Phông chữ

Praha là một thành phố đẹp. Đẹp một cách êm dịu. Cảm giác này bừng lên ngay từ khi chúng tôi đặt chân lên thành phố. Nắng đã hưng hửng. Nhà cửa phố xá xam xám lìm lịm. Thứ lìm lịm của một đô thị đi qua bao nhiêu biến thiên vẫn giữ được cho mình nét đặc trưng cổ kính. Đường trải dài mịn màng, xe cộ trật tự trong tốc độ chóng mặt. Cây cối qua đi mùa băng tuyết vào xuân đang đâm chồi nảy lộc. Lác đác hoa vàng hoa trắng, hoa tím đã rộ bông.

Có dễ từ mấy năm trước, chúng tôi đã ấp ủ làm một phim truyện về đề tài cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài. Nhưng để làm được chuyện đó đâu phải dễ, nhiều thứ khó khăn lắm, có lẽ trở ngại lớn nhất là làm sao quay được ở nước ngoài và vấn đề đầu tiên chính là kinh phí. Cứ lần lữa mãi, rồi cái dự án làm phim kia cũng chính thức được đưa ra khởi động. Bởi vậy tôi mới có chuyến đi này cùng với biên kịch Trần Hoài Văn, người được chọn giao viết kịch bản. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tìm hiểu thực tế đời sống cộng đồng người Việt ở Séc, ở Ba Lan.

Thời gian đi gấp gáp, tôi đã phải mất khá nhiều công sức mới lấy được visa kịp cho chuyến đi đã được sắp xếp sẵn từ vé bay, giấy mời đến nơi ăn ở. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải giám đốc cơ quan tôi (Trung tâm sản xuất phim truyền hình) đã trù liệu đủ mọi thứ, anh chép cho chúng tôi mấy số điện thoại bảo đến sân bay nếu không thấy người đón thì cứ việc nhá máy là ổn hết.

Nhất trí là ổn, tôi đã đi châu Âu một chuyến dăm năm trước nên cũng na ná biết cách thức ăn ở đi lại. Thêm nữa bạn đồng hành của tôi, Trần Hoài Văn chả lạ lẫm gì mấy nước Đông Âu này. Văn từng học báo chí ở Nga, từng sống ở Ba Lan đến hơn chục năm, trước khi hồi hương gia nhập vào quân số truyền hình nên đường đi nước bước cứ gọi là thổ công còn phải vái.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại khu chợ Sapa (Praha).

Mọi cách rách rồi cũng qua, bỏ đi ấn tượng chẳng mấy dễ chịu khi transit qua sân bay Moscow, cái đích của chúng tôi đến khá là suôn sẻ. Tôi chưa từng đến nước Nga vẫn cứ ao ước một chuyến đi thăm đất nước vĩ đại của những Sekhop, L.Tônxtôi, Ðôxtôiepxki…nhưng quả thật, sự khe khắt của công việc kiểm tra an ninh cộng với thái độ lạnh lùng của những nhân viên sân bay kể cả những người bán hàng dịch vụ khiến tôi mất đi ít nhiều thiện cảm và tự nhủ sẽ phải tạm hoãn lại giấc mơ Nga của mình.

Praha là một thành phố đẹp. Đẹp một cách êm dịu. Cảm giác này bừng lên ngay từ khi chúng tôi đặt chân lên thành phố. Nắng đã hưng hửng. Nhà cửa phố xá xam xám lìm lịm. Thứ lìm lịm của một đô thị đi qua bao nhiêu biến thiên vẫn giữ được cho mình nét đặc trưng cổ kính. Đường trải dài mịn màng, xe cộ trật tự trong tốc độ chóng mặt. Cây cối qua đi mùa băng tuyết vào xuân đang đâm chồi nảy lộc. Lác đác hoa vàng hoa trắng, hoa tím đã rộ bông.

