Phông chữ

Chuyến bay VN 545 của hãng Hàng không quốc gia VN đưa chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức lúc hơn 6h sáng. Ngoài trời vẫn tối như quá nửa đêm ở Việt Nam. Mùa đông Frankfurt lạnh hơn nhiều so với Hà Nội, song ai nấy đều cảm nhận cái lạnh phóng khoáng, mơn man mà không bị buốt cóng. Hình như đó là sự khác biệt về thời tiết mà thiên nhiên ở vùng ôn đới tạo ra cho Frankfurt và châu Âu. Và có lẽ đó cũng là một trong những điều kiện để Frankfurt trở thành một thành phố năng động, trung tâm tài chính quốc tế, đa dạng về văn hóa…

Một Frankfurt hiện đại mà cổ kính

Tôi may mắn có vài lần transit qua sân bay quốc tế Frankfurt, nhưng đây là lần đầu được đến thành phố. Frankfurt am main - tên đầy đủ của Frankfurt, là thủ phủ của Bang Hessen Wiesbaden. Thành phố nằm trên hai bờ sông Main thơ mộng, ở vị trí được coi là trái tim của nước Đức và châu Âu. Đây là trung tâm về tài chính, ngân hàng với sự giao thương của nhiều nền kinh tế lớn. Các tên tuổi của hàng trăm hãng tài chính, ngân hàng nổi tiếng thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu, Deutsche Bank AG, Commerzbank AG, Dresdner Bank AG, Bankhaus Metzler, BHF Bank… đều hiện diện ở đây. Frankfurt cũng nổi tiếng với những công trình kiến trúc, những quảng trường, nhà thờ cổ, hệ thống giao thông vào bậc nhất châu Âu.

Với thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi "cưỡi ngựa xem hoa" tại Viện Bảo tàng tự nhiên Senekenberg và Quảng trường Romerberg, nơi luôn tấp nập du khách. Tòa thị chính thành phố và nhà thờ Saint Nicolas được xây dựng từ thế kỷ XIV tạo cho nơi đây một khung cảnh uy nghi tráng lệ. Nét cổ kính dường như vẫn còn nguyên vẹn trên từng ô cửa sổ, những mái vòm, những hàng rào và cả những viên đá lát.

Cũng như nhiều thành phố khác của Đức, sau Thế chiến thứ 2, quang cảnh Frankfurt đã bị tàn phá bởi bom đạn. Trung tâm thành phố ngày nay được thiết lập từ năm 1333. Trải qua biến đổi lớn, đầu Thế kỷ thứ XIX, thành lũy bảo vệ thành phố với những pháo đài lớn bị phá đi và thay vào đó là những vành đai công viên bao bọc phố cổ. Nhiều nhà cao tầng ở Frankfurt được hình thành từ những năm 1950. Tuy nhiên xen kẽ trong đó, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những ngôi nhà cổ kính là chi nhánh của những ngân hàng từ đầu Thế kỷ XX.

Những ngày ở Frankfurt, tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề giao thông, đi lại. Kể cả đường bộ, hàng không và đường sắt, Frankfurt là một trong những đầu mối giao thông quan trọng nhất châu Âu. Ngã tư cắt giữa xa lộ liên bang số 5 và số 3 là nơi có lưu lượng xe hàng đầu châu Âu. Cảnh hàng không Frankfurt với gần 70 triệu lượt khách trong năm. Nhà ga trung tâm Main có hơn 350 nghìn lượt khách mỗi ngày.

Từ trung tâm thành phố đến các vùng phụ cận và ngược lại là hệ thống mạng lưới tàu điện ngầm, xe buýt giúp cho việc đi lại, vận tải rất thuận lợi. Ngồi trên các xe buýt chạy với tốc độ chóng mặt trên xa lộ, với hệ thống biển báo, đèn tín hiệu hết sức rõ ràng, hấp dẫn, dễ hiểu; hay lưu thông cực kỳ trật tự trên những con phố nhỏ trong khu mua sắm đông đúc, chúng tôi luôn ước ao khi nào giao thông ở Việt Nam ta được thế này?

Tác giả, Nhà báo Dương Đức Quảng và vợ chồng anh Tuấn Anh tại nhà riêng.

Buổi tối, là chúng tôi được tận hưởng giây phút thư thái trong quán cà phê trong một nhà hàng bên bờ sông Main thơ mộng gần cây cầu sắt dành cho người đi bộ. Tôi không nhớ chính xác, nhưng quy ra tiền Việt Nam khoảng hơn 200 ngàn 1 ly cà phê đen nóng, có thêm ít sữa miễn phí. Cà phê ở đây không thể sánh với bất kỳ hãng nào ở Việt Nam, nhưng bù lại chúng tôi được ngắm khung cảnh lung linh huyền ảo của dòng Main mà tôi mới chỉ biết qua sách báo. Chúng tôi còn được thưởng thức một bữa bia tươi bán theo mét với chân giò nướng. Ở Hà Nội uống bia tươi Đức đã thấy khoái khẩu, đằng này ngồi ở đất Đức, được uống bia tươi Đức, với đồ ăn và phong cách phục vụ kiểu Đức, mỗi chúng tôi cũng cố làm được dăm vại.

