Phông chữ

Các nhà khoa học vừa khẳng định, tin đồn về loài kỳ đà bí ẩn có chiều dài thân tới 1,8 m tại Philippines là có thật. Đó là loại kỳ đà siêu lớn được phát hiện trên đảo Luzon của Philippines, có tên khoa học là Varanus bitatawa.

 


Kết quả phân tích ADN cho thấy chúng có quan hệ gần gũi với rồng Komodo, một loài  thằn lằn lớn nhất hành tinh.

Varanus bitatawa có da biến màu theo địa hình nên rất khó phát hiện. Chúng có những chiếc vuốt cong và lớn để trèo trên cây và là một trong ba loài kỳ đà ăn trái cây mà các nhà khoa học đã được biết đến.

Khỉ ăn cây tre

Sau nhiều năm lăn lộn ở châu Phi, các nhà khoa học khẳng định, loài khỉ Bale (tên khoa học là Chlorocebus djamdjamensis) từng được phát hiện từ năm 1902, là loài khỉ ăn cây tre.


Chúng chỉ sống trong các khu rừng thuộc vùng Bale Massif và Hagere Selam ở phía đông nam Ethiopia.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, khỉ Bale ăn 11 loài lá cây, nhưng lá tre chiếm tới 77% lượng thức ăn hàng ngày của chúng.

Trong khi đó, phần lớn động vật linh trưởng ăn từ 50 tới hơn 100 loài cây và thức ăn của chúng giàu dưỡng chất hơn nhiều so với thức ăn của khỉ Bale.

Robot - nữ osin

Giáo sư Hiroshi Ishiguro thuộc Đại học Osaka vừa thành công trong việc chế tạo một loại robot-osin dạng người, có khuôn mặt giống như người và có khả năng diễn đạt như thật những cảm xúc của con người. Đó là một loại robot-osin nữ giống người.


Sau khi xem trình diễn sáng chế của Giáo sư Hiroshi Ishiguro, người xem sửng sốt và ngạc nhiên khi được tận mắt chiêm ngưỡng một “cô gái” tóc nâu, mặc váy đen, lúc mỉm cười, khi nhíu mày giận dữ.

Giá bán của một thiếu nữ-robot vào khoảng 10 triệu yen, tương đương 80.000 euro.

Tiêu diệt vi khuẩn bằng vòi phun ion

Các nhà khoa học thuộc Đại học công nghệ ứng dụng Aachen (Đức) vừa nghiên cứu thành công vòi phun ion dùng để xử lý vết thương và bảo vệ làn da có thể tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả mà không gây cảm giác đau cho người bệnh.


Loại vòi phun ion này được bao bọc bởi một lớp thép, có hình dáng giống một chiếc bút, chiều dài 12cm, đường kính gần 2cm. Sau khi được khởi động, đỉnh đầu vòi sẽ phun ra “đám mây ion” màu tím nhạt.

Các nhà khoa học cho biết, “đám mây ion” được phun ra có nhiệt độ thích hợp nên không gây cảm giác đau và dị ứng cho người bệnh.

Cây ăn thịt

Trong rừng một số quốc gia vùng nhiệt đới, các nhà khoa học phát hiện một số loài cây ăn thịt, dùng cánh hoa để dụ giỗ và nuốt chửng tất cả côn trùng mà chúng bắt được. Tuy nhiên, không phải côn trùng nào chúng cũng có thể ăn được.


Các nhà khoa học thuộc Đại học Bournemouth tại Anh vừa làm thí nghiệm cấy nguyên tố hiếm cadmi vào trong cơ thể một loại ruồi và thả vào khu vực có cây nắp ấm Sarracenia leucophylla, một loài cây ăn thịt chuyên bắt côn trùng bằng lá.

Sau khi cây tiêu hóa ruồi và hấp thụ cadmi, các nhà khoa học  nhận thấy chồi non của chúng teo dần theo thời gian. Hiện tượng đó cho thấy rất có thể chất độc cadmi đã cản trở hoạt động quang hợp của cây.

Chữa ung thư bằng nọc độc bọ cạp xanh

Chủ tịch Cty dược phẩm Labiofam của Cuba, José Antonio Fraga, vừa thông báo, các nhà khoa học của công ty này đã bào chế thành công thuốc chữa ung thư mang tên Ecoazul từ nọc độc bọ cạp xanh, có tên khoa học là Rhopalurus junceus.


Hiện, Cty Labiofam đang làm các thủ tục đăng ký bản quyền để có thể bán và xuất khẩu dược phẩm này ra thế giới. Cơ quan kiểm soát thuốc của Cuba cũng đã cấp giấy phép lưu hành cho thuốc “Ecoazul”.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Antonio Fraga cho biết quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng của sản phẩm này tại Cuba, Venezuela, Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã đem lại kết quả rất khả quan. Sau đó, thử nghiệm lâm sàng trên 8.000 bệnh nhân cũng cho kết quả tốt.

Nọc của bọ cạp xanh có tính kháng tế bào ung thư và kháng viêm cao.