Đón chúng tôi ở sân bay là diễn viên Xuân Bắc và anh Tạ Quốc Huân, người lo việc ăn ở cho chúng tôi những ngày ở đây. Sở dĩ có Xuân Bắc là vì vị diễn viên hài kiêm MC có số má quê Phú Thọ này đang cùng diễn viên Tự Long có mặt để giúp hội đồng hương Phú Thọ tại Séc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên đất bạn. Cả Bắc và Long cũng như chúng tôi đều tá túc cậy nhờ nơi vợ chồng anh Huân, chị Hải.

Đã tối nhưng cả trời đất Praha vẫn sáng tửng. Tôi ngạc nhiên về điều này thì Trần Hoài Văn phẩy tay giải thích. Đại loại mùa nóng bên này trời sáng đến tận đêm, thậm chí ở Leningrad (bây giờ là Saint Petersburg) vào tháng Sáu có những đêm không một chút bóng tối nào, được gọi là Đêm Trắng. Cảm giác êm dịu về Praha càng được củng cố khi xe của anh Huân chở thẳng chúng tôi về nhà riêng. Căn biệt thự xinh xắn cùng sự đón tiếp thân tình, chu đáo của vợ chồng chủ nhân cho tôi tận hưởng sự thư thái sau bao vất vả chuẩn bị của chuyến đi và linh tính cái thằng tôi mách bảo, một chuyến đi chẳng đến nỗi nào đã thực sự hiển hiện.

Sapa là một nơi thật đặc biệt dành cho người Việt. Trung tâm thương mại này nằm trên một khoảnh đất vài chục hecta ở vùng 4 Praha, thuộc chủ quyền hoàn toàn của người dân xứ mình do các cổ đông đã mua đứt, có sổ đỏ từ phía chính quyền sở tại. Ngay sớm hôm sau tôi đã được anh Huân chở ra khu chợ để rồi một mình cái thằng tôi tha thẩn cả ngày ở khu chợ sầm uất như một kẻ phát vãng vô tích sự. Nghề văn, nghề báo không dễ mấy khi chộp được những cơ hội thế này. Tôi lần tìm vào từng ngóc ngách, từng gian hàng, có thể hỏi han tâm sự với bất kỳ một người Việt nào để tìm hiểu tình hình đời sống.

Trần Hoài Văn thì ngay từ sáng sớm đã đi theo một đoàn viếng đám tang của một phụ nữ người Việt sinh năm 1974, chủ một quán casino vừa bị sát hại ở cách Praha hơn trăm cây số. Nghe nói chị bị một người nước ngoài xuống tay để cướp tiền. Hung thủ đã bị bắt. Cái chết có vẻ gây rúng động trong cộng đồng người Việt. Rúng động chứ, an ninh của các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc sau khi gia nhập khối Schengen đã được đảm bảo tốt hơn nhiều, những vụ cướp giết như thế này từng là nỗi ám ảnh của không chỉ người dân Việt từ lâu đã giảm thiểu nếu như không muốn nói chỉ còn là hãn hữu.

Khu Sapa được phân thành nhiều khu với rất nhiều gian hàng, gian kho. Các gian hàng lớn thì vài trăm, nhỏ thì vài chục mét vuông được các hộ dân thuê theo hợp đồng với ban quản lý Sapa. Hầu hết họ là người Việt. Thoảng nhặt lác đác cũng có các hộ buôn bán người Hoa và một vài nước khác. Với người Hoa có lẽ đây là nơi duy nhất họ phải thuê đất của người Việt để làm ăn.

Thật khó hình dung nếu như chưa mục sở thị khu Sapa này. Đây là khu bán buôn trung chuyển hàng từ Italia, Thổ, Trung Quốc, Việt Nam, Anh, Pháp, Thái Lan… đến các chợ trong nước Séc và cả các nước trong khu vực. Mỗi ngày có đến dăm chục container cỡ 40 fit hối hả xuống hàng. Chỉ tính riêng khâu bốc xếp cửu vạn, chợ Sapa có riêng một đội chuyên dụng lành nghề không phải người Việt mà toàn là Tây bản địa. Làm thế để bảo mật thông tin hàng hóa. Thời buổi cạnh tranh kinh tế, bí mật thông tin hàng hóa cũng là một yếu tố cần thiết để đảm bảo kinh doanh thắng lợi.

