Phông chữ

Xin đừng vội nhầm với món pizza nổi tiếng của Ý, mà piazza của tiếng Ý nghĩa là “quảng trường”. Chúng có mặt khắp Rome, góp phần làm nên nét văn hoá đặc trưng của thành phố này.

 

Tôi xem Kì nghỉ hè ở La Mã (Roman Holiday) trước khi đến Rome, nên khi có mặt ở thành phố này, tôi háo hức đến ngay Piazza de Spagna để nhâm nhi một cây kem Ý, tưởng tượng mình là công chúa Ann như trong phim. 130 bậc thang của Piazza de Spagna dẫn lên nhà thờ Trinità dei Monte và The Pincio với khá đông các văn nghệ sĩ, nhóm ngồi bình luận tiểu thuyết, nhóm làm thơ, nhóm thả hồn theo những ca khúc với cây đàn guitar hay accordion. Quảng trường này đẹp nhất là vào mùa xuân, khi hàng dài hoa đỗ quyên chạy dọc theo từng bước chân lên xuống bừng nở. 

 

Piazza Repulica vào ban đêm

Tôi thích nhất là Piazza Bocca Della. Quảng trường này tuy không đẹp, khó kiếm, dễ dàng đi lướt qua, nhưng lại có mặt trong hầu hết các bưu thiếp vì huyền thoại “cái miệng sự thật” (Bocca della Verità). Ngay cổng vào nhà thờ Santa Maria in Cosmedi, bên hông quảng trường, là mặt sư tử hình tròn bằng đá, đường kính khoảng 1 mét. Tương truyền rằng cái miệng đang há rộng của nó sẽ cắn bàn tay của những kẻ nói dối. Hẳn ai cũng muốn chứng minh mình là kẻ thật thà nên lúc nào cũng có một một hàng người dài trước mặt sư tử, người này tiếp người kia thò tay vào miệng sư tử vài giây rồi hớn hở quay ra.

 

Một em bé thò tay vào Bocca della Verità

Điều khiến cho Piazza Navona luôn tấp nập về đêm là “chợ vẽ”, mỗi họa sĩ một phong cách khác nhau, từ bút chì đến màu nước, từ nghiêm túc đến biếm họa… Giá cả đồng đều 10 euro cho một bức chân dung to khổ A1. Quảng trường Navona đã chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm, biến động của thành Rome. Piazza này từng sân vận động Domitian với sức chứa 30.000 khán giả, đến giữa thế kỉ 15 lại là nơi diễn ra những cuộc đấu bò và đấu thương trên ngựa.

Tượng đài Bốn dòng sông giữa quảng trường được xem là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nhà điêu khắc nổi tiếng Bernini. Một giáo hoàng đã từng nói: “Bernini được sinh ra cho Rome và Rome được sinh ra cho Bernini”. Bốn dòng sông đại diện cho bốn châu lục: Danube (châu Âu), Ganges (sông Hằng, châu Á), Nile (châu Phi), Plate (châu Mỹ), trên cùng là cây thánh giá biểu thị quyền uy của giáo hội.

 

 

Vẽ tranh tại Piazza Navona

Ở Rome, còn nhiều nhiều piazza khác nữa. Như Piazza Numa và câu chuyện về tàn tích nhà tắm công cộng Caracalla có sức chứa 1600 người, nơi người La Mã cổ đại giao lưu xã hội như tập thể dục, xông hơi, mát xa, giải trí, đọc sách, xem tranh, hẹn hò, mua sắm, bàn công việc làm ăn… Hay một tàn tích phòng tắm công cộng khác tên Diocletian ở Piazza della Repulica. Rồi Piazza Venezia với nhà ngục Mamertime, nơi vô số tù nhân bị hành hình hoặc bị bỏ đói đến chết, nơi vẫn còn lưu truyền câu chuyện thánh Peter bị giam cầm và được một thiên thần giải cứu. Hay Piazza Monte Savello với đền thờ thần Hercules và Portunus - thần bến cảng, Piazza Barberini với tượng đài thần Triton nửa người nửa cá qùy trên vỏ sò đang mở, bên dưới được nâng đỡ bởi 4 chú cá heo…

 

Piazza Trevi

 
23g đêm cuối ở Rome, tôi lẫn trong rất nhiều người đang ngồi chật kín một piazza quanh đài phun nước Trevi, nơi bức tượng Hải Thần cưỡi ngựa biển đồ sộ chiếm phần lớn không gian nhỏ bé của quảng trường. Bên phải Hải Thần là Thần Sức Khỏe, bên trái là Thần Sung Túc, bên trên là cô gái trẻ dẫn quân đội La Mã đang khát nước đến dòng suối Aqua Vergin, mà ngày nay vẫn còn đưa nước đến Trevi và các đài phun nước khác ở Rome. Truyết thuyết cho rằng ai uống nước ở đây hoặc thảy đồng xu xuống hồ sẽ quay trở lại Rome. Tôi cũng thảy một đồng xu xuống hồ, hy vọng một ngày trở lại, vì một lần đi không đủ để nghe kể hết một phần nhỏ trong kho tàng hàng ngàn sự tích về các quảng trường ở thành phố không có tuổi này.