Phông chữ

Ngộ nghĩnh Ý có thể thấy ở nhiều cung bậc: một cốc kem 3 viên to đùng, hay sự thân thiện của ông chủ nhà trọ có ngoại hình rất “mafia”...

 

 

Một buổi sáng thứ Bảy kỳ diệu vì… dậy sớm hơn bình thường. Không phải vì những cái hẹn sáng sớm, không phải vì những công việc còn chưa giải quyết, không phải vì các bài thuyết trình còn dang dở, cũng không phải vì những nôn nóng cho chuyến đi xa, mà tự dưng phải dậy vì thấy mình đã ngủ quá nhiều. À, lý trí đã đi vào giấc ngủ rồi đây, lại muốn quản trị thời gian cho giấc ngủ. Thế cũng tốt. Đi bộ một vòng vào buổi sớm tinh mơ, thấy sao chân tay mình khỏe thế, thư thái thế, thở tốt thế, để rồi trở về với một cảm giác no đầy sung sướng, cùng một chút bẽn lẽn không biết rồi sẽ được bao nhiêu cái thứ Bảy kỳ diệu như thế này.

Ngồi vào máy tính, lục lọi trong thư viện bài viết của mình, thấy những cái tên bài hết sức kêu như “Nóng và ngột ngạt”, “Này hoa Paris”, “Tôi muốn làm người văn minh”, “Mã vạch huyền hoặc”, “Văn hóa tàu xe”… Có những cái tên đã xuất hiện trên văn đàn, có tên chưa. Tò mò rê chuột đến “Ngộ nghĩnh Ý”, đó là một cái tên hay. Thời gian dành cho suy ngẫm một cái tên hay và thích hợp với một bài viết cũng lắm gian nan. Dường như đó là cả tâm huyết của người cầm bút, bao giờ cũng mong muốn tác phẩm của mình được vuông tròn.

“Ngộ nghĩnh Ý” có lẽ xuất hiện trong một khoảng cảm xúc nào đó dâng tràn vì chuyến du học hè no nê kiến thức và những lượm lặt đời thường về một châu Âu quyến rũ. Có thể ngộ nghĩnh ở một cốc kem 3 viên to đùng lem tràn phóng khoáng một cách cố ý của cô bán kem dành cho du khách trong đêm đầu tiên đến Venice. Nhưng đấy vẫn là những viên kem nghệ thuật, không tan chảy tèm lem. Ngộ nghĩnh cũng có thể ở xâu chìa khóa khổng lồ với vô số các loại chìa, lẻng xẻng trong tay ông chủ nhà trọ với những hình xăm trông rất “mafia” dần mở từng cánh cửa để dẫn khách đến phòng trọ trong đêm đầu tiên ở Rome.

Ngộ nghĩnh đến rợn người bởi cảm giác khi nghĩ về những bộ phim xa xưa với những ngôi nhà sẫm tối, rộng hoác không một bóng người, không một tiếng động, ngoại trừ tiếng chìa khóa va vào nhau leng keng và cả tiếng động từ chiếc thang máy hai lớp cửa vận hành bằng ròng rọc của “những ngày xưa thơ ấu”.

Cũng có thể Ý ngộ nghĩnh vì ít thấy quán cà phê hơn Paris, vì pizza Ý không ngon như ở… Sài Gòn, hay vì người Ý ít thân thiện hơn người châu Âu khác! Sự ít thân thiện này có thể thấy được ở những chỗ: từ khu nhà trọ, những người dọc ngang trên phố cho đến nhân viên hải quan sân bay Leonardo Da Vinci ở Rome.

Ngộ nghĩnh vì thấy vậy mà không phải vậy. Không phải vậy vì lại có một ông chủ nhà trọ rất dễ thương. Sau vài lần ngần ngại vì… những hình xăm, chúng tôi đã có một buổi tối cuối cùng ở Rome say sưa đến 2 giờ sáng với sự góp mặt của ông người Ý này. Ông nhiệt tình có mặt sau lời mời không chính thức của chúng tôi về một buổi tối rất Việt Nam trong căn phòng do chính ông cho thuê, cùng với một chai rượu vang theo đúng phong cách của khách mời.

Những món gọi cho “kêu” cũng chỉ là nui xào thịt bò, cà chua, xà lách trộn bằng gia vị Ý theo kiểu Việt Nam. Nhưng không sao, tôi thấy ông vui và chúng tôi cũng vui là được rồi. Chúng tôi hát hò trong căn phòng thắp nến. Hát hò trong những khoảng cao hứng kìm nén vì tôn trọng tự do cá nhân của những người hàng xóm, điều chúng tôi học được từ ông chủ nhà trọ khi lần đầu tiên đặt chân tới Rome. Lúc đó, tuy chỉ khoảng 9 giờ tối nhưng cách ông thường xuyên đưa ngón tay lên miệng ra dấu giữ im lặng, cách kéo vali một cách nhẹ êm tránh gây tiếng động và cách mọi người chào hỏi nhau không mấy vồn vã đã cho thấy một thành phố mỗi người vì mọi người.

Chính ông là người thấp thỏm ra vào đầu ngõ để đón chúng tôi do đã trễ giờ hẹn nhận phòng nhưng chưa thấy khách đến. Vậy thì, ông là một người Ý dễ thương. Tôi còn hứa khi nào xuất bản được một cuốn sách sẽ tặng ông bản đầu tiên vì e rằng sách sẽ bán rất chạy, không nhanh tay sẽ hết! Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa làm được điều đó.