Tôi gặp gỡ khá nhiều bà con tiểu thương trong chợ. Họ ở nhiều thành phần đa dạng. Đó có thể là một bà chủ cai quản vài trăm mét vuông cửa hàng, có khi chỉ là một cặp vợ chồng trẻ chưa đến 30 mới sang Séc ít năm nhưng cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư gian hàng dăm bẩy chục mét. Lại có khi chỉ là một gian cắt tóc gội đầu đơn giản hơn chục mét mà chủ nhân của nó là một phụ nữ trẻ hay một phòng khám đa khoa của một bác sĩ, và đương nhiên có rất nhiều người không có vốn chấp nhận làm thuê độ nhật. Với những hộ buôn bán lớn, họ đều tự mình nhập hàng từ nước ngoài theo những hợp đồng cá nhân rồi chuyển hàng về và phân phối. Tất nhiên đã là chợ thì không thể từ chối nhu cầu bán lẻ. Đủ mọi mặt hàng từ quần áo vải vóc đến các mặt hàng dân dụng khác.

Đen đủi cho tôi đến Sapa vào đúng dịp cuối tuần nhưng vắng khách nên sự thu nhận của tôi phần nhiều là ta thán về hàng họ ế ẩm của mọi người. Thậm chí có người chẳng biết nói đùa hay nói thật bảo vỡ nợ đến nơi rồi, sắp hồi hương rồi anh ơi. Điều này thì không cần họ phải kêu tôi cũng biết. Cộng đồng hơn 6 chục ngàn người Việt định cư ở Séc không phải ai cũng có được điều kiện kinh tế khá giả. Hầu như đa số họ cũng như những người đồng bào nơi quê hương bản quán đều phải vất vả trăm bề để lo cuộc mưu sinh thường nhật. Vất vả, thật vất vả đâu phải nơi đất khách này là thiên đường như không ít người lầm tưởng.

Vài ngày ở Praha tôi và Trần Hoài Văn đều chỉ quanh quẩn trong khu chợ Sapa. Có thể nói không quá, nơi đây như một xã hội thu nhỏ của người Việt ở Séc. Những nhân vật trọng yếu của cộng đồng người Việt, chúng tôi được may mắn tiếp xúc cũng đều ở nơi này. Đại sứ Đỗ Xuân Đông, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và nhiều người khác có mặt ở buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Hội đồng hương Phú Thọ tổ chức lần thứ nhất.

Một buổi lễ giản dị nhưng trang trọng, xúc động và tràn đầy niềm tự hào mảnh đất con Rồng cháu Lạc. Cả hội trường Đông Đô vài trăm ghế chật kín. Có đám rước tượng vua Hùng cùng đoàn người đủ lão ấu nam thanh nữ tú trong trang phục dân tộc, có lễ tế dâng hương với đầy đủ mọi nghi thức. Rồi văn nghệ văn gừng rôm rả. Lễ giỗ tổ Hùng Vương thu hút nhiều người không chỉ là dân Phú Thọ, không chỉ cư trú ở Séc, họ đến từ nhiều vùng, từ nhiều nước lân cận.

Tạ Quốc Huân, vị chủ nhà thân thiện của đám chúng tôi chính là chủ tịch Hội đồng hương Phú Thọ, người cùng các đồng hương của mình đã cất công bằng mọi cách để có được buổi lễ thành công. Nhìn khuôn mặt hân hoan của mọi người không phân biệt giàu nghèo, sang hèn cùng vui bên nhau, tôi càng thấm thía cái tình yêu xứ sở quê hương của những người xa xứ. Với họ ngoài sự mưu sinh còn có một nỗi niềm, một miền đất với những người thân làm động lực vượt tất thảy mọi trở ngại để vươn lên tồn tại.

