nói điều này không quá tí nào.

Lần đầu tiên về ăn tết cùng gia đình vợ, hai ông anh rể mời tôi uống rượu và rất nghiêm trang bảo tôi: “Từ bây giờ chúng ta là anh em”. Lúc ấy tôi rất xúc động vì ở Đức, dù là anh em rể hay chị em dâu thì chúng tôi đều gọi nhau bằng tên riêng và ai nấy lo cuộc sống của mình, chứ không hoàn toàn coi nhau là người một nhà. Nhưng ở Việt Nam, khi đã trở thành anh em rể tôi được phép tiếp cận gia đình của họ và được chào đón như thành viên. Tết năm ấy em rể tôi đưa tôi về nhà ăn cơm, giới thiệu với bố mẹ cậu ấy và dạy tôi cách xưng hô phù hợp.

Giờ đây, tết nào chúng tôi cũng đón giao thừa cùng bố mẹ vợ và ngủ đẫy mắt sáng mồng một rồi đi thăm hỏi các anh chị em đã có gia đình riêng. Tôi luôn được bố mẹ vợ chào đón như bốn người con ruột khác của ông bà. Không có khoảng cách, tôi cũng giống như bất cứ ai khác trong gia đình. Đó là điều tôi thích nhất khi ăn tết ở Việt Nam: cảm giác gia đình thân thuộc và niềm vui khi họ hàng, bạn bè và hàng xóm tới thăm. Việc được nghỉ tết cùng gia đình mình ở Việt Nam khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp, an toàn như ở nhà; nhưng lần nào cũng khiến tôi có phần đôi chút nhớ quê hương.