Phông chữ
Một kỹ thuật bảo quản tinh trùng mới có thể giúp cho nhiều người đàn ông có căn bệnh khó có khả năng làm cha như số lượng tinh trùng ít, bị ung thư hay HIV có hy vọng được làm cha của những em bé khoẻ mạnh.

Các nhà khoa học nhận ra rằng, cách bảo quản tinh trùng bằng phương pháp làm đông lạnh nhanh sẽ khiến chúng bơi và tiếp cận tới trứng hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp làm đông lạnh chậm hiện đang được sử dụng.

Công trình nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Chile và Đức, sẽ được giới thiệu ở Hội nghị sinh sản và vô sinh thế giới sắp diễn ra tại Munich, Đức.

Hiện tại, kỹ thuật làm đông lạnh chậm đang được sử dụng phổ biến, số tinh trùng sử dụng được sau đó là 30-40%. Còn phương pháp đông lạnh nhanh sẽ đẩy con số này lên tới 80%.

Thuỷ tinh hoá đã được sử dụng để khiến trứng và phôi thai đông lạnh nhanh thành công. Sau khi tan ra, nhiều trứng và phôi thai tồn tại với phương pháp mới nhiều hơn là phương pháp cũ - kỹ thuật làm lạnh chậm.

Trong phương pháp mới này, huyết tương đã được tách ra và loại bỏ, tinh trùng được đặt trong một dung dịch sucroza trước khi bị rơi vào nitơ lỏng để đông nhanh.

Khi tinh trùng được ra đông, nó sẽ lấy lại nhu động tới 77% so với 29% ở phương pháp cũ. Đồng thời, phương pháp mới cũng cho thấy có ít thiệt hại về tinh trùng hơn so với phương pháp cũ.
Việc loại bỏ huyết tương nghĩa là virus HIV và những loại virus khác cũng đã bị loại bỏ, như vậy những người cha dương tính với HIV cũng có cơ hội để làm cha mà không phải lo lắng về việc truyền loại virus này sang vợ hoặc con. Những người đàn ông với số lượng tinh trùng ít hoặc chất lượng tinh trùng không tốt cũng được lợi từ kỹ thuật mới này.

Người đứng đầu công trình nghiên cứu này - Giáo sư Raul Sanchez (Trường Đại học La Frontera, Chile) nói rằng: “Nghiên cứu này cho thấy chúng ta có thể bảo quản tinh trùng tốt hơn bằng phương pháp thuỷ tinh hoá, nó mang lại cho những người đàn ông có lượng tinh trùng ít, bị viêm gan B hay nhiễm HIV có cơ hội làm cha của những đứa con khoẻ mạnh”.

Giáo sư Ian Cooke (Trường Đại học Sheffield, Anh) cho biết: “Đây là một kỹ thuật rất tuyệt vời, nó nhanh hơn nhiều so với quy trình làm đông chậm chúng ta vẫn đang sử dụng phổ biến”.

Anh Đức (Theo Daily Mail)