Nói Sapa như một xã hội thu nhỏ của người Việt ở Séc là điều không quá một chút nào. Tại nhà hàng 999 đặt trong khuôn viên Trung tâm thương mại của anh Giang Thành, một người mới gặp thấy khó khó khô khô nhưng lại hết sức xởi lởi chân tình, tôi đã được gặp nhiều văn nghệ sĩ, doanh nhân của cộng đồng. Nói chút ít về Thành, anh sang Séc học nghề từ năm 1988, làm đội trưởng phiên dịch quản lý lao động rồi chuyển kinh doanh. Hiện tại anh là cổ đông của khu Sapa, ngoài quán 999 còn sở hữu nhà hàng Little Hà Nội, dân Séc gọi là tiểu Hà Nội. Tại đây vô tình chúng tôi đã có buổi đọc thơ đầm ấm bên cốc bia tươi Tiệp ngon  nức.

Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Bá Ngọc Dinh miệt mài đọc thơ, Trần Hùng Quân hì hụi cho trang web secviet.cz  với chức năng trung tâm tư vấn cho người Việt tại Séc. Không thiếu bất ngờ khi Trần Hoài Văn nhận ra đạo diễn Trần Quang Hùng, người học đạo diễn tại Séc từng thành lập nhà hát kịch Minavest, từng đạo diễn những vở kịch như "Ba con lợn vui vẻ" cho diễn viên Séc công diễn hàng trăm buổi thành công. Hiện tại anh Hùng lập công ty truyền thông Vietmedia tổ chức làm vài tờ báo cộng đồng và không thể không nói đến công lao của anh đã tài trợ cho tờ tạp chí Viet Magazin, tờ báo người Việt duy nhất in bằng tiếng Séc phát hành miễn phí cho độc giả chủ yếu là người Séc mỗi tháng 1 số.

Cũng tại đây tôi đã gặp vợ chồng Nguyễn Hoài Vũ và Vũ Thu Hậu đang kinh doanh Công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện Ý tưởng vàng. Chính công ty này đã tổ chức sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương và hầu như tất cả những sự kiện khác. Nhưng có lẽ thú vị nhất khi tôi phát hiện ra chính công ty của đôi bạn trẻ này có cổ phần một xưởng in và nhiều ấn phẩm trong nước đã được in ấn ở đây. Tôi đã thật sự xúc động cầm trên tay tờ Cảnh sát toàn cầu, tờ An ninh thế giới… còn thơm mùi mực, thậm chí chưa đóng xén nằm chất đống trên giá.

Tác giả và chị Hậu trong xưởng in.

Về những cỗ máy in này có những điều thật ly kỳ. Nhà in PDP của một người Séc đã được đầu tư vào Việt Nam mấy năm trước. Mất khá nhiều chi phí nhưng nhà in không hoạt động được, máy móc đắp chiếu nằm tại chỗ coi như phá sản, thậm chí họ không còn đủ tiền để đưa máy móc về nước. Cặp Vũ, Hậu đã hùn vốn 49 phần trăm đưa máy móc về Séc và đưa vào hoạt động lấy tên mới là nhà in Ý tưởng vàng. Mới chỉ là bước đầu nhưng tôi tin bằng tuổi trẻ, nhiệt huyết và đam mê họ sẽ có được những gì mong muốn.

Rời Praha, tôi vẫn chưa có một dịp nào để được chiêm ngưỡng thật lâu những kỳ quan của thủ đô thanh bình này. Quảng trường Con Gà với tháp đồng hồ thiên văn cổ kính, cầu Tình (Karel) với bề dày lịch sử hàng ngàn năm… Dù vậy Praha với tôi lần này có lẽ chỉ một Trung tâm thương mại Sapa là đủ. Đó là một xã hội Việt Nam thu nhỏ đủ để nói bao nhiêu điều về số phận những người dân Việt nơi đất khách.

