Phông chữ

Giả dụ được phép viết lại văn của Hemingway, tôi chắc sẽ đặt bút mà rằng: “Nếu bạn may mắn được sống ở Berlin trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Berlin vẫn ở trong bạn, bởi Berlin là một cuộc hội hè miên man.”

Berlin vừa có thể là Paris, là Hà Nội, hay đơn giản là chính bản thân tôi, hay có khi là chính bạn? Chắc hẳn không phải tình cờ khi khẩu hiệu quảng bá du lịch của thành phố này đẹp một cách tối giản và đầy mời gọi “Be Berlin” - Hãy là Berlin.

Dấu ấn Paris ở Berlin

Berlin là thành phố nơi tôi sống những năm đầu tiên của tuổi trẻ lần đầu xa quê hương, và là thành phố tôi trở lại khi đã trưởng thành. Berlin là nơi tôi bập bẹ những từ tiếng Pháp đầu tiên tại lớp học buổi tối ở Trung tâm văn hóa Pháp Centre Français sau ngày mệt nhoài trên giảng đường.

Lúc trở lại Berlin từ Paris sau vài năm xa cách, tôi dễ dàng tìm lại được môi trường nói tiếng Pháp khi tham gia một nhóm bạn hẹn qua mạng gặp nhau hàng tuần chỉ để giao tiếp trò chuyện bằng thứ tiếng yêu thích này. Địa điểm gặp gỡ là một nhà hàng bán đồ ăn kiểu Provence ngay ven sông Spree ở gần Friedrichstrasse. 

Sự cởi mở của những con người đủ mọi màu da nơi quán xá ấy như một thứ rượu vang tuyệt diệu, làm ta tưởng như mình đang ở một góc nào đó ven bờ kè Jemmapes quận 10 Paris.


Tôi từng ngạc nhiên khi thấy một số địa điểm trung tâm quan trọng của thủ đô Berlin lại có mối liên hệ đến nước Pháp. Sau khi tìm kiểu kỹ, tôi mới biết rằng điều này liên quan đến lịch sử lâu đời giữa hai cường quốc Pháp-Phổ trong quá khứ. 

Quảng trường trung tâm lớn nhất Pariser Platz vốn dĩ mang cái tên khô khan Viereck tức “bốn cạnh,” nhưng được đổi lại vào năm 1814 để kỷ niệm ngày quân Phổ tiến vào Paris trong cuộc giải phóng chống lại Napoleon đã từng xâm chiếm Berlin vào năm 1806.

Quảng trường được coi đẹp nhất thành phố có tên Gendarmenmarkt, từng là khu vực sinh sống của nhiều người Huguenot chạy trốn từ Pháp sang hồi cuối thế kỷ 17, và là địa điểm tập trung của đạo quân tinh nhuệ “Gens d’Armes” dưới thời vua Friedrich Wilhelm I. được thành lập vào năm 1799. Hay lâu đài cho tổng thống Đức ở Berlin cũng được gọi bằng tên Pháp là Bellevue (Tầm nhìn đẹp).

Mối liên hệ mật thiết Đức-Pháp ngày nay được khẳng định bằng hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời là hai trụ cột của khối EU. Cá nhân tôi cũng từng hưởng lợi từ mối quan hệ chiến lược này khi được nhận học bổng đi học ở Pháp từ một quỹ chung của chính phủ hai nước. 

Kênh truyền hình đáng xem nhất ở châu Âu lục địa là ARTE - một kênh hợp tác Đức-Pháp được sản xuất và phát sóng bằng hai thứ tiếng. 

Hầu như mỗi thành phố lớn nhỏ của nước Pháp đều kết bạn với một thành phố tương ứng ở Đức - kết quả của thời kỳ hòa giải sau chiến tranh thế giới thứ II và đặc biệt dưới thời kỳ xích lại gần nhau của cặp bài trùng chính trị Francois Mitterand-Helmut Kohl.

Hà Nội trong lòng Berlin

Bạn muốn ăn phở Bắc chính hiệu? Bạn muốn tìm một không khí đặc chất chợ búa miền Bắc Việt Nam? Tôi sẽ đưa bạn đến chợ Đồng Xuân. Vâng, chợ Đồng Xuân ở Berlin giữa lòng châu Âu. Đây là một khu trung tâm buôn bán của người Việt được xây dựng từ nền móng những tòa nhà xưởng thời Đông Đức cũ bỏ hoang. 

Tính cần cù và sự khôn khéo của người Việt đã làm nên một nơi chốn độc đáo, nơi ngoài hàng ăn và các hàng bán buôn bán lẻ đồ may mặc, lưu niệm, thực phẩm còn có tiệm cắt tóc, góc bán chè xôi, và tất cả các dịch vụ khác đi kèm phục vụ cộng đồng: bác sĩ, luật sư, dịch thuật, phòng vé... Anh chị tôi luôn quả quyết rằng ăn phở chợ Đồng Xuân Berlin vừa ngon vừa sạch hơn phở Thìn Hà Nội.

