Phông chữ

Gần 30 năm theo nghề diễn viên, Lý Hùng được xem là một trong những cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam. Gia tài trên 100 bộ phim đa dạng thể loại của anh đủ làm nên “sức mạnh” cho cái tên Lý Hùng.


Thời gian này, Lý Hùng bận rộn cho chiến dịch PR bộ phim Tây Sơn hào kiệt, sẽ công chiếu tại các thành phố lớn và tỉnh thành trên toàn quốc vào ngày 30/4. Hôm chúng tôi đến chụp ảnh, anh xin lỗi, dời hẹn muộn hơn chút xíu vì không kịp về nhà. Vừa chụp xong, anh lại vội vã xuống miền Tây để kịp biểu diễn trong chương trình ca nhạc từ thiện buổi tối. Lý Hùng cho biết, anh đang chuẩn bị 200.000 tờ rơi gửi đến tận tay sinh viên, học sinh và 10.000 tấm áp phích cũng đã hoàn tất để quảng bá bộ phim.

 
8-9 năm rời khỏi làng điện ảnh để miệt mài với vai trò ca sĩ, năm 2005, “Phạm Công” Lý Hùng bất ngờ trở lại màn ảnh nhỏ qua bộ phim Dollars trắng. Điều khiến khán giả bất ngờ hơn cả là anh vẫn còn đầy đủ phong độ của một “bạch mã hoàng tử” ngày xưa.

Hỏi anh bí quyết để trẻ lâu, Lý Hùng cười: “Bí quyết gì đâu, chẳng qua tôi luyện võ từ nhỏ. Nhà có võ đường, 15 tuổi tôi đã làm huấn luyện viên. Để vào vai đại uý công an Nguyễn Trực, tôi phải tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt để trong vòng 1 tháng giảm được 10kg. Làm nghề này, muốn giữ thanh sắc cũng phải có sức khoẻ. Cũng nhờ có sức khoẻ, tôi mới vượt qua được những cơn stress khi vừa làm diễn viên vừa chỉ đạo võ thuật và đạo diễn tại hiện trường cho phim Tây Sơn hào kiệt".

- Động lực nào khiến anh chịu trở lại màn ảnh nhỏ và phải “hy sinh” như vậy?

- Dollars trắng là phim truyền hình dài tập đầu tiên của tôi. Chính cách xây dựng nhân vật quá hay đã thuyết phục tôi trở lại với nghề và tính tôi xưa nay vẫn thế, một khi đã nhận lời, phải có quyết tâm. Cho nên chuyện giảm cân từ 81kg còn 71kg đâu có gì phải gọi là “hy sinh”.

Rồi Lý Hùng kể cơ duyên đưa anh đến với nghề diễn viên. NSƯT Lý Huỳnh có bốn cô con gái, hai anh con trai, Lý Hùng là con trai út. Nếu “máu” võ đã chảy trong anh từ lúc chưa lọt lòng thì niềm đam mê nghệ thuật đã phát sinh từ những ngày theo anh đến phim trường xem cha diễn. Ít ai biết Lý Hùng đã khởi nghiệp diễn viên với vai thằng nhỏ bắn ná thun trúng mông tên cảnh sát nguỵ trong phim Phượng của đạo diễn Lê Văn Duy. Lúc ấy, đạo diễn cho Lý Hùng đóng phim chỉ vì thấy thằng nhỏ mặt mày sáng sủa, lanh lẹ, chứ chưa biết “hắn” là hậu duệ của diễn viên Lý Huỳnh.

Không ngờ vai diễn bé xíu ấy đã đưa Lý Hùng đến với phim Đàn chim và cơn bão của đạo diễn Cao Thuỵ. Vai chính Dũng lì, một đứa trẻ bụi đời, buộc Hùng phải để tóc dài tua tủa trong khi anh còn đang đi học. Thế nên, đoàn phim phải gửi thư xin phép nhà trường đặc cách. Mỗi lần Hùng đến lớp là một cực hình vì cả trường cứ trố mắt nhìn anh như người từ… hành tinh lạ. Cậu học trò trường Nguyễn Đức Cảnh được nhà trường cho phép theo phim với điều kiện xong phim phải cắt tóc ngay lập tức.