Có lẽ là may mắn, khi rời Praha đi một vài vùng biên giới, tôi và Trần Hoài Văn được quá giang xe của cặp đôi Bùi Minh Chiến và Nguyễn Đức Hùng, hai nhân vật chủ chốt của công ty SHC Media đang trên đường công vụ lo cho buổi biểu diễn của Trung tâm Vân Sơn tại Praha tối 29 tháng 4. Công ty của hai anh nằm trong ban tổ chức tại Séc. Đây là buổi biểu diễn được quảng cáo là một live show ca nhạc và hài kịch đặc biệt lần đầu tiên ở châu Âu được ghi hình trực tiếp và phát hành băng đĩa trên toàn thế giới. Chiến cũng chính là người lo tổ chức những show diễn của nhiều nhóm nghệ sĩ trong nước sang Séc biểu diễn trong đó có nhóm Táo quân vài tháng trước.

Trong 3 ngày cật lực, đoàn chúng tôi đi được khá nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người cả thành đạt lẫn khốn khó đang sống gần như khắp nước Séc. Chúng tôi qua thành phố điện ảnh Karlovy Vary đến với thành phố biên giới Cheb tiếp giáp với Đức. Tại đây lại một lần nữa chúng tôi xúc động vì khu chợ người Việt nằm sát biên giới dưới sự quản lý của anh Trần Văn Đang, Tổng giám đốc TTTM Asia Dragon Bazar. Nếu nói về quy mô thì ở đây thua khu Sapa nhưng tinh thần Việt thì có lẽ không kém.

Cũng là khu chợ biệt lập, anh Đang cho dựng hẳn một ngôi chùa lớn trong khuôn viên và tặng cho cộng đồng người Việt sử dụng. Một đường phố với mô hình gian dưới là siêu thị mi ni, cửa hàng, tầng trên dành làm nơi ở. Đáng trân trọng là đường phố này có biển hiệu hẳn hoi mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Một khu người Việt trong lòng thành phố Séc có đường phố riêng mang tên danh nhân nước mình sao lại không có thể tự hào được.

Chiều đó mưa rét, chợ vãn người, tôi vẫn hì hụi chụp bằng được tấm ảnh biển hiệu đường phố và tối ấy, trong một cảm xúc thư thái hiếm gặp trong những chuyến du hành gấp gáp, tôi đã nốc cật lực rượu vodka để say niềm say sướng của một kẻ hậu bối bỗng chốc được gặp tiền nhân ở chốn không ngờ. Tấm biển đường phố mang tên Trần Hưng Đạo thực sự là sự kiện lớn gây cảm xúc rất mạnh cho tôi trong chuyến đi này.

Đường phố Trần Hưng Đạo trong khu chợ người Việt.

Ở Cheb còn có một việc tôi thấy cũng đáng phải kể ra. Một thời ở nước mình, phải là dân có máu mặt mới tậu được những chiếc xe thời trang Eska, Favorit. Vâng, ở Việt Nam bây giờ vắng bóng những chiếc xe đó. Và ở Cheb, trên cái nền nhà máy một thời đã sản xuất ra những chiếc xe lừng danh kia, giờ là một khu kho do chính người Việt mua lại sử dụng làm nơi chứa hàng. Nhà máy xe đạp này nếu có được lưu giữ thì có lẽ lại nằm chính ở ký ức của những người Việt, trong đó có tôi, người từng cưỡi chú Eska nam khung ngang oai hùng một dạo.

