Phông chữ
Ngày 10.10 vừa qua, đúng 200 năm trước, đại học Berlin, rồi được gọi đại học Friedrich-Wilhelm, và sau thế chiến thứ hai đổi tên thành đại học Humboldt, ra đời với những lớp học đầu tiên trong một tinh thần hoàn toàn mới: tinh thần Humboldt.

Những ý tưởng mới về một nền đại học của Wilhelm von Humboldt (1767 – 1835) – nhà chính trị, ngoại giao, nghiên cứu ngôn ngữ, và cũng là nhà giáo dục hàng đầu của Đức, nhằm cải cách nền đại học và giáo dục đang xuống cấp và mất phương hướng nghiêm trọng – giống như những tiếng đập đầu tiên của đôi cánh bướm tại Berlin nhưng đã gây ra hiệu ứng của một cuộc cách mạng đại học trên thế giới: cuộc cách mạng của những cuộc cách mạng trong thế kỷ 19 và 20. Với nước Đức, đó là một cuộc cải cách để qua đó “Nhà nước Phổ phải lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những gì nó đã mất về vật chất”. Nhưng với thế giới, đó là một cuộc cách mạng vĩ đại, bởi “Ý tưởng về các thể chế khoa học cao như là đỉnh cao, mà ở đó tất cả những gì đã diễn ra trực tiếp cho nền văn hoá quốc gia được hội tụ, dựa trên sứ mệnh được trao cho các thể chế là vun bồi khoa học theo nghĩa sâu rộng nhất của nó như một chất liệu của sự giáo dục tinh thần và đạo đức” – như Humboldt viết mở đầu cho bị vong lục của mình về đại học Berlin năm 1809.

Hai trong các đặc tính được viết lên ngọn cờ của đại học cải cách quan trọng này là “tự do” và “nghiên cứu”. Đại học phải là đại học có đầy đủ quyền tự do cho học thuật, và phải là đại học nghiên cứu. Không có hai tính chất này, đại học trở nên tầm thường như trường học muôn thuở.

Mô hình đại học Humboldt từ đó có một cuộc tiến hoá ngoạn mục, vượt biển Manche để vào Anh, vượt Đại Tây Dương để thâm nhập Mỹ, đi vòng quanh thế giới để vào Nhật, rồi nhiều vùng xa xôi khác trên thế giới, mỗi lần thâm nhập sinh ra những “hạt giống mới” phù hợp những điều kiện môi trường đặc thù xã hội ở đó giống như quy luật sinh học. Đặc biệt nhất là ở Mỹ. Các đại học tiên phong như Harvard, Johns Hopkins, Columbia và Chicago đã được truyền cảm hứng từ mô hình đại học Đức, những người thuộc thế hệ thành lập đều đã từng học ở Đức. Mô hình này đã thay đổi hướng đi của nền đại học Mỹ, và từ sau thế chiến thứ hai, do hội tụ được những nhân tố thuận lợi chưa từng có trong lịch sử, các đại học Mỹ đã bùng lên thành một cuộc cách mạng trong khoa học, kéo dài từ những năm 1954, làm nên cái gọi là “thời đại vàng” của đại học Mỹ.

Các quốc gia phát triển khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Arập Saudi đang quyết tâm xây dựng những “đại – học – đẳng – cấp – thế – giới“ với những quyền tự chủ và tự do hàn lâm lớn hơn theo mô hình đại học Mỹ. Quốc gia quyết tâm và quyết liệt nhất hiện nay là Trung Quốc, đang muốn nổi lên như một người cạnh tranh với các đại học quốc tế phương Tây. Họ bỏ tiền tỉ đầu tư, cơ sở hạ tầng đồ sộ mọc như nấm. Họ trải thảm đỏ cho giới hàn lâm thế giới về đó, biến đất nước thành nơi giao lưu của sự trác việt (excellence) thế giới. Họ mong mỏi cũng có nhiều huy chương như trong Olympic. Nhưng trước hết, họ hiểu rằng đại học đẳng cấp quốc tế là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế.

Đại học Việt Nam đang đứng đâu trên bản đồ thế giới? Có lẽ không cần câu trả lời. Nó vẫn còn sống trong một thế giới ảo, với những giá trị ảo. Sáu mươi năm trước Việt Nam có một nhà khoa học có những ý tưởng về đại học theo truyền thống Humboldt: giáo sư Hồ Đắc Di. Rồi hai mươi năm sau có vị bộ trưởng có tầm chiến lược và tinh thần đại học Humboldt: giáo sư Tạ Quang Bửu. Nhưng miếng đất mà họ đã gieo những hạt giống chưa cho phép chúng nảy mầm như trên thế giới.

Nếu danh sĩ Thân Nhân Trung thế kỷ 15 dâng sớ vua Lê Thánh Tông “chiêu nạp hiền tài” và cho rằng “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì ngày nay người ta hỏi lấy đâu ra những hiền tài nếu không phải là họ được đào luyện từ các trường đại học cao cấp? Xã hội xưa chỉ cần vài hiền tài giúp vua trị nước, nhưng xã hội hôm nay cần đến hàng vạn hiền tài!

Ngày nay ta phải nói “Đại học là nguồn nguyên khí của quốc gia” để đào tạo hàng loạt hiền tài cho đất nước. Tại Đức, cách đây đúng hai trăm năm, trước sự sụp đổ của nhà nước Phổ, đại học Humboldt đã ra đời để lãnh trọng trách ấy cứu đất nước. Đó chính là “nguồn nguyên khí của quốc gia” để góp phần làm một cuộc tạo dựng mới cho giang san.

TS. Nguyễn Xuân Xanh