Không phải tất cả những người đến chợ Đồng Xuân là người Việt. Có rất nhiều người Đức, người vì tò mò, người vì đã quen thuộc và thích ứng với văn hóa, phong cách và dịch vụ của người Việt Nam, đặc biệt là yếu tố nhanh, mềm dẻo và rẻ. 

Người Việt ở đây cũng từ tứ xứ, có người qua lao động hợp tác thời Đông Đức, có người đi nghiên cứu sinh, du học, nhưng chiếm bộ phận không nhỏ là những người sang theo diện đoàn tụ gia đình và những người nhập cư bất hợp pháp. Đặc biệt, một cộng đồng người Việt tương đối lớn khác cũng tồn tại ở Berlin, đó là những người tị nạn hồi những năm 70-80 của thế kỷ trước. Hai cộng đồng này dường như rất ít có tiếp xúc với nhau, dù bức tường ngăn cách Đông-Tây thành phố đã bị phá hủy từ hơn 20 năm trước. 

Dù cả thủ tướng đương nhiệm và tổng thống sắp được bầu đều là người xuất thân từ Đông Đức, nhưng trong số ước tính 100.000 người Việt Nam hiện sinh sống tại Đức, vẫn còn đó một “bức tường” vô hình chia cách. Tuy nhiên điều đáng mừng là giới trẻ của thế hệ thứ hai ít bị ảnh hưởng, đối với chúng sự phân biệt này hầu như không còn giá trị.

Thời sinh viên, tôi từng đi làm thêm nhiều năm tại một cửa hàng hoa của người Việt vào mỗi cuối tuần. Đây là ngành kinh doanh được nhiều người Việt yêu thích, dù công việc khá vất vả. Thị phần các cửa hàng hoa do người Việt làm chủ và đứng bán tăng lên hàng năm ở Berlin. Mật độ cửa hàng cũng dày hơn, sự cạnh tranh cao hơn.

Khi đã hết thời sinh viên rồi và chuyển sang làm nghề khác, một lần tôi tình cờ được người bạn Đức dẫn đến một tiệm hoa rất đặc biệt: đó là tiệm hoa có bán kèm càphê. Một góc nhỏ với sôpha êm ái, hương vị cà phê Việt Nam vương vấn trong hương hoa và khung cảnh cây xanh và trang trí rất có gu của chị chủ cửa hàng Trang Ly - một người Hà Nội thứ thiệt. 

Tôi hiểu rằng nét tinh hoa của người Hà Nội, nếu được đưa vào sử dụng và kết hợp sáng tạo đúng lúc đúng chỗ, sẽ mang đến một kết quả không tồi mà ta có thể tự hào ngay nơi đất khách quê người.

Berlin sexy của tôi

Tôi xa thành phố này tổng cộng hai năm thời sinh viên, rồi xa nó thêm sáu năm nữa khi kết thúc thời dùi mài kinh sử theo tiếng gọi của công việc. Tuy nhiên mỗi lần trở lại Berlin, tôi có cảm giác như đang về “nhà.” Chắc bởi Berlin đối với tôi như Paris với Hemingway thời trai trẻ.


Nếu để tôi chọn đưa bạn đến một nơi ở Berlin mà tôi yêu thích cũng như gắn bó với kỷ niệm thời thanh xuân của mình, có lẽ đó là khu Museumsinsel (Đảo bảo tàng) - Hackescher Markt. Trường của tôi nằm giữa khu này, và mỗi lần di chuyển giữa hai tiết học, tôi thường hấp tấp đi bộ qua đảo bảo tàng, và để kịp giờ học, tôi ăn trưa qua loa ở căng tin hay trong một quán bán Kebab, bánh mì hay bún phở ở khu Hackescher Markt.

Nơi đây trước kia là khu định cư của nhiều người Do Thái, những di tích vẫn còn, trong những di sản đó nay mọc lên các tiệm boutique bán đồ sang trọng, các gallery bán tranh và sản phẩm nghệ thuật, các quán ăn ngon nổi tiếng thành phố, tất cả đều made in Berlin. Đặc biệt, hai rạp chiếu phim nghệ thuật là địa điểm ruột mà tôi thường lui tới, đa phần là một mình vì tôi thường hay xem những phim độc lạ và ít bạn bè quan tâm.

Ngoài thời gian đi xem phim, những lúc được nghỉ trong ngày là khoảng thư giãn tuyệt vời thả mình trên bãi cỏ nhìn những chiếc tàu lướt qua trên sông Spree uốn quanh đảo giữa thành phố, trên tay cầm cuốn sách nhưng tâm tư thì trôi giạt tận đâu đâu, tưởng như đời sinh viên chỉ có thế là mãn nguyện lắm rồi.