Có lẽ tôi và Trần Hoài Văn phải cảm ơn hai anh Chiến, Hùng rất nhiều vì chuyến đi. Nhờ đường sá giao thông thuận tiện, tốc độ đạt đến 130km/h nên dù có ít thời gian chúng tôi đã đi được khá nhiều. Những địa danh hoàn toàn xa lạ như Brno, Znojmo…và cả Bratislava, thủ phủ của nước cộng hòa Xlovakia tách ra từ Tiệp Khắc cũ đã trở thành những miền đất đáng nhớ trong xúc cảm. Ở Bratislava, tôi và Văn được một doanh nhân là anh Phạm Hùng chia sẻ nhiều điều về cuộc sống của những người Việt ở đây. Có những người thành đạt và không ít người thực sự khốn khó.

Rời Bratislava bằng tàu hỏa, một đêm ngủ trên giường nằm tôi và Văn đến Warzawa. Năm 2004, tôi đã đến nơi đây trong chuyến đi của đoàn Hội Nhà văn Việt Nam thăm và làm việc với Hội Nhà văn Ba Lan. Ấn tượng chuyến đi đó khá sâu đậm nên khi trở lại mặc nhiên cái thằng tôi có quá nhiều điều đáng nói, nhất là bạn bè. Tôi đã được gặp lại những người bạn như Tiến sĩ Hoàng Trần Đồng, em ruột nhà thơ Hoàng Trần Cương.

Đồng gặp một chuyện buồn hai năm trước. Nga vợ anh mất vì ung thư. Tro cốt của em đã được chuyển về nước. Tôi đã tìm đến nhà Đồng, đặt lên bàn thờ cuốn sách của mình thay cho nén nhang thắp cho Nga được bình yên nơi đất mẹ. Có lẽ không vượt qua nổi nỗi cô đơn lẻ bạn buồn bã nơi xứ người, Đồng đã quyết định thu xếp trở hẳn về nước vào cuối năm. Còn nhiều người khác nữa như anh Cường cũng là một tiến sĩ sau bao biến thiên cuộc đời giờ sống một cuộc sống bình lặng lấy sinh hoạt văn hóa cộng đồng làm niềm vui.

Lại nhớ anh em Đỗ Quân đã chuyển hẳn công ty TSQ trở về đất nước đầu tư và đang là một doanh nghiệp lớn có uy tín về bất động sản ở Việt Nam. Chính Đỗ Quân là người cùng TSQ của mình khi còn ở Ba Lan đã tổ chức cho nhiều nhà văn, nghệ sĩ sang thăm và hoạt động nghệ thuật tại đất nước Ba Lan.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có không ít tương đồng với những người Việt ở Séc dù đặc thù mỗi nơi mỗi khác. Mấy năm trước tôi đã đến khu chợ người Việt ở sân vận động Warsaw. Giờ thì khu chợ sầm uất đó đã không còn. Chính quyền thành phố đã dẹp đi khu chợ để xây dựng lại sân vận động dành cho giải bóng đá Euro 2012 mà Ba Lan và Ukraina đồng đăng cai. Chợt nhớ đến hàng chục ngàn người Việt năm nào lấy "chợ trời" sân vận động này làm nguồn sống giờ họ phiêu bạt nơi đâu, lấy gì làm kế sinh nhai nơi đất khách? Chút vấn vương ám ảnh này cứ khôn nguôi dù tôi đã được đến những khu kho, khu chợ cũng là lãnh địa riêng của một vài người Việt thành đạt.

Trần Quốc Quân chỉ chừng 50 tuổi nhưng đã cùng với Trần Trọng Hùng đầu tư tới 50 phần trăm vốn vào Trung tâm thương mại EACC. Đây là một siêu thị bán buôn lớn của Ba Lan, có diện tích 45000 m2 trên tổng diện tích 7 hecta đất được mua vĩnh viễn, thu hút tới 200 công ty Việt Nam và chừng đó công ty nước ngoài tới thuê mặt bằng kinh doanh.

