Phông chữ

Có lẽ ở Việt Nam hiện nay mọi người không còn xa lạ gì với văn hoá ẩm thực Đức với món ăn đặc trưng là xúc xích và đồ uống đặc trưng – Bia Đức.

Được mệnh danh đất nước của bia và xúc xích, người Đức rất tự hào về điều này, người ta thường nói „người Đức uống bia thay nước“, quả không sai, hầu hết người Đức có tửu lượng cao. Đối với người Đức bia không chỉ là một thứ đồ uống mà hơn trên hết bia còn là văn hoá đặc trưng. Bia có lịch sử ra đời riêng, những nhà máy sản xuất Bia tại Đức có truyền thống rất lâu đời, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bia được sử dụng như một thứ đồ uống giải khát, xua đi cái nóng nực trưa hè, bia gắn kết những người xung quanh lại với nhau, họ quây quần bên một chiếc bàn gỗ với cốc bia trên tay và mọi thứ trở lên gần gũi hơn. Bia có nhiều loại đặc trưng  như Pils, Pilsener, Kölsch, Weizen, Lagerbierr, Export, Bockbier, Alt, Weißbier, Helles und Oktoberfestbier. Bia và luật tinh khiết được coi là biểu tượng đặc trưng  mang tính quốc tế của Đức.

Lịch sử của bia

Bia là một loại đồ uống có cồn cổ nhất trong lịch sử, thực ra xuất xứ của bia từ Ai Cập từ thiên niên kỷ thứ năm trước công nguyên. Lúc đầu nó chỉ được dành làm đồ uống cho các vua chúa và quan lại, trải qua quá trình lịch sử với nhiều biến đổi vào khoảng năm 800 trước công nguyên xưởng sản xuất bia đầu tiên tại Đức đã ra đời. Đến thế kỷ thứ 2 sau công nguyên nó đã đóng vai trò lớn trong nền tài chính kinh tế của đất nước này. Không như người Ai Cập, người Đức làm bia cho tất cả các thành phần tầng lớp xã hội, không phân biệt cao thấp.

Công việc làm bia lúc đầu do phụ nữ đảm nhận, sau đó được Jan Primus, một tu sỹ,  thử nghiệm bằng cây hoa bia, sau này ông được mệnh danh là ông tổ nghề bia. Nhưng đến thế kỷ 14 sau công nguyên, vì do sự đi xuống của kinh tế và thuế má, nhà vua Sigismund đã cho phá huỷ rất nhiều tu viện sản xuất bia truyền thống, đến năm 1803 chỉ còn sót lại một vài nơi, tính đến hiện nay con số chỉ còn mười một và những xưởng này hầu hết đã trở thành những nơi sản xuất bia truyền thống nổi tiếng nhất nước Đức.

Sau khi trải qua nhiều biến đổi và khẳng định vị trí của mình, thông qua xuất khẩu người Đức đã đạt được là nước có những loại bia ngon nhất trên thế giới. Vào thế kỷ mười bốn, tại Bremen người ta cho xuất khẩu bia sang các nước láng giềng như Hà Lan, Anh, các nước vùng Scandinavia, riêng Hamburg  có tới 600 xưởng sản xuất bia và xuất đi các nước xa hơn ở châu Á như Ấn độ và Trung quốc. Riêng ở bang Bavaria loại bia Spaten được đánh giá là loại bia đặc biệt có giá trị về chất lượng và độ ngon, quê hương của bia Spaten ở Munich, một nhà máy xuất khẩu bia lớn thứ hai ở bang. Người ta hay nói, đến Munich uống bia Spaten bạn sẽ quên đi tất cả mọi thứ bia khác ở trên đời vì không thứ nào  có thể tinh khiết hơn, ngon hơn và mùi vị tự nhiên hơn thế.

Ngày 23 tháng 4 năm 1516 được đánh giá là một ngày trọng đại nhất trong lịch sử bia của nước Đức, vào ngày này hoàng đế Herzog Wilhelm của bang Bavaria đã cho ra đời luật tinh khiết (Reinheitsgebot), nghiêm cấm mọi hình thức cho các loại hoá chất vào bia, bia nguyên chất chỉ được làm từ nước, ngũ cốc (đại mạch), hoa bia và men. Định luật được thi hành rất nghiêm khắc vì thế cho nên bia Đức được đánh giá là bia „sạch“ và tinh khiết trên thế giới. Ngoài ra đạo luật này là đạo luật cổ nhất, tốt nhất và mang tính nhân loại cao nhất của lịch sử loài người trong ngành chế biến thực phẩm tính cho đến nay. Đến thế kỷ mười chín thì sự phát triển của bia Đức đã đạt đến độ thượng thừa, hiện nay tại Đức có khoảng 5000 nhãn bia các loại và 1200 nhà máy sản xuất bia lớn nhỏ, bia Đức được xuất khẩu đi trên toàn thế giới với chất lượng cao, đảm bảo an toàn về sức khoẻ cũng như độ vệ sinh thực phẩm với một công nghệ hiện đại hoàn toàn Đức nhưng vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản và luật tinh khiết một cách nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, vào năm 1978 nhà máy bia Hà Nội cũng được sự giúp đỡ của Đức về công nghệ sản xuất và dây chuyền, nâng cao giá trị sản phẩm, sau này đổi tên thành Công ty bia Hà Nội. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2008 đổi thành Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội.

Hiện nay còn có cả các loại bia không cồn, dành cho những người không có tửu lượng hay không thích hợp với cồn, dùng làm đồ giải khát trong mùa hè vừa có lợi cho sức khoẻ mà không làm tăng lượng đường trong cơ thể như các đồ uống ngọt khác.

