feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Nằm cách Dresden, thủ phủ của bang Saxony (Đức), khoảng 15km về phía Tây Bắc, lâu đài săn bắn Moritzburg nằm trọn trong một hồ nước nhân tạo, bên cạnh khu rừng nơi một thuở là khu vực săn bắn của hoàng gia.

Vua chúa thời xưa thật nhiều thú vui - một trong những thú tiêu khiển của họ là những chuyến đi săn dài ngày. Lãnh chúa của bang Saxony và vua của Ba Lan August der Starke cũng rất ham mê trò tiêu khiển này. Khi đi săn lúc nào cũng có hàng trăm người đi theo để phục vụ, do vậy việc có chỗ để vua quan cận thần nghỉ ngơi và hưởng lạc là điều hiển nhiên. Nhưng có hẳn một lâu đài hoành tráng và lộng lẫy chuyên chỉ để phục vụ thú vui săn bắn như thế này thì quả là hiếm.

Lâu đài Moritzburg được xây dựng dưới thời lãnh chúa Moritz từ năm 1542 đến 1546, cũng để phục vụ thú vui săn bắn cho lãnh chúa này. Hai kiến trúc sư thực hiện việc xây dựng lâu đài đầu tiên là Hans von Dehn-Rothfelser và Caspar Voigt von Wierandt.

Trước đó, toàn bộ nơi đây là vùng đầm lầy trong một khu rừng rộng lớn. Thời của lãnh chúa Moritz, lâu đài còn theo phong cách kiến trúc Phục hưng và xung quanh chưa có hồ nước như ngày nay.

Trải qua thời gian hàng trăm năm, lâu đài được tu sửa nhiều lần. Đến thời August der Starke, nó được mở rộng và sửa sang lại hoàn toàn trong khoảng thời gian từ năm 1722 đến 1727 theo kiểu kiến trúc baroque rất thịnh hành thời ấy. Người thực hiện dự án này không ai khác là kiến trúc sư ruột của August der Starke - ông Matthäus Daniel Pöppelmann - người đã xây cung điện Zwinger nổi tiếng thế giới, cùng với hai kiến trúc sư khác là Zacharias Longuelune và Jean de Bodt.

Lâu đài Moritzburg ngày nay có bốn tháp tròn lớn ở bốn góc với tường màu vàng và trắng, hai màu đặc trưng của kiến trúc baroque ở Saxony. Bốn tháp này đã có từ thủa đầu khi xây dựng lâu đài nhưng đứng tách biệt nhau - mãi đến thế kỷ 18 trong khi cải tạo lâu đài theo kiến trúc baroque chúng mới được liên kết với nhau tạo thành một thể thống nhất.

Phía tây và đông là hai bậc cầu thang dẫn lên hành lang ôm xung quanh lâu đài với nhiều bức tượng săn bắn kiểu baroque. Ở phía nam là cổng chính dẫn từ thị trấn đi vào lâu đài đi qua con đường cắt ngang lòng hồ, xung quanh là hai hàng sồi xanh.

Mặt tiền của lâu đài là nơi đón khách với hai hàng tượng hình cánh cung mở dẫn lên phía sân trên để vào cửa lâu đài. Những bức tượng baroque bằng đá sa thạch thể hiện sinh động chủ đề săn bắn - bắt đầu là hai chàng thổi kèn báo hiệu một cuộc đi săn. Cổng sau của lâu đài nằm ở phía bắc dẫn ra một công viên kiểu baroque và cánh rừng nơi một thuở là khu săn bắn của hoàng gia.

Ở trong lòng hồ xung quanh lâu đài là những hàng cây hạt dẻ với tám Pavillons nhỏ tạo cho nó một tổng thể khá nguy nga. Hồ nước nhân tạo xung quanh lâu đài này có diện tích 980m x 340m mãi đến năm 1730 mới được hình thành. Mặc dù lâu đài khá đồ sộ nhưng do nằm lọt trong lòng hồ in bóng xuống nước nên trông nó nhỏ hơn thực tại và tạo vẻ mềm mại, quyến rũ hơn. Hồ nước được bao bọc bởi hàng cây hạt dẻ hoa nở trắng hồng mỗi độ xuân về.

Xung quanh hồ ở ba phía Đông Tây Bắc là cánh rừng rộng nơi có vườn bách thú với nhiều loại động vật hoang dã vẫn còn sót lại. Trong rừng có những đường mòn để du khách và người dân bản xứ dạo chơi, đặc biệt mỗi độ thu về khi lá cây đổi màu, đây là địa điểm lý tưởng cho những cuộc dã ngoại của người dân thành phố. Một phần trong khu rừng ngày nay vẫn là địa điểm cho những người yêu thích môn săn bắn, tất nhiên là việc sử dụng súng săn phải có giấy phép và chỉ được bắn những loài thú nhất định nào đó

Bên ngoài lâu đài đã khá ấn tượng được tôn thêm bởi cảnh sắc xung quanh, thì nội thất bên trong lại càng gây ấn tượng mạnh hơn.