Và một người rất thân thiết với cánh nhà văn. Nguyễn Hoàng Tuyển người Hà Tĩnh. Tuyển cũng có cổ phần trong một khu Trung tâm thương mại ASEANPL (hiện đang là chợ đêm) biệt lập được xây cất quy mô mới đưa vào hoạt động ở Warzawa. Ở Việt Nam, Tuyển đầu tư tại quê hương mình một khu resort bề thế ở sát biển đang trong giai đoạn hoàn thiện. Anh có ước mơ sẽ biến nơi đó thành một khu hoạt động nghệ thuật, có bảo tàng văn học, có những hoạt động văn hóa mà anh sẽ là người tài trợ. Đây đó trên đất Ba Lan có những người như Quân như Tuyển nhưng cũng còn có bao nhiêu số phận long đong khác. Họ chính là những nhân vật của cái kịch bản mà Trần Hoài Văn phải chấp bút. Tôi hiểu đó là một trách nhiệm không nhỏ và khó thể chối bỏ.

Không như tôi chỉ là một chút hoài niệm của một lần gặp gỡ, Trần Hoài Văn hẳn phải có những tâm trạng khác thường khi trở lại nơi anh cùng gia đình từng gắn bó nhiều năm sau 7 năm xa cách. Trở về Hà Nội năm 2004, đây là lần đầu tiên Văn trở lại cái đất nước đầy kỷ niệm máu thịt của mình. Cùng tôi đến chào đại sứ Nguyễn Hoằng ở sứ quán xong là Văn lên cái lịch cụ thể cho mấy ngày ngắn ngủi ở Ba Lan. Nào là dự tiệc gặp mặt do báo Quê Việt tổ chức, nào là gặp gỡ mấy người bạn trong facebook, nào là bạn bè gia đình em gái. Tôi hiểu sự sắp xếp này và tuyệt đối tôn trọng. Hơn ai hết tôi hiểu tâm trạng của Văn. Ngoài công việc của chuyến đi, Văn muốn, rất muốn có nhiều thời gian dành cho bạn bè. Nghiệp cầm  bút là vậy, những xốn xang rất nhỏ cũng đủ khơi dậy bao nỗi niềm, huống hồ cả một quãng đời phía trước đã lùi xa nhưng chưa thể nằm yên trong ký ức…

Tổng biên tập Lê Xuân Lâm và toàn thể ban biên tập báo Quê Việt đã dành cho người đồng nghiệp cũ Trần Hoài Văn một sự đón tiếp đặc biệt. Lần đi trước, đoàn nhà văn chúng tôi cũng được chính báo Quê Việt tổ chức hẳn một buổi giao lưu văn nghệ xôm trò. Lần này, không có văn nghệ, chỉ có những ly rượu chân tình không thể vương vào dù chỉ là chút ít xã giao, chỉ có những bày tỏ tình cảm của người trong cuộc đầy nghẹn ngào xúc động. Tại đây tôi gặp thêm những người bạn mới. Tất cả đều hào hứng với dự án làm phim. Cuộc sống của họ phải được tái hiện.

Tôi nhìn vào khuôn mặt từng trải của Văn ngay trong bàn tiệc và sau này khi thấy anh áp mặt vào ô kính cửa sổ nhìn xuống mặt đất lúc máy bay cất cánh rời Warzawa, chợt phát hiện sự kìm nén của cảm xúc đang dồn ứ nơi anh và tôi biết Văn đang trăn trở giằng xé, với ký ức, với tình cảm và trách nhiệm cầm bút trước một công việc không thể chối từ. Tự nhiên tôi thấy những thảm hoa vàng rực trên đường phố Warzawa, đó là loài hoa báo hiệu mùa xuân, và vụt hiện lại trong tôi cảm giác êm dịu khi đến Praha hôm nào. Mùa xuân. Chỉ một thoáng nhưng tôi tin Văn sẽ làm được điều ấp ủ của đời mình là hoàn thành được kịch bản. Tôi tin. Cũng như tin vào cái phim truyện của chúng tôi về cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhất định thành hiện thực.

  • Phạm Ngọc Tiến, CAND