Phông chữ

Có thể nói, "lì xì" là một tục lệ đặc biệt chỉ có trong ngày Tết và được duy trì cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, theo thời gian, "lì xì" không còn mang ý nghĩa đơn thuần là "mang lại may mắn" mà còn có giá trị vật chất lấn át cả giá trị tinh thần.

Theo Wikipedia, "lì xì là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền lì-xì".

Thời xưa, lì xì ý nghĩa ở giá trị văn hóa và tinh thần lớn lao. Còn ngày nay, dường như mọi người coi trọng việc "duy trì và phát triển những mối quan hệ tốt đẹp" bằng những phong bao đỏ bắt mắt và dày cộm. Giới trẻ đặc biệt chú ý đến vấn đề này.

"Vỏ bọc" ngày ấy - bây giờ

Dạo trước, bao lì xì chỉ được làm từ giấy, có kích cỡ nhỏ và trang trí đơn giản. Sang hơn một chút thì giấy cứng hơn, bóng hơn, và to hơn. Thời nay, bao lì xì có "muôn hình vạn trạng", giá cả cũng đắt hơn, đủ chứng tỏ việc "mang lại may mắn" ngày càng được quan tâm, chú trọng. Từ những bao lì xì bằng...ni-lông bóng bẩy cho đến những phong bì bằng nhung sang trọng có những câu đối tuyệt mĩ...Tất cả những điều đó cũng đủ nói lên "giá trị" của "phần ruột" bên trong.

"Tuy nhiên, dù đẹp cách mấy, thì sau khi được lì xì, mình chỉ việc rút "phần ruột" và vứt "phần vỏ". Năm nào cũng thế. Đẹp thì đẹp thật đấy, nhưng mình chẳng phải lì xì ai thì giữ làm gì!" - M.K (lớp 10 trường V) cười.

Kiểu lì xì

"Thời trước, toàn người lớn lì xì cho con nít. Bây giờ thì có cả vụ con nít lì xì con nít, người lớn lì xì người lớn" - M.K bày tỏ.

"Người lớn lì xì nhau cũng dễ hiểu thôi, vì tính chất công việc và các mối quan hệ xã giao. Còn con nít lì xì con nít để...làm tăng giá trị bản thân. Tớ nghĩ thế" - Hin, lớp 11 trường M, cho biết - "Năm ngoái, một thằng bạn trong lớp mình đã lì xì cho mỗi đứa trong lớp 20k. Nó còn khoe rằng sau mỗi cái Tết nó hốt bạc vài triệu, vì đối tác làm ăn của bố mẹ mỗi lần qua nhà toàn lì xì vài tờ xanh. Trường hợp của tên này không phải hiếm. Nhiều bạn trong lớp mình qua Tết là đổi điện thoại, thậm chí được ba mẹ đổi cho cả...phương tiện đi lại. Những bạn nào có hoàn cảnh không giàu có thì cũng có chút ghen tị và tủi thân..."

"Ngày này còn để những cặp đôi "không phải đau đầu trong việc tặng quà". Chỉ cần một phong bao lì xì dày cộm là quá đủ" - đó là quan điểm của Prince (lớp 11 trường N).

Là teen, nên việc đùa giỡn, đòi tiền lì xì sau Tết sau khi tự giác...chúc Tết bạn bè mình là chuyện không phải hiếm. Thế nhưng...

"Không lì xì cho bọn nó thì bọn nó cứ đòi mãi. Ngày Tết mà cứ bị đòi tiền thì...xui, nên mình đành lì xì đại. Nhưng chẳng lẽ phải lì xì hết? Mà đa phần những đứa đòi lì xì thường...hiếm khi nào lì xì lại cho người ta. Mình không quan tâm chuyện lời lỗ nếu như chỉ dừng lại ở mức vài chục ngàn. Chứ vài trăm ngàn thì...hơi quá đáng rồi. Cùng là học trò, làm gì ra tiền mà lì xì nhau chỉ để "lấy le" như những teen quý tộc cơ chứ?" - H.P (lớp 10 trường T) bức xúc cho biết.

Tết, ở nhà để...lấy lì xì!

Đó là quan điểm của bạn B.A (lớp 12 trường M). "Mỗi năm chỉ có một lần, phải biết tận dụng chứ! Tuy mình lớn rồi nhưng có ai cấm nhận tiền lì xì đâu! Khách tới nhà, cứ chúc Tết là được lì xì thôi. Hơn nữa, ba mẹ sang nhà người ta lì xì con cái họ mà mình không ở nhà để nhận lại lì xì là...lỗ! Thời hiện đại, phải biết tính toàn suy nghĩ chứ!" - B.A hớn hở.

Trường hợp của B.A không phải hiếm. Một số teen, Tết nhất không chịu đi chơi với bạn bè, chỉ ru rú trong nhà, bạn gọi tới thì líu ríu xin lỗi: "Thông cảm đi. Qua Tết tao với mày...đi chơi thả giàn. Bây giờ phải ở nhà để "kiếm chác"!". Một số bạn đang đi chơi nửa chừng cũng bị gia đình gọi về nhà với lí do: "Khách tới nè con, về lẹ nhận lì xì!"....

o0o

Có vẻ như ngày nay, người ta quên mất ý nghĩa của việc lì xì rồi. Người ta chỉ quan tâm cái phần bên trong của vỏ bao lì xì mà thôi...