Nhiều năm sau tôi trở lại, các bảo tàng đã được trùng tu xong, khu đất bỏ hoang sau trường nay đã thành khu văn phòng sạch đẹp và gọn ghẽ. Điều dễ nhận thấy nữa là số quán bán đồ ăn Việt Nam tăng lên chóng mặt. Nào là Good Morning Vietnam, Cá Vàng, Cochin... ngay cả quán Kotobuki bán đồ Nhật Bản dưới gầm cầu tàu cũng có chủ người Việt. Những người đẹp dễ làm người thưởng ngoạn xao lòng vẫn nằm ngồi la liệt trên bãi cỏ nhìn qua đảo bảo tàng. Nhưng cá nhân tôi thì đã trưởng thành hơn, sự xao xuyến biến thành niềm hoài cổ, tinh thần vô lo của thời sinh viên đã lạc mất phương nào.

Berlin là một thành phố quy tập dân tứ xứ, đồng thời cũng là một thành phố nghèo. Dù thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, số nợ của bang Berlin tăng dần theo từng năm chủ yếu vì lãi suất. 

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nhì nước Đức, người vừa ăn tiền thất nghiệp vừa đi làm chui khá nhiều, đặc biệt trong cộng đồng dân nhập cư. Thành phố đã nghèo càng nghèo thêm, dù thế ba nhà hát opera vẫn đỏ đèn hàng đêm trong mùa diễn, những hàng quán vẫn tấp nập. Không hề gì, như ông thị trưởng thành phố Klaus Wowereit đã từng phát biểu một câu trở thành huyền thoại: “Berlin tuy nghèo nhưng sexy!”

Điểm làm Berlin sexy nhất chính là sự dễ dàng trong việc tìm kiếm bạn tình, dù bạn theo định hướng tình dục nào. Berlin nổi tiếng bởi những câu lạc bộ mà mỗi thứ Bảy những chuyến bay giá rẻ chở thanh niên châu Âu khắp nơi đến thành phố, những người này ở lại từ một đến hai đêm rồi bay về thành phố của họ.

Berlin giang tay chào đón bạn, là nơi mà nhạc techno ra đời, thứ nhạc điện tử khuấy đảo các sàn nhảy và lễ hội trong suốt hơn hai thập kỷ gần đây. Câu lạc bộ nổi tiếng nhất phải kể đến là Berghain - Câu lạc bộ số 1 trong Top 100 Techno-Club thế giới năm 2009 của tạp chí Anh DJ Mag. Nó có sức chứa 1.500 người với sàn nhảy cao 18 mét, quầy bar ở nhiều tầng, đặc biệt ở tầng thượng có phần cửa sổ bằng kính cao chót vót từ sàn lên đến trần mang tên là Panorama Bar, ngoài ra còn có hai phòng darkroom cho những cặp tình nhân bất chợt nổi hứng.

Có nhiều huyền thoại về Berghain, trong đó có huyền thoại về việc người ta đứng xếp hàng chờ đợi cả 5 tiếng đồng hồ ngoài trời tuyết mong vào cửa, để rồi... không được vào. Điểm thu hút của Berghain chính là bạn được là chính bạn, không phải ngại ngần với bất cứ lề thói nào, một khi bạn đã qua được cửa ra vào. 

Ngoài Berghain, Berlin còn có Tresor Club là địa điểm yêu thích của Brad Pitt-Angelina Jolie mỗi khi cặp đôi này tới thành phố, hay Weekend là nơi từng từ chối không cho Paris Hilton qua cửa vì các cận vệ khó chịu của cô.

Berlin có thể quốc tế đến như vậy, nhưng Berlin cũng hoàn toàn có thể là tỉnh lẻ. Người Berlin nói chung tại Đức không được đánh giá cao về sự tinh tế trong ăn mặc và đối xử. Dù là thủ đô với số dân 3,5 triệu - thành phố lớn nhất nước Đức, Berlin phải đợi đến tháng 6/2012 mới có được một sân bay quốc tế lớn thực sự có sức chứa 27 triệu lượt hành khách mỗi năm. Hai sân bay nhỏ được sử dụng trước nay sau ngày đó sẽ bị đóng cửa. Vị thế trung tâm văn hóa và chính trị của nó nhờ đó sẽ được đẩy mạnh. Nhưng với kinh tế trì trệ và không có ngành công nghiệp quan trọng, dịch vụ chủ yếu chỉ tập trung vào du lịch, truyền thông, Berlin luôn bị coi là bang “ăn theo” trong hệ thống tài chính liên bang và chịu cái nhìn thiếu thiện cảm từ những bang giàu có.

Tôi biết ơn Berlin vì nó là nơi cho tôi cơ hội được là chính mình. Tôi luôn nhớ về một buổi chiều mùa đông nào đó cách đây 10 năm, trong cái rét bất ngờ và tuyết rơi đầu mùa, tôi đứng đợi đổi tàu tại một nhà ga ở Paris trên đường từ trường về nhà. Bến tàu đông đúc giờ tan tầm, người đàn ông đứng bên cạnh tôi cầm cuốn tạp chí National Geographic đọc mải miết. Liếc qua một cách vô thức, tôi ngỡ ngàng xúc động khi nhìn thấy tấm hình một chiếc taxi đậu trên một góc phố, băng tuyết phủ kín. Không cần đọc chú thích, tôi quả quyết rằng đó là Berlin - thành phố gắn liền với tuổi trẻ của tôi./.

  • (Đẹp/Vietnam+)