Lâu đài có hơn 200 phòng nhưng ấn tượng đặc biệt nhất có lẽ là nhà nguyện nơi làm lễ thánh của hoàng gia và các phòng Prunksäle nơi trưng bày báu vật, những "chiến lợi phẩm“ của các cuộc đi săn cũng như tranh vẽ về săn bắn của các họa sĩ nổi tiếng. Tại đây còn trưng bày các sản phẩm đồ gỗ từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ 18 cũng như đồ sứ Trung Quốc, Nhật Bản và sứ Meissen nổi tiếng - thứ sứ đầu tiên được sản xuất ở châu Âu. August der Starke đã nhờ vào loại sứ Meissen này mới có nhiều tiền để thỏa chí mua sắm thu thập châu báu và xây dựng hàng loạt lâu đài.

Ở cả bốn phòng trưng bày báu vật là phòng đá Marmor (Steinsaal), phòng tiệc (Speisesaal), phòng bida (billardsaal) và phòng "dị dạng" (Monströsensaal), tường đều được phủ bằng da mạ vàng, có những miếng da còn lại từ lâu đài đầu tiên của thế kỷ 16.

August der Starke là người mê đi săn và cũng là người mê thu thập những gì săn được hay mua được như sừng hươu, tuần lộc... Ngoài những bộ sừng bình thường (đối xứng nhau) ông còn thu thập được những bộ sừng hiếm, dị dạng không đối xứng nhau. Ấn tượng và quý giá nhất trong những bộ sừng dị dạng ấy là bộ sừng với 66 nhánh khác nhau do vua của Preussen là Friedrich đệ nhất tặng. Cũng hiếm và quý không kém là quà tặng của sa hoàng Nicolai đệ nhất - bộ sừng hươu từ thời tiền sử được treo ngay phía trên cửa ra vào của phòng tiệc, nơi có tất cả 65 bộ sừng khác nhau được trưng bày

Một phòng rất ấn tượng khác trong lâu đài là phòng "lông vũ“ (Federzimmer). Tại đây có trưng bày chiếc giường được làm hoàn toàn bằng lông của nhiều loài chim khác nhau, từ chim công, chim phượng đến những gia cầm thông thường như gà vịt ngan ngỗng. Nó được August der Starke mua của một nghệ nhân người Pháp (Le Normand) vào năm 1723, lúc đầu được trưng bày ở Japanisches Palais nhưng đến năm 1830 thì chuyển về lâu đài Moritzburg.

Dưới thời August, những chiếc giường lông vũ này là thứ không thể thiếu đối với các ông hoàng thuở ấy. Nhưng chiếc giường này không được dùng để ngủ, nó quá quý hiếm và đặc biệt nên chỉ là vật để "khoe“.

Để làm được chiếc giường này Le Normand đã sử dụng hơn 1 triệu chiếc lông các loại. Chúng được xử lý rất cầu kỳ và một phần được nhuộm màu, cũng như được kết nối với nhau bằng một kỹ thuật đặc biệt. Màu sắc sặc sỡ của nhiều loại lông khác nhau tạo cho chiếc giường như được phủ bằng một loại thảm Ba Tư quý giá. Sau hàng trăm năm mặc dù không được dùng nhưng năm 1972 chiếc giường này cũng phải được trùng tu.

Việc trùng tu này cực kỳ khó khăn và cầu kỳ bởi lẽ phải dùng những kỹ thuật mới để giặt lông mà không làm hỏng chúng, còn kỹ thuật nối lông thì đã bị lãng quên. Sau hơn 30 năm, việc trùng tu cũng đã hoàn thành và từ năm 2003 du khách lại được chiêm ngưỡng chiếc giường này sau một lớp kính dày, trong một phòng điều hòa dưới điều kiện hợp lý nhất.

Đến Moritzburg mùa nào cũng thú vị. Mùa đông có thể trượt băng trên hồ, mùa thu đi nhặt hạt dẻ và đi dạo trong rừng với những thảm lá sặc sỡ, mùa xuân đến với chồi non và hoa khắp nơi và mùa hè đến hóng gió bên hồ rợp bóng mát.

Bình luận   

0 #1 ĐẶNG VINH HUỀ 41:04 27-10-2012
Cảm ơn tác giả. Tôi thích bài này, vì tôi chính là người mà người ta vẫn gọi là Moritzburger. Tôi đã đi thăm lâu đài nhiều lần và rất nhớ nó. Một lần nữa xin cảm ơn tác giả.
Thân ái
ĐVH
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.