Nổi tiếng từ lúc chưa là sinh viên

Nhìn Hùng bảnh bao như… đại gia, thật ra anh đã trải qua thời niên thiếu rẩt cơ cực, 12 tuổi, anh phải thức khuya dậy sớm phụ mẹ. Nửa đêm, Hùng còn chở mẹ trên chiếc xe cọt kẹt đi bỏ mối bút bi. Sáng sớm, Hùng và anh Lý Sơn thay phiên nhau tắm cho bầy lợn, vốn là “nồi cơm” của cả gia đình.

Vừa làm vừa học nhưng Hùng luôn đạt kết quả tốt. Những năm cấp II, học lớp chuyên Toán, cậu học trò Lý Hùng không hề học thêm, học tủ, học vẹt, bài vở chỉ cần xem qua là nắm được ý. Cuối cấp III trường Hùng Vương, Hùng thi tốt nghiệp với tâm trạng không chút căng thẳng. Kết quả, anh được 36 điểm, trong đó môn văn đạt điểm 8.

Sau khi tốt nghiệp, Lý Hùng thi vào lớp Diễn viên Điện ảnh khoá 1 (1986 – 1991) của trường Điện ảnh TP HCM ( nay là trường Cao đẳng – Sân khấu Điện ảnh TP HCM) học cùng khoá với Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương…

Anh nhớ mãi lời cha: “Muốn theo nghề nào thì phải học đến nơi đến chốn, người ta mới kính nể”. Bởi thế, năm 17 tuổi, Hùng đã nổi tiếng với vai Phạm Công nho nhã, can trường (Phạm Công – Cúc Hoa), Trương Sỏi râu hùm hàm én (Người không mang họ) trước khi trở thành sinh viên đi thực tập với những vai quần chúng “xẹt qua xẹt lại” trước ống kính làm nền cho diễn viên chính.

Chuyển sang lĩnh vực ca nhạc, anh cũng tầm sư học đạo đàng hoàng với thầy Duy Nãi và cô Thanh Trì. Theo ca nhạc 10 năm, đã ra 4 album nhạc nhưng chưa bao giờ Hùng nghĩ cưỡi ngựa xem hoa. “Tuy danh tiếng bên điện ảnh cũng hỗ trợ cho nghề hát nhưng tôi không muốn lạm dụng. Nếu mình hời hợt với nghề, chắc người ta chỉ dám mời giao lưu với khán giả thôi, đâu dám mời hát đến chín mười lần!”, anh cười.

- Vì sao đang là ngôi sao điện ảnh, anh lại chuyển sang lĩnh vực ca nhạc trong khi ở môi trường mới này, anh làm sao “địch” lại được nhiều ca sĩ nhà nghề?

- Thời phim Phạm Công – Cúc Hoa, Nước mắt học trò đã được khán giả ủng hộ, để tạo bước ngoặt mới cho điện ảnh, một số nhà sản xuất dựa vào đó làm phim “mì ăn liền”. Họ chạy theo lợi nhuận, rút ngắn thời gian và bị báo chí phê bình, trong khi hồi trước, muốn quay một bộ phim phải mất hai tháng trở lên. Thấy tình hình điện ảnh sa sút, tôi nản, không muốn đóng phim nữa. Có nhiều lời mời nhưng tôi âm thầm từ chối.

Thời gian đó, tôi nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật bằng nghề ca sĩ. Cũng vất vả lắm, có khi đến tận vùng sâu, vùng xa, lên Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái. Có những nơi bà con nghèo lắm, giá vé chỉ 10.000 đồng mà bà con cũng không có tiền mua. Sân khấu dã chiến, sau lưng và trước mặt trống hoác như nhau. Thế nhưng, đã chủ tâm hát không vì kinh tế nên tôi rất hăng hái. Khán giả miền Bắc và miền Trung nổi tiếng khó, vậy mà khi tôi ra Nghệ An hát, cả chợ Vinh đóng sạp đổ xô xem mặt. Tình nghĩa khán giả như vậy, làm sao tôi dứt nghiệp cho đành.