Cho đến ngày nay các lều bia, quán bia ở Đức trở thành rất phổ biến, nó đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống văn hoá và tinh thần của mỗi người dân. Khoảng 78% người dân Đức thường lui tới những quán nhỏ mà họ yêu thích, tiếng Đức gọi là „Lieblingslokal“, họ gặp gỡ bạn bè, buôn chuyện phiếm, họ cảm thấy dễ chịu như ở chính nhà mình vậy. Ngành phục vụ ở Đức có nhiều mặt, mỗi quán có nhiều khách quen, cố định không chỉ phụ thuộc vào độ ngon của mỗi món ăn và đồ uống mà còn phục thuộc vào thái độ tiếp đón của chủ quán. 54% người Đức hay đến các quán bia bình dân, 31% hay ăn ở các nhà hàng Đức, 28% ở các nhà hàng Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha,…Người Đức đặc biệt thích uống bia từ các thùng bia, họ thường gọi bia vại trước khi mua bia chai, cứ 10 người thì 9 người hài lòng với nơi quen thuộc họ thường đến sau khi tan sở hoặc vào cuối tuần, uống bia là một thói quen không thể thiếu của người dân nơi này.

Mỗi vùng miền đều có loại bia riêng, khi bạn uống bia ở nơi đâu bạn cũng sẽ được nghe, được nhìn thấy hoặc được kể lại lịch sử và dấu ấn của nó, bia không chỉ là một thứ đồ uống đơn thuần mà nó còn mang trong đó sự biến đổi thăng trầm của lịch sử, sự cống hiến của khoa học và sự cảm nhận tinh tế của người thưởng thức.


 
Lễ hội bia Oktorberfest.

Ở Đức còn có một lễ hội nổi tiếng vô cùng độc đáo, đó là lễ hội Bia, Oktoberfest, được diễn ra vào tháng 9 hàng năm. Bản thân lễ hội này được tổ chức để mừng đám cưới của vua Ludwig và công chúa  Therese vào năm 1810, sau này nó được diễn ra hàng năm và được coi là một sự kiện văn hoá rất lớn không chỉ của nước Đức  mà còn trên toàn thế giới. Vào ngày này nhiều người khắp nơi kéo đến Munich, họ đến đây để ăn xúc xích, uống bia và nhảy múa.

Lễ hội bia năm nay được tổ chức hoành tráng hơn các năm khác rất nhiều, vì đó là lễ hội thứ lần thứ 200 kể từ khi ra đời. Người đến dự lễ hội sẽ được chứng kiến màn diễu hành độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá của người Đức, các cô gái mặc váy Dirndl đầy quyến rũ, những chàng trai mặc quần da khoẻ mạnh, các cửa hàng và đường phố được trang trí cờ hoa rực rỡ. Bạn sẽ được chứng kiến các xe ngựa kéo những thùng bia dầy ăm ắp,  năm nay còn có các lều bia rất cổ, đặc trưng nhưng vẫn không mất đi vẻ lãng mạn, bạn sẽ uống bia từ những vại bia cỡ nửa lít trở lên.

Biểu tượng của lễ hội năm nay là một vại bia làm bằng sứ dung lượng chứa một lít, có nắp thiếc, Poster Oktoberfest 2010 rất có ý nghĩa với một chiếc váy truyền thống của phụ nữ bang Bavaria, quần da, bánh Brezel, một vại bia và một hình trái tim, để người ta luôn nhớ đến vua Ludwig và công chúa Therese, người đã sáng lập ra lễ hội này. Bạn có thể mua chiếc vại này tại các cửa hàng lưu niệm với giá 28 đến 40 Euro.

Không chỉ có vậy, lễ hội năm còn tổ chức cuộc đua ngựa, hoạt động này đã không được tiến hành hơn ba mươi năm nhưng lần này các nhà tổ chức đã khôi phục lại nó cho đúng với lễ hội gốc. Bình thường hội bia thường kéo dài từ khoảng giữa đến cuối tháng chín nhưng năm nay nó sẽ kéo dài từ ngày 18.9 đến ngày 4.10,  trong đó có một ngày vào thứ hai tuần đầu tiên thị trưởng thành phố sẽ phát biểu diễn văn tại quảng trường Marienplatz, thành phố Munich. Vào ngày này đồ ăn thức uống sẽ được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với những ngày khác vì bản thân ngày này vào lễ hội đầu tiên mọi người được nhà vua cho ăn uống no nê không mất tiền. Nhưng xin lưu ý từ ngày 1 tháng 8 luật cấm hút thuốc tại các lều bia và nhà hàng đã được ban hành.

Đến lễ hội này bạn sẽ được thưởng thức một không khí sôi nổi náo nhiệt thực sự vì không chỉ có người Đức tham gia mà còn rất nhiều người từ trên khắp thế giới đổ về đây. Một sự giao lưu giữa văn hoá truyền thống và văn hoá ẩm thực có một không hai, bạn sẽ cảm nhận được lòng mến khách của nước chủ nhà, để thấy người dân Đức không hề lạnh lùng chút nào, họ rất phóng khoáng, cởi mở và hoà nhập.

Qua đây cho thấy, nước Đức là một đất nước phát triển kinh tế thuộc vào dạng nhất nhì trên thế giới nhưng bản sắc văn hoá của họ vẫn luôn được lưu truyền và giữ gìn, nó không hề mất đi hay biến đổi theo thời gian, nó tồn tại và phát triển ngày càng rộng rãi, điều này thực sự đáng để các nước khác học hỏi với phương châm hoà nhập chứ không hoà tan.

 Hà Anh