Hình ảnh, văn hóa Việt nơi xứ người

Tôi quyết định bỏ lịch đi shopping tại trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Frankfurt để theo nhà báo Dương Đức Quảng đến thăm gia đình người quen của anh. Vợ chồng Tuấn Anh, ngụ ở tỉnh marburg cùng bang Hessen, cách Frankfurt khoảng 100km. Sau gần 1 giờ đồng hồ chạy trên xa lộ, qua mấy con phố nhỏ, chúng tôi đến khu Am Grassenberrg 7, tỉnh Marburg, nơi ở của gia đình Tuấn Anh. Tôi và nhà báo Dương Đức Quảng không khỏi ngạc nhiên trước căn biệt thự cổ, độc lập, thầm mừng cho gia đình Tuấn Anh. Căn biệt thự không lớn nhưng khá đẹp, nằm bên sườn đồi với đường lên thuận tiện, có gara, tầng hầm, một mảnh vườn nhỏ, lò sưởi, phòng tập thể dục. Nằm trong khuôn viên gần 400 mét vuông, nếu ở Việt Nam căn biệt thự hẳn phải có giá vài chục tỷ, nhưng Tuấn Anh bảo, giá hiện tại ở Đức, biệt thự này khoảng gần 10 tỷ đồng tiền Việt Nam.

Đường dẫn vào Quảng trường Romerberg cổ kính.

Đã được thông báo trước, vợ Tuấn Anh, Phạm Thùy Chinh đang bận trong bếp với món nem rán, thịt nướng, rau súp lơ xào chuẩn bị đãi khách. Chinh bảo mỗi khi có bạn bè là người Việt đến chơi, vợ chồng Tuấn Anh lại bày ra các món ăn Hà Nội để thết khách. Các phòng nhỏ, nhưng độc lập trong nhà được trang trí không khác Việt Nam. Trên các góc tường, tôi thấy có mấy bức tranh sơn dầu vẽ tĩnh vật, phố cổ Hà Nội, chân dung thiếu nữ, làm không gian căn phòng rất gần gũi. Đó là những bức tranh do Chinh vẽ. Cô tự học hội họa và thích vẽ những gì về quê hương, đất nước để vơi nỗi nhớ nhà. Hiện Tuấn Anh làm kỹ sư phụ trách kỹ thuật cho một công ty chế tạo và phát triển hệ thống thủy lực. Chinh, vợ anh mở một hàng ăn, bán đồ Nhật ở gần nhà. Mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập gần 3 nghìn Euro. Số tiền đủ trang trải cho gia đình và lo cho các cháu học hành.

Hai con của họ Nguyễn Viết Long lớp 12 và Nguyễn Thúy An lớp 6, đang học Gymanasium - một hệ đào tạo mà sau này có thể làm được tú tài hay đại học. Tuấn Anh bảo rằng, nếu so với những người nước ngoài đang cư trú làm ăn ở Đức thì cộng đồng người Việt quan tâm đến việc học hành của con cái hơn. Số con em người Việt hàng năm thường có thành tích khá cao trong học tập, vì vậy người dân bản xứ ở đây họ rất quý và trọng người Việt Nam. Tôi trân trọng suy nghĩ và việc làm của vợ chồng Tuấn Anh. Họ không chỉ lo giữ truyền thống văn hóa Việt Nam trong những sinh hoạt gia đình mà còn muốn người Việt hòa nhập tốt cộng đồng người Đức.

Những ngày ở Frankfurt tôi gặp khá nhiều người Việt. Họ là những người lao động, học sinh, sinh viên hay đến Đức vì một lý do gì khác, tất cả đều chăm chỉ làm ăn và gìn giữ sinh hoạt mang đậm hồn Việt. Trang Nhung, có mẹ nguyên là cán bộ Công an Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang sống với vợ chồng Nhung ở Frankfurt tâm sự: "Người Việt chúng cháu ở đây chỉ lo làm lụng sao đủ sống, nếu dư giả một chút giúp người thân trong nước. Ngày Tết mẹ thường bày các món ăn Việt Nam cho cả nhà ăn". Mai, chồng Nhung, tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, nhưng đang làm cho một hãng hàng không ở Đức. Rất tiếc chúng tôi không đủ thời gian đến nhà Nhung theo lời mời để hiểu thêm cuộc sống của họ và có điều kiện chuyện trò cùng người đồng nghiệp cũ.

Khác với hai bạn Tuấn Anh và Nhung, câu chuyện mà bạn Đặng Văn Hải, hướng dẫn viên của một công ty lữ hành khiến tôi không khỏi xúc động. Chuyện là, cách đây mấy năm, khi con gái Hải đang học lớp 6 và được trường cho sang Bỉ dự trại hè quốc tế. Khi được đi thăm quan vào khu bán hàng lưu niệm tại trụ sở EU, cháu mua và đem về tặng bố một lá cờ Việt Nam. Hỏi về món quà, cháu bảo rằng, mua về cho bố đặt lá cờ trên bàn làm việc để luôn nhớ về Việt Nam, về ông bà nội, ngoại…

Còn nhiều nữa những câu chuyện cảm động về người Việt Nam ở đây vươn lên làm giàu và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, không thể kể hết. Dù vậy không thể không nói tới việc Ngân hàng cổ phần Thương mại Việt Nam (Vietinbank) mở chi nhánh tại Frankfurt.

Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết: Với 150 nghìn người Việt Nam sinh sống, việc mở chi nhánh ở Frankfurt không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con quan hệ tài chính làm ăn với đối tác trong, ngoài nước mà chi nhánh Vietinbank cũng có điều kiện phát triển. Frankfurt nói riêng, nước Đức nói chung có những quy định cực kỳ ngặt nghèo trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, vậy mà Vietinbank đã vượt qua những kiểm tra để cơ quan Giám sát tài chính Đức chấp nhận cấp phép hoạt động là điều đáng mừng.

Sự hiện diện của Vietinbank ở đây không chỉ nói lên sự trưởng thành của ngành Ngân hàng Việt Nam mà cao hơn, như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, là thể hiện sinh động quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa Việt Nam - CHLB Đức, thể hiện vị thế Việt Nam nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng trong hội nhập kinh tế thế giới.

  • Theo Phạm Văn Miên, CAND Online