Năm 2005, anh Trần Cảnh Đôn hỏi: “Cậu còn mê điện ảnh không? Tôi mời!”. Xem kịch bản, tôi thấy vai quá hay, máu nghề trỗi dậy. Tuy nền điện ảnh Việt Nam và nhất là dòng phim truyền hình đang dần dần lấy lại sự yêu thích của khán giả, nhưng tôi nghĩ mình phải trở lại với những vai mới lạ và hay hơn, trùng lặp khi không nên đóng.

 

Duyên nợ với Quý cô tuổi Dần


Thời Lý Hùng, các fan học sinh, sinh viên phong cho anh là “Bạch mã hoàng tử”. Năm 2009, khi làm phim Quý cô tuổi Dần, Phước Sang mời anh vào vai “Bạch mã hoàng tử”. Lý Hùng giật mình trước sự trùng hợp thú vị này. Phim phục vụ dịp Tết cho khán giả, vừa vui vừa có cơ hội gặp lại đàn chị Minh Trang (từng đóng chung trong phim Nơi bình yên chim hót” nên anh vui vẻ nhận lời tham gia.

Lần đầu có hai vợ

Ngoài đời, Lý Hùng rất hài hước. Anh khoe: ”Lần đầu tiên, tôi cưới được hai vợ, nhưng chỉ trong phim Thiên đường ở bên ta thôi nhé!”.

Trong phim này, Lý Hùng vào vai Gia Tường, đóng cặp với Mỹ Uyên và Thuyên Trang. Khi đoàn làm phim về Đồng Tháp quay, vừa nghe có Lý Hùng, bà con đến xem đông nghẹt, xe không di chuyển được. Ngay cả Lý Hùng cũng ngạc nhiên, không ngờ khán giả còn yêu mình đến thế.

Có duyên với những người đẹp

“Bạch mã hoàng tử” từng sánh vai với nhiều người đẹp trên phim. Cùng thế hệ với anh có Diễm Hương (Phạm Công – Cúc Hoa), Mộng Vân (Nước mắt học trò), Việt Trinh (Nước mắt học trò, Lệnh truy nã), Thu Hà (Tráng sĩ bồ đề, Sau những giấc mơ hồng), Giáng Mi (Sài Gòn trong trái tim), Trương Ngọc Ánh (Hồng hải tặc)…

Thế hệ sau có Ngọc Thuý (Dollars trắng), Thanh Trúc, Ngọc Diệp (Mưa thuỷ tinh), Thu Thuỷ (Quý cô tuổi Dần), Thuỳ Lâm (Tây Sơn hào kiệt)…. “Một thời đã xa” nhưng anh vẫn còn nhớ từng bạn diễn. Mỗi người một vẻ, Diễm Hương, Thanh Trúc hiền lành, thông minh, Việt Trinh sắc sảo, Giáng Mi quý phái, Trương Ngọc Ánh mạnh mẽ, Ngọc Diệp nhí nhảnh…


Lý Hùng kể những kỷ niệm khi anh cùng Việt Trinh quay ở Vũng Tàu, chờ từ 10h sáng đến khuya mới đến lượt mình, ai cũng mệt, nhìn nhau cười trừ. Hay lần anh cùng Thu Hà, Lê Tuấn Anh quay Tráng sĩ Bồ Đề ở Hà Tây, phải trân mình chịu cái nóng kinh hồn, càng quạt càng nóng. Rồi lần anh và Diễm Hương đón xe đò ra Huế quay phim Phạm Công – Cúc Hoa, nhớ thời đó đường sá gồ ghề, xe chật chội, bốc mùi kinh khủng, đi cả tuần lễ mới tới.

Bao nhiêu mệt nhọc được đền bù bằng tình cảm của khán giả. Có một bà lão cứ níu áo Lý Hùng: “Ôi sao Phạm Công thương vợ quá, được gả công chúa mà nhất định không chịu, chỉ muốn xin Diêm Vương cho vợ sống lại thôi!”. Lý giải về hiện tượng “Phạm Công”, Lý Hùng nói: “Dân mình vốn có truyền thống trọng tình trọng nghĩa, xem nặng sự thuỷ chung. Vì vậy, hình ảnh Phạm Công dễ dàng in sâu vào long công chúng”.

- Anh cũng từng đóng chung với nhiều diễn viên nước ngoài như Lê Tư, Huệ Ánh Hồng, Lý Phối Ji. Anh thấy họ thế nào?

Chúng tôi dễ dàng có sự đồng cảm trong công việc nhờ tôi biết tiếng Hoa, nhất là tiếng Quảng Đông. Phim của họ dùng nhiều kỹ xảo nên họ rất ngạc nhiên và nể phục khi thấy chúng tôi biểu diễn các màn đấu võ, có khi tự thực hiện những pha nguy hiểm….

Lý Hùng ít thổ lộ chuyện tình cảm. Anh chỉ “he hé” rằng hồi học trường Điện ảnh, anh có yêu một cô bạn đồng môn. Năm đó, anh 20 tuổi, cũng trải qua giây phút rung động đầu đời lãng mạn. Thế nhưng, những người từng đi vào tái tim anh hiện đã yên bề gia thất nên anh không muốn vì một lời nói vô tình của mình mà làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ.

- Nghe đồn anh là người “sát gái”?

- Sát gái là sao? (cười). Tôi là người không dễ yêu. Đâu phải quen ai cũng có thể xiêu lòng vì người đó. Chuyện trò vui vẻ, chọc phá nhau là thường. Ai không biết, có thể tưởng chúng tôi đang yêu nhau.

- Anh nghĩ sao khi “người xưa” Y Phụng từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng “Lý Hùng hết đẹp trai rồi”?

- Tôi gặp lại Y Phụng khi đến chia buồn thân sinh của cô ấy là NSƯT Minh Phụng qua đời. Y Phụng xưa và nay vẫn thế, lý lắc vui nhộn và hay kể chuyện tiếu lâm. Tôi cho rằng đó là một câu nói vui của Phụng (cười khanh khách). Tuy nhiên, với tôi, đẹp xấu không quan trọng. Quan trọng là còn giữ được phong độ. Tôi mà xấu thì làm gì có đạo diễn nào mời đóng phim nữa chứ!

- Anh thường nói là rất thần tượng mẹ và mong cưới được một người vợ có những đức tính như mẹ. Phải chăng vì thế mà anh vẫn còn “kén cá chọn canh”?

Mẹ không hề gây áp lực cho tôi. Nhà tôi cháu nội cháu ngoại đầy đủ nên ba mẹ không hối thúc tôi cưới vợ. Tôi chia tay với những mối tình đã qua vì nhiều lý do khác nhau. Tôi cho tất cả là duyên số. Bao giờ tới duyên thì “chạy trời cũng không khỏi nắng”. Thật ra, mong có một người vợ như mẹ là một cách nói nôm na. Là nghệ sĩ nhưng tôi là người của gia đình, ảnh hưởng nhiều tư cách sống nghiêm túc của ba mẹ tôi. Vợ tôi không cần đẹp, chỉ cần có lòng nhân ái.

- Điều đó cũng ảnh hưởng từ ba mẹ?

- Vâng, tôi học được nhiều thứ từ ba mẹ. Thời hoàng kim, tôi lãnh catse vài chục triệu, có thể mua được cả chục lượng vàng, mang về hết cho mẹ. Rồi lại thấy mẹ đem tiền chia sẻ cho người nghèo, bệnh nhân khốn khổ... Lúc đầu chưa hiểu, tôi hơi buồn vì cho rằng mẹ không coi trọng công sức của con trai. Thế nhưng, qua những chuyến đi từ thiện của mẹ, tôi dần dần thấm nhuần lòng bác ái của bà và vô cùng tự hào, khi được góp phần xoa dịu những nỗi đau.

Chính vì vậy mà tôi hăng hái làm MC cho chương trình Một điều ước. Càng dấn thân, tôi càng cảm thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với những gì cuộc đời đã ban tặng.

Lý Hùng tâm sự còn một ước mơ đau đáu trong lòng là xây cho ba mẹ một ngôi nhà lớn. Nhưng mỗi lần nhìn thấy một hoàn cảnh bất hạnh, anh lại xếp mơ ước của mình sang một bên để ưu tiên cho việc từ thiện.